Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc: Đến hạn đăng ký xuất xứ, doanh nghiệp vẫn mù mờ
19 | 06 | 2009
Từ 1-7, doanh nghiệp phải cung cấp danh sách các trang trại và cơ sở bao gói cho phía Trung Quốc đối với thanh long, vải, chuối, dưa hấu và nhãn.

Chưa đầy hai tuần nữa, thời hạn đăng ký xuất xứ của năm loại trái cây xuất sang Trung Quốc sẽ đến hạn. Thế nhưng đến giờ này việc đăng ký vẫn chưa đâu ra đâu. Ngay cả cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp đang rối bời.

Doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa

Từ 1-7, năm loại trái cây mà doanh nghiệp Việt Nam phải đăng ký, cung cấp danh sách các trang trại và cơ sở bao gói cho phía Trung Quốc gồm thanh long, vải, chuối, dưa hấu và nhãn. Ngoài ra, Việt Nam còn phải cung cấp cho Trung Quốc danh sách các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng sắn lát, tinh bột sắn.

ông Trần Quốc Bình, Giám đốc Công ty Việt Quốc Thịnh, cho biết: Qua tiếp xúc rất nhiều nông dân, họ vẫn chưa biết quy định này cụ thể như thế nào. Điều này sẽ không có lợi cho doanh nghiệp mình và nguy cơ hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc ách tắc lại cửa khẩu là điều có thể xảy ra.

Ông Lý Hải Long, Giám đốc Công ty Bảo Thanh, cho biết đến thời điểm hiện tại, công ty đã hoàn tất thủ tục đăng ký khai báo. Tuy nhiên, Công ty Bảo Thanh không biết việc đăng ký có được chấp nhận hay không. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất đăng ký đều mong ngóng hướng dẫn tiếp theo từ Bộ NN&PTNT và cơ quan quản lý.

Theo ông Long, không chỉ doanh nghiệp mà nông dân hiện đang “ngồi trên đống lửa” khi thời điểm 1-7 đã tới gần, nhiều vựa trái cây đã chín mà doanh nghiệp vẫn chưa biết chắc có được xuất hay không, hay thời gian xét hồ sơ mất bao lâu.

Hiện ba tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có tới 16.000 ha diện tích thanh long mà trong số đó có trên 80% hàng xuất đi Trung Quốc. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có kế hoạch thu mua trái cây cho nông dân hay kịp sửa chữa, bổ sung hồ sơ đăng ký kê khai nếu có sai sót.

Thời hạn đăng ký quá ngắn

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận, cho hay hiện việc đăng ký đã được Sở NN&PTNT kết hợp với Sở Công thương thông báo cho doanh nghiệp và các chủ vườn, trang trại, cơ sở thu mua đóng gói.

Bình Thuận có khoảng 20 doanh nghiệp lớn xuất khẩu trái cây thì số doanh nghiệp này đều thực hiện đăng ký. Ngược lại, số doanh nghiệp hay cơ sở nhỏ thì việc đăng ký tương đối khó vì hình như doanh nghiệp ít quan tâm tới vấn đề này. Bên cạnh đó, cái khó là ngoài việc đưa danh sách doanh nghiệp đăng ký xuất xứ, mã vườn... còn những bước tiếp theo đến nay Sở NN&PTNT vẫn chưa nắm được cụ thể để hướng dẫn rõ cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết do vấn đề đăng ký được Bộ NN&PTNT giao cho các sở NN&PTNT nên hiệp hội chỉ có trách nhiệm phổ biến văn bản và động viên doanh nghiệp làm. Đến thời điểm này, hiệp hội cũng chưa nắm được thông tin doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn gì. Lý do, số lượng doanh nghiệp vào hiệp hội không nhiều, chỉ có 70 thành viên, trong số đó số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc cũng chiếm tỷ lệ nhỏ, mà chủ yếu xuất khẩu hàng sang châu Âu và Mỹ. Tuy vậy, ông Kỳ cũng nhận định việc đăng ký diễn ra trong thời hạn quá ngắn sẽ gây ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thông báo từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này đã có hơn 40 tỉnh, thành gửi danh sách các trang trại, doanh nghiệp có trồng và xuất năm loại trái cây. Hiện Cục Trồng trọt đã gửi ra Bộ và đang chờ kết quả thẩm định mới thông báo có đạt hay không.

Theo ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc bắt doanh nghiệp đăng ký tất nhiên sẽ đem lại khó khăn trước mắt vì từ trước tới nay, doanh nghiệp chưa quen đăng ký và việc đăng ký cũng chưa được tiến hành quy củ mà mạnh ai nấy làm. Trả lời câu hỏi nếu doanh nghiệp đăng ký sau ngày 1-7 thì liệu hàng có được xuất hay không, ông Dư nói: “Hiện tại Cục vẫn chưa nhận được hướng dẫn gì mới”.

Cần học tập từ các doanh nghiệp xuất hàng đi châu Âu

Thực chất, các quy định đăng ký mà phía Trung Quốc yêu cầu cũng chính là tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP mà hiện nay nhiều nước áp dụng tiêu chuẩn này. Do đó, quy định trên tuy mới mẻ đối với doanh nghiệp xuất hàng sang Trung Quốc nhưng không có gì lạ đối với doanh nghiệp đã từng đưa hàng sang châu Âu, Mỹ từng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Ông Trần Quốc Bình, Giám đốc Công ty Việt Quốc Thịnh, cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc nên học tập hay trao đổi kinh nghiệm với doanh nghiệp xuất hàng đi châu Âu, Mỹ. Ngoài ra, hiệp hội, cơ quan chức năng nên tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp xuất hàng sang Trung Quốc bằng những tiêu chuẩn đã làm như hàng xuất đi châu Âu, Mỹ. Cách làm này sẽ rút ngắn con đường để hàng trái cây Việt Nam đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc sau những quy định được đề ra.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường