Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chậm khai báo nguồn gốc hàng nông sản: Thanh long hẹp đường xuất khẩu
22 | 06 | 2009
Các nhà vườn, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận - nơi chiếm đến 75% lượng thanh long xuất khẩu cả nước - triển khai chủ trương khai báo nguồn gốc xuất xứ vùng sản xuất cho phía Trung Quốc vẫn rất chậm.

Ngày 1.7 là hạn cuối khai báo nguồn gốc xuất xứ vùng sản xuất, cơ sở thu mua đóng gói thanh long cho phía Trung Quốc, theo văn bản đàm phán được ký kết giữa Bộ NNPTNT với Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm, kiểm dịch (AQSIS) Trung Quốc vào tháng 1.2009. Nhưng các nhà vườn, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận - nơi chiếm đến 75% lượng thanh long xuất khẩu cả nước - hiện việc triển khai chủ trương này vẫn rất chậm.

Doanh nghiệp tư nhân Châu Huy (xã Hàm Minh - Hàm Thuận Nam) - chuyên thu mua, xuất khẩu thanh long đi Trung Quốc bằng đường bộ - cho hay: "Cho đến ngày 7.6 vẫn không nghe ngành nông nghiệp thông báo; cả Hiệp hội Thanh long cũng không thấy nói gì, dù chúng tôi vẫn liên hệ hằng ngày để trao đổi thông tin giá cả, thị trường. Đến giờ, tuy chủ trương mới đã được triển khai nhưng vẫn rất chậm chạp. Trong khi đó,   doanh nghiệp chúng tôi có hàng chục đầu mối thu mua, chưa kể số đóng gói trực tiếp tại các nhà vườn. Nếu không có sự chuẩn bị từ sớm thì rất khó thực hiện theo đúng yêu cầu của đối tác.

Một vấn đề mà các doanh nghiệp và nhiều nhà vườn thanh long rất lo ngại, là những thành phần nào phải khai báo và đăng ký xuất xứ với Trung Quốc? vì trên 70% thanh long Bình Thuận bán ở thị trường Trung Quốc.

Trong công văn số 1382, Bộ NNPTNT hướng dẫn các đối tượng phải khai xuất xứ là các trang trại, vườn trồng và cơ sở bao gói. Tuy nhiên, trong biểu mẫu thống kê mà Cục Trồng trọt hướng dẫn kèm công văn số 401, thì đối tượng đa dạng hơn. Trong đó, phải thống kê tên doanh nghiệp, HTX, trang trại, vùng sản xuất tập trung, cơ sở đầu mối thu mua, bao gói... Mỗi nơi lại phải thống kê diện tích sản xuất, sản lượng thu hoạch, thu mua, số lượng xuất khẩu sang Trung Quốc từng năm (thống kê 3 năm liên tục, từ 2006-2008), rồi đăng ký số lượng xuất khẩu sang Trung Quốc trong từng năm tới...

Vì thói quen mua bán đơn giản với đối tác Trung Quốc từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thanh long không dễ hoàn chỉnh các quy định khi thời hạn cận kề, đây lại là mùa chính vụ của thanh long.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ, theo ông Nguyễn Ngọc Hai - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận, là mãi đến ngày 25.5, Bộ NNPTNT mới có công văn số 1382 gửi Sở NNPTNT yêu cầu khẩn trương triển khai nội dung mới. Cuộc họp khẩn sau đó do Sở Công Thương Bình Thuận tổ chức với các DN, các cơ sở thu mua cũng chủ yếu là thông báo tình hình, hướng dẫn thêm một số quy trình đóng gói theo VietGAP, chưa đạt được các hướng cụ thể mà DN và nhà vườn mong chờ!

Bình Thuận hiện có gần 12.000ha thanh long, trong đó có 11.000ha đang cho thu hoạch, với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 220.000 tấn. Hơn 22.000 hộ dân trực tiếp sản xuất và khoảng 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, xuất khẩu thanh long. Lượng xuất khẩu chính ngạch đi các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ chỉ khoảng 30.000 tấn, cùng một phần tiêu thụ tại thị trường nội địa. Số còn lại được xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường bộ, chủ yếu giao hàng qua cửa khẩu Tân Thanh. Thị trường Đài Loan chiếm thị phần khá lớn, từ tháng 3 đến giờ cũng tạm ngừng nhập thanh long - với lý do được đưa ra là chưa xử lý dứt điểm ruồi đục quả.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường