Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Biên mậu Việt Trung tại… Lục Ngạn
15 | 06 | 2009
Lục Ngạn – vựa vải thiều nổi tiếng khắp nước – cách cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn khoảng 120 cây số và cách cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu hơn 300 cây số đường bộ. Cửa khẩu này là nơi “ăn” vải Lục Ngạn nhiều nhất hiện nay theo hình thức biên mậu. Nhưng đến Lục Ngạn mới thấy biên mậu đã tiến vào ngay trong lòng huyện vải này…

Thương nhân lề đường

Trong 44.000ha trồng vải mang lại sản lượng 120.000 tấn vải năm nay của Bắc Giang thì vải của huyện Lục Ngạn là có chất lượng “xịn” nhất, nổi tiếng nhất, càng cao cấp khi tại huyện, đã có 2.500 hecta trồng được vải theo đúng quy trình GAP.

Thương nhân lề đường người Trung Quốc (người ở trần) đang định giá vải tại Lục Ngạn

Đến Lục Ngạn giữa chính vụ, sáng ngày 10-6, chúng tôi thấy trên trời dưới vải, vải tràn xuống lòng đường làm tắc nghẽn giao thông vì mỗi nhà vườn nườm nượp tự chở những sọt, thùng gỗ ngập vải đến cân tại các vựa dọc đường 31, con đường độc đạo nối tỉnh với huyện. Thông tin chính thức từ cán bộ huyện: 65 thương nhân Trung Quốc (đây là số có đăng ký) đang cắm sào ở đây, thu mua 60% sản lượng.

Ở Lục Ngạn có thể gặp người Trung Quốc nhan nhản, họ thuê dân địa phương làm việc cho họ. Giá dịch vụ mà người Việt cung ứng cho họ cực mềm: 500đ/kg vải, gồm thuê văn phòng (là nhà của thương nhân người Việt) làm kho luôn, cân, bó chùm, đóng thùng. Tiền mua thùng xốp, đá, vận chuyển lên tới Hà Khẩu bổ đồng 3.000đ/kg. Họ trực tiếp giao dịch với người bán vải, trả giá, định giá, ghi phiếu cho người Việt cân, trả tiền. Quan sát các thương nhân Trung Quốc làm việc, họ cứ như là… đang ở nhà họ: quần Tiều, ở trần, khăn lông ướt trên lưng, tay cầm xấp phiếu và viết, phiên dịch Việt Nam túc trực bên cạnh. Nhà báo qua quan sát mà nhận ra anh chàng thương nhân Trung Quốc chừng 40 tuổi chứ không có ai giới thiệu và khi nhà báo hỏi thăm, phỏng vấn, anh ta lắc đầu, tỏ vẻ không hài lòng.

Đứng hẳn xuống lòng đường, đón bất kỳ xe chở vải nào chạy ngang, “thương nhân lề đường” xem hàng theo cách của người hàng xáo, ra giá, chê mấy câu rồi quyết định giá tức thì, bảo người phiên dịch thông báo lại quyết định cho người bán, sau đó, hễ ông ta ghi phiếu là chấp nhận, xua tay là bất thành. Chỉ trong chớp mắt , thương nhân này có thể làm cho người này vui, người kia buồn, người này thành, người kia bại.

Một cô vừa bán sọt vải với giá 8.000đ/kg, thất vọng nói: “Giá thấp bằng phân nửa tuần trước, nhưng không bán ở đây, nơi khác họ cũng mua giá vậy thôi. Bán nhanh rồi về”. So với những bất hạnh của người nông dân bán cá giá thấp ở đồng bằng sông Cửu Long thì người bán vải ở đây bất hạnh hơn nhiều. Giá bán một ký trái vải chất lượng trung bình (không phải loại cao cấp ở Lục Ngạn) đang bán ở Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) hôm nay là 9 tệ, tức 25.000đ Việt Nam.

Có một nghi vấn: hôm nay, giá mua vải ở biên giới Hà Khẩu là 5.000đ/kg. Họ mua như vậy thì nông dân Việt chỉ có thể khóc ròng vì giá bán thấp nhất ở Bắc Giang cùng lúc là 6.000đ, và giá người Trung Quốc mua thực sự tại Lục Ngạn là 10.000đ. Vì sao họ trả giá chỉ có thế? Phải chăng mức giá đó sẽ khiến những thương nhân Việt Nam tự phát chở vải lên biên giới sẽ cù cưa mãi vì lỗ nặng, cuối cùng chỉ còn có cách bán đổ bán tháo giá mạt rệp (vì chỉ hai ba ngày là vải đã xuống màu, thúi cuống khó bán) và sẽ chỉ có vải của mấy chục thương nhân lề đường Trung Quốc là xuất được?

Không thể bán cho doanh nhân Sài Gòn

Không thể nói chính xác mỗi ngày có bao nhiêu vải vào tay các thương nhân Trung Quốc nhưng có thể nói chắc chắn: vải cao cấp nhất, và 60% sản lượng là vào tay thương nhân Trung Quốc đang trực tiếp mua bán và định giá mỗi ngày tại đây. Thăm nhà Trương Văn Hùng, một trong những nông dân miệt mài thực hiện tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt), Hùng nói: “Họ mua mọi thứ như nhau, GAP cũng như loại thường”. Vườn vải gần một mẫu của anh, trái chín tươi ngon, giá hôm nay cũng đã bị sụt 1.000đ/kg so với hôm qua. Đứng nhìn nông dân bán vải, thấy họ không có sự tính toán chủ động, ai nấy đều muốn chen ngang bán cho được phần mình, và cứ mỗi lần có một người chen ngang được, thì mức giá lại tụt xuống một nấc nữa.

Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), một nhân chứng “hiện tượng biên mậu đang dời về Lục Ngạn”, nói: “Thị trường nội địa vẫn có nhu cầu lớn về trái vải. Nếu chúng ta kết nối được mạng lưới phân phối tại các trung tâm đầu mối với tổ chức của những nông dân trồng vải (không phải những hội hè kiểu công chức mà là tổ chức do họ tự thành lập với nhau để bảo vệ nhau) thì mới có thể thoát khỏi tình trạng bấp bênh nguy hiểm hiện nay là phó thác chuyện thu mua, định giá cho người Trung Quốc”.

Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn là người trăn trở về thực trạng này nói với bà Vũ Kim Hạnh: “Thị trường nội địa là quan trọng, nhưng chúng tôi đã vào thành phố, vào Tây Ninh, đi cả Campuchia mà chưa tìm được đúng mối, đúng người. Đúng là tình trạng hiện nay thắc thỏm lắm. Chúng tôi muốn doanh nhân Sài Gòn cùng chúng tôi tạo đối trọng, tổ chức lại hệ thống tiêu thụ vải thiều, đưa dân ra khỏi thực trạng này”.

Ông kể rằng, năm ngoái, có vụ tranh chấp giữa thương nhân Trung Quốc với Việt Nam, thì ông chủ lớn của toàn bộ thương nhân lề đường tại Bắc Giang đã đồng loạt ngưng mua vải. Người Trung Quốc làm ăn cũng rất biết lấy lòng những đầu mối và cũng lão luyện về cách ép giá, chèn ép các đối thủ cạnh tranh. Tháng 7.2009, Trung Quốc yêu cầu nông sản từ Việt Nam qua phải có xuất xứ hàng hóa. Họ càng có lý do vào đến tận đây để… xác nhận xuất xứ.

Tế nhị và nhạy cảm

Bà Phạm Chi Lan, phó viện trưởng viện Phát triển kinh tế IDS thực sự bày tỏ âu lo với ông Bùi Văn Hạnh, phó chủ tịch tỉnh trong cuộc họp của uỷ ban với đoàn chuyên gia xúc tiến đến từ TP.HCM. “Họ đã vào sâu trong lãnh thổ ta, hành động có tổ chức chặt chẽ trong khi thương nhân Việt Nam vẫn hoạt động riêng lẻ, rời rạc. Cao su xuất khẩu tiểu ngạch, họ ngưng mua là giá xuống. Dưa hấu chở tới Tân Thanh, họ nói về Bắc Kinh làm thủ tục bốn ngày thì dưa đã hư hết rồi. Giờ đây họ ở Lục Ngạn, cách tổ chức của họ khiến chúng ta phải suy nghĩ về quan hệ mua bán nhạy cảm và hành động để tạo điểm tựa từ thị trường trong nước, đối trọng từ trong nước”.

Ông Bùi Văn Hạnh nói: “Chúng tôi đề nghị BSA thiết kế ngay một chương trình kết nối thị trường, trong đó đầu cầu TP.HCM đặc biệt quan trọng”. Bà Phạm Chi Lan cho rằng phải đưa những nhà phân phối lớn của TP.HCM ra Lục Ngạn và đoàn cán bộ đại diện tỉnh Bắc Giang cùng các doanh nhân của tỉnh cần sớm vào TP.HCM, tích cực nối kết với chợ đầu mối, các siêu thị và xây dựng lộ trình đưa trái vải và những loại nông sản khác ra khỏi sự chi phối như hiện tượng Lục Ngạn. Ông Bùi Văn Hạnh nóng lòng nói: “Chương trình hai chiều cần được tiến hành ngay. Đầu tuần sau, chúng tôi cử đoàn sở Công thương và các doanh nhân tỉnh Bắc Giang vào gặp gỡ ngay tại TP.HCM”.

Ủy ban tỉnh cũng yêu cầu tổ chức từ đầu tháng 7.2009 hai chương trình rất cần thiết trong chủ trương kích cầu hàng nội và xúc tiến cho thị trường nội địa tại tỉnh Bắc Giang là chương trình “hàng Việt về nông thôn” đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về phục vụ nông dân và nếu tổ chức ngay tại vùng vải Lục Ngạn càng tốt và chương trình huấn luyện, hỗ trợ kiến thức về thị trường cho nông dân Bắc Giang. Đồng thời, hỗ trợ việc chuẩn bị cho chương trình xúc tiến cho quả vải năm 2010, đưa việc tiêu thụ quả vải và một số nông sản theo hướng chủ động phát triển thị trường nội địa.



Nguồn: Sài Gòn tiếp thị
Báo cáo phân tích thị trường