Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản
12 | 02 | 2009
Cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với lãnh đạo bộ Công thương, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hôm qua (10.2) cho thấy, còn nhiều việc mà cơ quan nhà nước phải làm để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

Ông Trương Thanh Phong, tổng thư ký hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, lượng gạo xuất khẩu đạt 301.000 tấn trong tháng 1 với giá bình quân 396 USD/tấn, tăng 242% về lượng và 279% về giá trị là mức khá nhất trong khoảng hai mươi năm qua. Tháng 2 dự kiến xuất khẩu thêm 550.000 tấn với mức giá 410 USD/tấn. Chủ tịch HĐQT tổng công ty cà phê Việt Nam Đoàn Đình Thiêm cho biết, ước tháng 1, xuất khẩu cà phê cả nước giảm 18,8% về lượng và 30% về giá trị, nhưng mức giá hiện nay đã tăng 30 – 50 USD/tấn so với giá cuối năm 2008. Phó chủ tịch hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, xuất khẩu thuỷ sản về cơ bản vẫn giữ được thị trường. Nửa đầu tháng 1, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 120 triệu USD, giảm khoảng 1 – 2% so với cùng kỳ.

Ông Võ Tôn Quyền, tổng thư ký hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu gỗ trong tháng 1 năm nay giảm 50% so cùng kỳ. Hiện nay, một số nhà máy sản xuất, chế biến hàng gỗ xuất khẩu đóng cửa. Đại diện của hiệp hội Cao su cho biết, giá cao su đã giảm mạnh từ quý 4/2008 đến nay; ngành cao su Việt Nam có thể phải cắt giảm 25 – 30% sản lượng nếu giá cao su trên thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh dưới 1.000 USD/tấn. Kết quả xuất khẩu trong tháng 1 của một số ngành khác cũng rất ảm đạm: hạt tiêu giảm 20% về giá và 2% về lượng; chè giảm 28% về lượng, 27% về giá trị...

Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thuỷ sản nói rằng, xuất khẩu thuỷ sản chưa được hiệu quả cao do giá thức ăn chăn nuôi còn quá cao, trong khi chất lượng nhiều nơi rất tệ. Ông Võ Tôn Quyền nói rằng, Mỹ, EU đã đưa ra quy định để hạn chế nhập gỗ như EU quy định cả hàm lượng chì trong gỗ, trong khi đó, các bộ, ngành ở Việt Nam lại chưa có hướng dẫn, thông báo về tiêu chuẩn đề phòng tránh. Kinh phí nhà nước dành cho xúc tiến thương mại năm nay rất hạn chế, lại chậm triển khai và hệ thống thông tin thị trường, dự báo của cơ quan chức năng rất kém. Một số đại diện hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, trong năm 2009, đảm bảo chất lượng là vấn đề số một để giữ được giá, giữ được thị trường. Nhưng việc đầu tư của Nhà nước cho xây dựng các cơ sở chế biến, xây dựng kho chứa… còn ít và chậm. Hiệp hội thuỷ sản đề nghị tăng cường kiểm tra chất lượng kiểm dịch hàng chế biến nông, lâm sản, để tránh rủi ro khi xuất khẩu vào các thị trường.

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên ghi nhận hầu hết những ý kiến trên là đúng và hai bộ này sẽ báo cáo trình Chính phủ sớm ra các chính sách cần thiết.



Nguồn: SGTT
Báo cáo phân tích thị trường