Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long: Trái cây Trung Quốc bị đổi tên?
23 | 06 | 2009
Các loại rau củ từng được giới thiệu là hàng Trung Quốc thì nay chủ sạp bảo là hàng... Đà Lạt!

Thời gian gần đây, báo chí đưa tin về nhiều hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc bị nhiễm hoặc nghi nhiễm hóa chất độc hại. Theo chúng tôi mới ghi nhận ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dường như trái cây Trung Quốc đang vắng bóng dần.

Nghi vấn đặt ra rằng liệu có phải các tiểu thương bán trái cây nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc nhưng lại chào là hàng Thái Lan, Mỹ, Nhật, Úc hoặc hàng Việt Nam hay không?

Hết thời trái cây Trung Quốc?

Hỏi mua quýt Trung Quốc, chị chủ cửa hàng trái cây Bé Hoa, đường Nguyễn Thái Học (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), khoát tay: “Không có đâu, hàng Trung Quốc giờ không chuyển về nữa. Nghe nói ăn bị bệnh do hóa chất gì đó nên hổng có ai ăn hết. Giờ không thu vào nữa, bán ế ẩm lắm!”.

Ghé một sạp trái cây tại chợ Vĩnh Long tìm mua táo Trung Quốc, chị Lan bán hàng ngồi cười cười: “Hàng Trung Quốc bây giờ hổng có bán nữa, ít người mua lắm. Táo này là táo “Phu si” gì đó của Nhật, còn táo kia là của Mỹ đó”. Nhưng khi hỏi chắc là táo của Nhật không thì chủ sạp tiếp tục cười cười.

Một lần tại một cuộc họp, trong bữa ăn nhẹ giữa giờ giải lao, chúng tôi phát hiện một trái quýt Trung Quốc vàng ươm, bên ngoài lá vẫn còn tươi rói nhưng khi lột ra bên trong thì giữa lớp vỏ và múi quýt đã xuất hiện nấm mốc xanh!

Nhân chuyện trái quýt này, chị Thủy (nhà ở phường 2, TP Vĩnh Long) kể rằng cách đó ít hôm, đứa con trai của chị ăn mấy trái táo Trung Quốc mà chị mang về từ một buổi tiệc liền bị ói mửa và phải đi cấp cứu.

Tại các chợ Cần Thơ, Vĩnh Long, các loại rau củ trước đây từng được giới thiệu là hàng Trung Quốc như củ cải đỏ, gừng, gia vị thì nay các chủ sạp lại khẳng định là hàng Đà Lạt. Các loại trái cây như cam, quýt, lê, táo, nho cũng được khẳng định là nhập về từ Thái Lan, Nhật hoặc Úc.

Mấy bà nội trợ dù thông minh cỡ nào cũng không thể xác định được nguồn gốc hàng hóa. Người tiêu dùng vẫn mù mờ về nguồn gốc hàng mà mình sử dụng.

Đảo một vòng quanh các sạp bán trái cây ở các chợ Cần Thơ, Vĩnh Long, các loại trái cây có bao bì Trung Quốc gần như vắng bóng. Ngay cả các siêu thị ở Cần Thơ, Vĩnh Long cũng chỉ là táo Fuji của Nhật, của Mỹ, lê Hàn Quốc.

Tại khu vực Siêu thị Vinatex không còn bắt gặp quýt Trung Quốc mà chỉ có nho Mỹ. Còn ngoài chợ, giới tiểu thương mua bán trái cây khu vực chợ Cần Thơ đều cho rằng trái cây Trung Quốc giờ đang hiếm hàng nhưng lại xuất hiện thêm nhiều loại trái cây mang tên Thái Lan, Đài Loan, Úc. Mận hình dáng như mận An Phước được rao bán là mận Thái Lan. Một loại xoài trái to tròn, da màu hồng vàng bày bán bên lề đường được rao là xoài Úc.

Mù mờ nguồn gốc

Giờ đây người dân đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu dè dặt sau thông tin “trái cây ngoại bị tẩm hóa chất”, ăn không tốt cho sức khỏe và quay lại dùng trái cây nội địa đang vào mùa thu hoạch. Các loại trái cây ngoại như bom, lê, quýt của Trung Quốc chỉ một ít người mua làm quà biếu đám tiệc.

Còn thương lái lại tranh thủ chuyển trái cây thành tên của nước khác để bán cho hết! Trong khi người tiêu dùng gần như mù mờ về nguồn gốc các loại trái cây thì thương lái mặc tình bảo rằng nho Mỹ, táo Fuji Nhật.

Một cán bộ quản lý thị trường Vĩnh Long cho biết vẫn chưa kiểm tra vấn đề này. Điều quan trọng trước mắt có lẽ là kiểm tra hàng hóa ngay từ chuyến xe hàng qua biên giới.

Như Báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung quốc đã ký thỏa thuận về giám sát chất lượng trái cây.

Theo đó, ngày 1-7 là thời điểm cuối cùng để cơ quan chức năng hai nước cung cấp cho nhau danh sách xuất xứ năm loại trái cây chủ lực Việt Nam xuất sang Trung Quốc (thanh long, vải, nhãn, chuối và dưa hấu). Ngược lại, phía Trung Quốc cũng cung cấp danh sách các trang trại, vườn trồng và cơ sở bao gói các loại trái cây xuất sang Việt Nam.

Người tiêu dùng đang chờ rào cản thuận lợi để bảo vệ sức khỏe của mình.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường