Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vải thiều xuất sang "Tàu" bị ép giá
22 | 06 | 2009
Thống kê cho thấy, mỗi ngày có khoảng 200-300 tấn vải tươi được chuyển từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương… lên Lào Cai để xuất sang Trung Quốc.

"Có những lúc, vải sang đến Trung Quốc bị ép giá xuống quá, thấp hơn cả giá ở Hà Khẩu, nhiều chủ hàng không chịu nổi đã phải đẩy ngược cả xe hàng về Lào Cai tiêu thụ”, ông Lê Ngọc Hưng, Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết trong cuộc trao đổi với Vietnamnet, chiều 19/6

Theo ông Hưng, việc bị ép giá, ép cấp chủ yếu xảy ra với các tư thương nhỏ do cách làm ăn tự phát, thiếu chuyên nghiệp qua đường tiểu ngạch.

Thống kê cho thấy, mỗi ngày có khoảng 200-300 tấn vải tươi được chuyển từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương… lên Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Những xe hàng xuất qua đường chính ngạch, xin cấp C/O đàng hoàng thường do các chủ buôn lớn thu mua tận địa phương theo hợp đồng nên ít có rủi ro về giá.

Việc bị ép giá chủ yếu xảy ra với các chủ hàng nhỏ lẻ xuất theo đường tiểu ngạch. 

Thay vì tiêu thụ theo hợp đồng, nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh nhỏ vẫn trung thành với phương thức kinh doanh cũ là cứ ùn ùn chở hàng xe vải tươi lên cửa khẩu. Việc “bắt mối” tiêu thụ bên Trung Quốc lo sau. Những chủ hàng này cũng không xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mà cứ thế chất hàng tạ vải tươi lên những xe bò, xe ba gác đẩy qua chợ bên kia biên giới bán.
 
Sức ép vải ùn về với số lượng lớn đã vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng phục vụ biên mậu khu vực cửa khẩu Lào Cai. Hà Khẩu lại không có kho lạnh, thời tiết Lào Cai đang nắng nóng nên vải tươi nhanh chóng xuống màu, thối, hỏng. Vải xuất tiểu ngạch không có C/O. Vì thế, chuyện bị đối tác Trung Quốc lợi dụng ép giá, ép cấp là khó tránh khỏi.

Ông Hưng cho biết, lúc cao điểm, giá vải tươi xuất khẩu bị ép xuống rất thấp, chỉ còn có 3.000 đồng/kg trong khi vải tươi loại ngon tại Lào Cai đã trên 10.000 đồng/kg.

“Tôi biết có những xe hàng bị ép giá quá, phải quay về tiêu thụ tại Lào Cai hoặc ngược lên Sapa cho mát để chờ thương lượng lại”, ông Hưng nói.

Tuy nhỏ lẻ nhưng theo ông Hưng, sản lượng vải xuất khẩu qua đường “không chuyên nghiệp” này cũng phải chiếm đến 50%. Như vậy, một nửa số vải xuất khẩu thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị ép giá, ép cấp do phương thức kinh doanh tự phát của các chủ hàng Việt nam.

Trong Công điện khẩn gửi 2 tỉnh “sản xuất” vải Hải Dương và Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng lưu ý các thương nhân cần ký kết hợp đồng bao tiêu trước khi chở vải lên, tránh tình trạng vải đã lên đến cửa khẩu lại phải chở ngược về do bị ép giá.

Trong hai ngày 18-19/6, Bộ Công Thương đã liên tục gửi hai công điện khẩn cho các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Lào Cai, liên quan đến việc xuất khẩu quả vải tươi.

Trong hai công điện khẩn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú – Trưởng ban chỉ đạo thương mại biên giới phía bắc đã yêu cầu những đơn vị liên quan các tỉnh này tạo mọi điều kiện cho thương nhân xuất khẩu vải tươi, tránh tình trạng bị ép giá, ép cấp hay ách tắc.
 
Bộ Công thương cũng lưu ý, các chủ hàng nên thanh toán xuất khẩu biên mậu qua ngân hàng để tránh rủi ro.

Ở góc độ cơ quan quản lý tại địa phương, ông Hưng cho rằng không cứ gì quả vải, trước khi vào mùa xuất của bất cứ mặt hàng nào các thương nhân cần phải lên kế hoạch tìm mối tiêu thụ trước.

Từ đó, các cơ quan chức năng như phòng Công Thương huyện cũng có thể chủ động liên hệ với phía Trung Quốc  tìm các đầu mối tiêu thụ hoặc liên hệ kho bãi... tránh tình trạng tự phát để bị ép giá.

Về lâu dài để đảm bảo quyền lợi cho phía Việt Nam, ông Hưng cho rằng chính sách biên mậu cần linh hoạt hơn.

"Chính sách biên mậu phía Trung Quốc thay đổi nhanh, miễn sao cho doanh nhân họ có lợi nhất kể cả đêm hôm. Phía  ta thì chậm quá lại thiếu linh hoạt”, ông Hưng cho biết.

Năm ngoái, lượng vải tươi xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai sang thị trường Trung Quốc đạt gần 20 ngàn tấn. Năm nay, sản lượng không cao nên con số này dự kiến chỉ được trên 10 ngàn tấn.



Nguồn: VNN
Báo cáo phân tích thị trường