Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết
19 | 06 | 2007
Dịp Tết cổ truyền, nhu cầu với các mặt hàng thực phẩm tăng cao. Thị trường cũng xuất hiện các loại hàng giả, hàng nhập lậu thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần ngăn chặn tình trạng này để người tiêu dùng đón Tết vui vẻ.
Trên đường ra cửa khẩu Tân Thanh "thực địa", một cán bộ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn vừa chỉ tay về phía sườn núi Kéo Kham, Hang Dơi, vừa giới thiệu: Tại cửa khẩu, lúc nào cũng có vài chục xe tải chất đầy cam, quýt, táo, lê chờ làm thủ tục thông quan, nhưng các anh cứ nhìn vào các đường mòn cũng thấy không kém nhộn nhịp. Xe máy chằng buộc các bao tải lao vun vút, người mang vác, gồng gánh đủ các loại hàng hóa  nhằm hướng thành phố Lạng Sơn.

Ðiều đáng nói là giữa lúc dịch cúm gia cầm tái phát tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và có nguy cơ lan sang các địa phương khác, thì ở Lạng Sơn, theo đường tiểu ngạch, các loại gia cầm, trâu, bò, phủ tạng lợn, gà... ngày đêm vẫn vượt biên giới vào nước ta.

Một cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chuyện nhập lậu gia cầm (chủ yếu là gà) từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có từ lâu, lực lượng kiểm soát liên ngành tỉnh Lạng Sơn tìm mọi cách ngăn chặn nhưng không xuể, thậm chí không ít lần dân buôn chống đối quyết liệt để giành lại hàng hóa. Cho nên thực tế số lượng gia cầm và các sản phẩm động vật không qua kiểm dịch bị bắt và tịch thu chỉ là một phần nhỏ so với lượng hàng đã vào nước ta.

Lạng Sơn có đường biên giới với Trung Quốc hơn 250 km, bao gồm hai cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị và ga Ðồng Ðăng), ba cửa khẩu quốc gia là Tân Thanh, Chi Ma và Cốc Nam. Vì vậy, hàng hóa qua cửa khẩu Lạng Sơn vào nước ta có đủ loại. Ði theo con đường chính ngạch, mỗi ngày có hàng trăm xe hoa quả, cà chua, hành tỏi, súp lơ, khoai môn, nho, nhãn, nhộng ong, mộc nhĩ sấy khô, bánh kẹo, thạch hoa quả, đường hóa học,...

Các lực lượng liên ngành tại các cửa khẩu Lạng Sơn, mỗi năm đã kiểm tra được hàng chục nghìn lượt xe chở hàng trăm nghìn tấn hàng thực phẩm. Như năm 2006, Lạng Sơn đã kiểm tra, kiểm soát được hơn 17 nghìn xe hàng (phần lớn ở cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma) với khoảng 230 nghìn tấn các mặt hàng thực phẩm.

 Việc kiểm tra thực phẩm nhập khẩu do ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện. Tuy nhiên, quy trình kiểm tra mới dừng lại ở xem xét: bản công bố tiêu chuẩn cơ sở của tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực phẩm, bản sao hợp pháp vận đơn, bản sao hợp pháp hóa đơn hàng hóa, giấy chứng nhận xuất xứ; đồng thời thực hiện các thao tác theo cảm quan: phương thức đóng gói, hạn dùng trên bao bì, hiện trạng bảo quản thực phẩm, mầu sắc, mùi vị thực phẩm và lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

Theo ông Ðỗ Văn Ðược, Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, cho biết, năm 2006,  Lạng Sơn đã phối hợp các cơ quan liên ngành tịch thu và tiêu hủy gần 79.500 kg gà thịt; gần 55 nghìn gà, vịt con các loại; gần 243 nghìn 500 quả trứng gia cầm; 290 kg vịt làm sẵn; hơn 600 kg tim, cật, nầm lợn; 110 con bò thịt; 100 kg thịt kỳ đà... Ðây chỉ là một lượng nhỏ mà chúng ta kiểm soát, thu giữ được còn một khối lượng lớn trốn tránh, "qua mặt" kiểm tra, kiểm dịch y tế biên giới lưu thông vào nội địa, thật lo ngại biết chừng nào.

Sự lo ngại đó là có thật, bởi trong khi chờ cơ quan chức năng xét nghiệm, kiểm chứng xem có hay không chất sudan (gây hại cho sức khỏe) trong trứng gà đưa từ Trung Quốc về như dư luận xôn xao cách đây vài tuần thì người tiêu dùng rất băn khoăn khi ăn trứng gia cầm. Tại các quầy bán gà sạch, trứng sạch trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Hà Ðông (Hà Tây), chợ Hàng Da (Hà Nội), những người bán hàng đều có chung câu trả lời: Nguồn hàng chúng tôi lấy về có nguồn gốc, bảo đảm, an toàn vệ sinh thực phẩm, bình thường vẫn bán chạy nhưng khoảng 10 ngày trở lại đây gà làm sẵn bán rất chậm, riêng trứng gà giảm 30 - 50%.

Chị Phạm Thanh Thủy, chủ một quầy trứng sạch ở chợ Hàng Da phàn nàn: Trước đây mỗi ngày tôi có thể bán 150 - 200 quả trứng nhưng mấy ngày nay chỉ tiêu thụ được 50 - 60 quả/ngày. Hàng hóa lưu thông trong dịp lễ, Tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm (hoa, quả, mứt, bánh, kẹo, rượu, bia, nước chấm, nước giải khát) tăng 15 - 20 lần so với ngày thường.

Trước Tết gần một tháng, lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng chục nghìn chai rượu rởm trong đường dây sản xuất rượu ngoại giả tồn tại nhiều năm tại thành phố Vinh (Nghệ An); không ít vụ sản xuất, tiêu thụ bia hơi, nước mắm, bột canh, mì chính kém chất lượng được phát hiện ở Thanh Hóa, Sơn La, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hải Phòng. Riêng mặt hàng mứt, bánh, kẹo, ngoài sản phẩm có uy tín của một số công ty nhà nước, chúng tôi có dịp đi theo các đoàn kiểm tra, thanh tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của Hà Nội, không kể các cơ sở "mẫu" được báo trước thì phần lớn chưa bảo đảm điều kiện VSATTP.

Sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, lẻ hộ gia đình là phổ biến cho nên các cơ sở làm mứt, bánh kẹo ở Xuân Ðỉnh, huyện Từ Liêm (Hà Nội), La Phù, huyện Hoài Ðức (Hà Tây) có diện tích mặt bằng chật hẹp, dụng cụ sứt mẻ, cũ kỹ; không ít cơ sở còn để nguyên liệu và thành phẩm trên nền đất, cách cống rãnh bốc mùi hôi thối chỉ vài bước chân. Tình trạng như vậy thì ai có thể dám chắc sản phẩm bảo đảm chất lượng VSATTP.

Cũng vì vậy, theo Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm T.Ư, hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành (chủ yếu dịp trước Tết Nguyên đán) đã phát hiện, tịch thu một khối lượng khá lớn, như năm 2005 hơn 26 nghìn chai rượu giả, hàng chục nghìn lít bia kém chất lượng, hơn 10 nghìn chai nước mắm giả nhãn mác, gần 25 nghìn gói, hộp bánh kẹo kém chất lượng, quá hạn sử dụng, khoảng 2.500 kg phủ tạng gia cầm có tẩm ướp hóa chất độc hại. Còn năm nay, đến đầu tháng 2-2007 (tức còn khoảng hai tuần nữa là  đến Tết Ðinh Hợi), thống kê chưa đầy đủ của các đoàn kiểm tra, thanh tra cho biết cũng đã phát hiện và thu giữ hơn 23 nghìn chai rượu giả, gần 45 nghìn chai, lon nước giải khát các loại kém chất lượng, hơn 20 nghìn chai nước chấm giả nhãn mác; hàng tấn mứt, bánh kẹo không xuất xứ, chất lượng kém...

Trước thực trạng công tác quản lý chất lượng VSATTP còn nhiều khó khăn, bất cập, trong đó nhận thức đúng về VSATTP của người sản xuất, chế biến thực phẩm mới đạt hơn 47%, người kinh doanh đạt hơn 38,5% và người tiêu dùng chỉ đạt khoảng 38%; mỗi năm cả nước còn xảy ra từ 150 đến hơn 200 vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe nhiều người, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị toàn quốc về công tác bảo đảm VSATTP (ngày 10-1) và Hội nghị (ngày 1-2) dành cho hơn 20 bộ, ngành và các địa phương (vắng mặt lần trước) đã hết sức bức xúc, yêu cầu phải khẩn trương chấn chỉnh lại Ban chỉ đạo VSATTP tại các bộ, ngành và các địa phương, các cấp chính quyền cần thể hiện vai trò, trách nhiệm trong quản lý chất lượng VSATTP.  Nhất là dịp Tết cổ truyền dân tộc, các lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống hàng giả, hàng lậu nhằm bảo vệ người tiêu dùng vui Tết, đón Xuân lành mạnh, an toàn.

PGS, TS Trần Ðáng, Cục trưởng An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), người vừa đi kiểm tra VSATTP các tỉnh phía bắc trao đổi với chúng tôi: Công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng VSATTP dịp Tết năm nay tập trung vào các vấn đề chính. Ðó là đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải bảo đảm điều kiện vệ sinh theo quy định, tuyệt đối không được sử dụng chất phụ gia, phẩm mầu độc hại, thực hiện quy chế nhãn mác, bảo quản thực phẩm. Các cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố, khu vực lễ hội: nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, công trình vệ sinh, bày bán gia súc, gia cầm); thức ăn phải đựng trong tủ kính có giá cao từ 60 cm trở lên, người kinh doanh phải được tập huấn kiến thức VSATTP, dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.

Ðiều này đòi hỏi chính quyền các cấp phải xắn tay "vào cuộc" mới mong ngăn chặn và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Mặt khác coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu các mặt hàng thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng gây hại cho sức khỏe con người nơi cửa khẩu, biên giới.

Thiết thực hơn, mỗi người tiêu dùng hãy "thông minh", khôn khéo trong cách chọn mua, sử dụng thực phẩm, đồng thời ở mỗi bếp ăn tập thể, hộ gia đình đừng quên thực hiện 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn.

Có như vậy mới ngăn ngừa được ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ và nâng cao sức khỏe khi Tết đến, Xuân về.


Nguyễn Khôi - Báo Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường