Những tín hiệu khả quan trên cũng được nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đồ gỗ tại TP.HCM, Bình Dương thừa nhận. Tuy nhiên các DN này tỏ vẻ quan ngại trước những bất lợi về giá gỗ nguyên liệu tăng nhanh, sụt giảm đơn hàng, thiếu lao động...
Tăng mạnh về giá trị
Mặc dù cúp điện nhưng sáng 8-6, hơn 600 công nhân tại xưởng gỗ của Công ty TNHH Lâm Việt (Tân Uyên, Bình Dương) vẫn có mặt cho ngày làm việc. Hai chiếc máy phát điện tổng công suất 600 kVA đã được vận hành hết công suất để đảm bảo năng suất lao động, giao hàng đúng hạn cho các đối tác tại châu Âu, Mỹ, New Zealand...
Ông Nguyễn Liêm - giám đốc Công ty Lâm Việt - hồ hởi: “Doanh thu của công ty đến hết tháng 7-2010 ước đạt trên 6 triệu USD, bằng cả năm 2009. Năm nay ngoài có được những đơn hàng lớn, ổn định, giá trị các đơn hàng tăng 5-7%”.
Tương tự, ông Trần Quốc Mạnh - tổng giám đốc Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) - cho biết đến thời điểm này công ty đã có đủ đơn hàng hết năm 2010, hiện đang chuẩn bị ký đơn hàng của năm 2011. “Năm nay, lượng khách hàng tìm đến hội chợ quốc tế đồ gỗ do VN tổ chức đông gấp 2-3 lần năm trước để tìm đối tác. Chính nhu cầu lớn này tạo cơ hội cho các DN xuất khẩu gỗ VN có điều kiện chọn lựa những đối tác uy tín”, ông Mạnh phấn khởi.
Ông Huỳnh Quang Thanh - tổng giám đốc Công ty đồ gỗ Hiệp Long (Thuận An, Bình Dương) - cho biết nhu cầu sử dụng đồ gỗ ở phân khúc bình dân và cao cấp đều tăng mạnh trở lại sau khủng hoảng. Tính từ đầu năm đến nay, doanh thu của công ty đạt khoảng 5 triệu USD, tương đương cả năm 2009.
|
Nguồn: số liệu thống kê của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - Đồ họa: M.TÁNH |
Chưa hết những khó khăn
Những con số ấn tượng ngành gỗ đạt được nửa đầu năm 2010 cho thấy thị trường xuất khẩu đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên theo các DN, những khó khăn về giá nguyên liệu tăng cao, bất ổn của thị trường châu Âu hay rào cản của đạo luật Lacey (Mỹ), FLEGT (EU)... khiến DN không thể chủ quan.
Nên có phương án trữ nguyên liệu Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, trước tình hình giá nguyên liệu gỗ thế giới có xu hướng tăng, các DN cần có phương án dự trữ nguyên liệu để tránh rủi ro, chủ động sản xuất cũng như đón đầu nhu cầu của thị trường. |
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - tính đến thời điểm này DN gỗ VN chưa có lô hàng nào gặp khó bởi đạo luật Lacey. Mặc dù vậy, ông Quyền khẳng định đây chỉ là động thái trì hoãn thực thi tạm thời của Chính phủ Mỹ. Các DN gỗ VN cần gấp rút chuẩn bị mọi thủ tục, giấy tờ để hạn chế rủi ro trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thị trường đồ gỗ sôi động trở lại khiến tình trạng tranh mua nguyên liệu gỗ tăng mạnh dẫn đến giá nguyên liệu tăng cao. Theo thống kê của Trung tâm Thông tin thương mại - Bộ Công thương, bốn tháng đầu năm 2010 tình trạng xuất khẩu gỗ nguyên liệu qua sơ chế (phần nhiều là gỗ cao su, khoảng 45%) tăng 328% so với cùng kỳ năm 2009. Các DN sản xuất đồ gỗ từ gỗ cao su cho biết từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu gỗ cao su liên tục tăng 20-30%.
Tương tự, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm. So với đầu năm 2010, giá gỗ nhập từ các thị trường chính như Mỹ, New Zealand tăng 15-30% (tùy loại). Trong đó tăng mạnh nhất là các loại gỗ thông, sồi. Đây là trở ngại lớn của ngành gỗ bởi hiện khoảng 70% nguyên liệu sản xuất gỗ của VN phải nhập khẩu.
Trước mắt, để đối phó vấn đề giá nguyên liệu trong nước, mới đây Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN cùng Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM có công văn đề nghị Bộ Công thương có những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xuất khẩu ồ ạt gỗ rừng trồng dạng sơ chế (chủ yếu là gỗ keo, cao su, tràm bông vàng) sang Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, tình trạng này đã tạo khan hiếm nguyên liệu giả tạo khiến giá nguyên liệu tăng đột biến. Do đó, hội kiến nghị cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu dạng sơ chế hoặc tăng mức độ tinh chế sản phẩm để tránh việc lợi dụng ưu đãi thuế (0%).