Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiệp định SPS/WTO và các Cam kết của Việt Nam
25 | 07 | 2007
Hiệp định vệ sinh dịch tễ kiểm dịch động thực vật (SPS) được các thành viên của WTO đưa ra nhằm đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp các sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Hiệp định SPS cho phép các nước được đặt ra các tiêu chuẩn riêng, nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học và chỉ áp dụng ở mức cần thiết để bảo vệ đời sống thực vật, động vật và sức khoẻ con người.

Hiệp định SPS khuyến khích các thành viên WTO áp dụng các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế CODEX, OIE, IPPC.v.v... Tuy nhiên, các nước vẫn có thể áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quốc tế nếu có đủ chứng lý khoa học, dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro một cách phù hợp và không được áp dụng một cách tuỳ tiện.

Nội dung chính của Hiệp định SPS:

Những nội dung cơ bản, có tính nguyên tắc và các nghĩa vụ phải thực hiện của Hiệp định SPS bao gồm :

1. Quyền và nghĩa vụ thành viên tham gia Hiệp định (Điều 2):

- Các biện pháp chỉ áp dụng ở mức cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người và động thực vật dựa trên những nguyên tắc, cơ sở và chứng lý khoa học.

- Những biện pháp về SPS không phân biệt đối xử một cách tuỳ tiện hoặc vô căn cứ.

- Các biện pháp SPS phải áp dụng mà không tạo nên sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế.

- Tuân thủ các quy định của GATT 1994 bao gồm ngoại lệ Điều XX (b) về SPS.

2. Hài hoà hoá các biện pháp về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Điều 3) :

- Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn ngành trên cơ sở tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như : Codex, OIE, IPPC, FAO… được coi là cần thiết để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ con người, động thực vật và được coi là phù hợp với các điều khoản liên quan của Hiệp định này và của GATT 1994.

- Các thành viên có thể áp dụng hay duy trì các biện pháp SPS cao hơn các biện pháp dựa trên các tiêu chuẩn hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế có liên quan nếu có chứng minh khoa học, hoặc do mức bảo vệ động thực vật mà một thành viên coi là phù hợp nhưng không được trái với bất kỳ điều khoản nào khác của Hiệp định này.

3. Tính tương đương (Điều 4) :

- Các thành viên chấp nhận các biện pháp SPS tương đương của các thành viên khác.

- Tiến hành ký kết những hiệp định, thoả thuận, và ghi nhớ song phương và đa phương về công nhận tính tương đương.

- Các thành viên khi đựợc yêu cầu sẽ tiến hành tham vấn với mục tiêu đạt được thỏa thuận song phương và đa phương về công nhận tính tương đương của các biện pháp SPS.

4. Đánh giá rủi ro và xác định mức độ bảo vệ động thực vật phù hợp (Điều 5) :

- Phát triển cơ sở khoa học và thực hiện đành giá rủi ro đảm bảo các biện pháp dựa trên cơ sở khoa học và chỉ áp dụng ở mức cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con ngưòi và động thựcvật.

- Cần tránh sự phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc vô căn cứ về mức bảo vệ hoặc hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế.

-Trường hợp chứng cứ khoa hoạc liên quan chưa đủ, thành viên có thể tạm thời áp dụng các biện pháp SPS trên cơ sở thông tin chuyên môn sẵn có, kể cả thông tin từ các tổ chức quốc tế liên quan cũng như từ các biện pháp SPS do các thành viên khác áp dụng.

5. Thích ứng với các điều kiện khu vực không có sâu bệnh hoặc ít sâu bệnh (Điều 6) :

- Các biện pháp về SPS phải được áp dụng thích ứng với các đặc tính vệ sinh động thực vật của khu vực sản xuất ra sản phẩm và khu vực sản phẩm được đưa đến.

- Xác định những khu vực không có sâu bệnh hoặc ít sâu bệnh phải dựa trên các yếu tố địa lý, hệ sinh thái, giám sát kiểm dịch và tính đến hiệu quả của việc kiểm tra vệ sinh động thực vật.

- Khi công bố các khu vực không có sâu bệnh hoặc ít sâu bệnh cần cung cấp bằng chứng cần thiết để chứng minh và thành viên nước nhập khẩu sẽ được tiếp cận hợp lý dể thanh tra, thử nghiệm và tiến hành các thủ túc khác có liên quan.

6. Minh bạch chính sách – cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia (E.P) (Điều 7 và Phụ lục B) :

- Thông báo những thay đổi và cung cấp thông tin về SPS thông qua cơ quan thông báo (N.N.B) và điểm hỏi đáp quốc gia (E.P) của mỗi nước thành viên.

- Các thủ tục thông báo nêu chi tiết tại Phụ lục B kèm theo Hiệp định.

7. Kiểm tra, thanh tra và thủ tục chấp nhận (Điều 8 và Phụ lục C):

- Các thủ tục kiểm tra, thanh tra và chấp nhận không gây chậm trễ và không kém phần thuận lợi giữa sản phẩm nhập khẩu so với sản phẩm tương tự trong nước.

- Mức yêu cầu kiểm tra thanh tra và chấp thuận vật mẫu của sản phẩm chỉ hạn chế ở mức hợp lý và cần thiết.

- Mọi khoản phí gắn với các thủ tục đối với một sản phẩm nhập khẩu đều công bằng như mọi khoản phí đối với sản phẩm tương tự trong nước (không phân biệt đối xử).

8. Trợ giúp kỹ thuật và đối xử đặc biệt và khác biệt (các Điều 9, 10 và 14)

- Các nước thành viên nhất trí tạo điều kiện và giúp đỡ các thành viên đang phát triển và chậm phát triển trong lĩnh vực công nghệ xử lý, nghiên cứu và cơ sở hạ tầng, đào tạo…

- Cho phép ngoại lệ về thời gian nhật định, cụ thể đối với toàn bộ hay một phần nghĩa vụ của Hiệp định.

- Các thành viên kém phát triển nhất có thể hoãn áp dụng các điều khoản Hiệp định trong thời gian 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với các nước đang phát triển là 2 năm.

Cam kết và tiến độ thực hiện Hiệp định SPS của Việt Nam

Từ những phiên đầu tiên đến Phiên 5 Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã minh bạch hoá và làm rõ chính sách thương mại, trong đó có chính sách về nông nghiệp và vệ sinh kiểm dịch động thực vật để thực hiện Hiệp định Nông nghiệp (AOA) và Hiệp định SPS.

Từ phiên 6 Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Hiệp định SPS. Trong Chương trình hành động và các cam kết về SPS, Việt Nam đã nhiều lần đề nghị các nước thành viên WTO căn cứ vào Điều 14 (Điều khoản cuối cùng): “cho phép các nước thành viên kém phát triển có thể hoãn áp dụng các điều khoản của Hiệp định này trong khoảng thời gian năm năm sau ngày Hiệp định có hiệu lực đối với các biện pháp vệ sinh động thực vật của họ có ảnh hưởng đến nhập khẩu hoặc sản phẩm nhập khẩu. Các thành viên đang phát triển khác có thể hoãn áp dụng các điều khoản của Hiệp định này, ngoài khoản 8 của Điều 5 và Điều 7, hai năm sau ngày Hiệp định có hiệu lực đối với các biện pháp vệ sinh động thực vật hiện có của họ có ảnh hưởng đến nhập khẩu hoặc sản phẩm nhập khẩu, nếu việc áp đó không thực hiện được do thiếu trình độ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng hay nguồn lực kỹ thuật.”và Khoản 3, Điều 10 “để đảm bảo các thành viên đang phát triển có thể tuân thủ các điều khoản của Hiệp định này. Uỷ ban được phép khi có yêu cầu, dành cho các nước đó những ngoại lệ trong thời gian nhât định cụ thể đối với toàn bộ hay một phần nghĩa vụ theo Hiêp định này, có tính đến nhu cầu tài chính, thương mại và phát triển của nước đó.” để xem xét cho Việt Nam được hưởng thời gian quá độ 3 năm sau khi gia nhập WTO mới phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Hiệp định và đề nghị các nước thành viên hỗ trợ kỹ thuật cho lĩnh vực này, nhưng các thành viên không chấp nhận và đề nghị Việt Nam thực hiện Hiệp định ngay khi gia nhập WTO.

Tại Phiên 8 Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 6 năm 2004, một số nước thành viên có quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và SPS đã đề nghị Ban Thư ký WTO và Việt Nam tổ chức phiên họp nhiều bên về SPS nhằm làm rõ hơn hiện trạng, tiến độ thực hiện các nghĩa vụ của Hiệp định và việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Hiệp định này cũng như để Việt Nam trình bày rõ những khó khăn trong quá trình thực hiện Hiệp định và đề xuất các nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cụ thể trong việc thực hiện từng nghĩa vụ.

Do đây là lĩnh vực mang tính chuyên môn cao, Ban Thư ký WTO đã thống nhất tổ chức cuộc họp này ngay sau cuộc họp thường kỳ của Uỷ Ban SPS của WTO để các chuyên gia về lĩnh vực này của các nước có thể tham dự và tạo điều kiện cho đoàn chuyên gia Việt Nam dự cuộc họp thường kỳ của Uỷ ban SPS với tư cách quan sát viên.

Để chuẩn bị tốt cho phiên nhiều bên về SPS, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã phối hợp với Thụy Sỹ chuẩn bị và tổ chức 2 ngày hội thảo chuyên đề về SPS của Việt Nam có sự tham gia của các đoàn đi dự cuộc họp của Uỷ ban SPS.

Mục tiêu chính của phiên họp nhiều bên về SPS là thảo luận về khả năng thực hiện các nghĩa vụ về Hiệp định SPS của Việt nam:

- Làm rõ hiện trạng và cặp nhật những tiến bộ trong việc thực thi các nghĩa vụ SPS ở Việt Nam, đặc biệt là trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật;

- Thông báo nội dung sửa đổi, bổ sung Chương trình hành động thực hiện Hiệp định SPS của Việt nam và kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật để giúp đỡ Việt nam nâng cao năng lực thực thi các quy định, nghĩa vụ của Hiệp định.

Tại Phiên nhiêù bên về SPS trong tháng tháng 10 năm 2004, Việt Nam đã chuyển cho các nước thành viên bản báo cáo tiến độ thực thi các nghĩa vụ SPS của Việt Nam. Phiên họp này đã diễn ra trong bầu không khí tích cực và hiểu biết. Các nước thành viên đều đánh giá cao sự quan tâm và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ SPS nói chung và trong việc chuẩn bị cho phiên họp này nói riêng. Canada, Australia và Arhentina đã đánh giá cao hiệu quả của quan hệ song phương liên quan đến SPS. Mỹ, Canada, Australia, Newzealand và các nước đều sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.

Nhìn chung, các nước thành viên đều quan tâm đến hệ thống pháp luật của Việt Nam và đã yêu cầu Việt Nam cung cấp các văn bản pháp luật cũng như đề nghị Việt Nam sớm ban hành Pháp lệnh Tiêu chuẩn hoá.

Đối với thời gian quá độ thực hiện nghĩa vụ của Hiệp định, một số nước tiếp tục đề nghị Việt Nam thực hiện tất cả các nghĩa vụ của Hiệp định SPS ngay khi gia nhập với lý do Hiệp định SPS là một Hiệp định quan trọng có liên quan đến thương mại và ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người và động, thực vật.

Trong thời gian tiến hành Phiên 9 Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO và Phiên đa phương về nông nghiệp, tại Geneva, Thuỵ Sỹ tháng 12 năm 2004, các nước thành viên đã hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chuẩn bị phiên nhiều bên về SPS và việc đã gửi các văn bản pháp luật về SPS cho Ban Công tác.

Tại Phiên 9, Việt Nam đã thông báo quyết định thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Hiệp định SPS ngay khi gia nhập. Việt Nam cũng đã điều chỉnh Chương trình hành động thực hiện Hiệp định SPS theo như cam kết và thông báo là Điểm hỏi đáp SPS sẽ được thành lập và bắt đầu hoạt động trong Quý I năm 2005. Australia và Canada thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về SPS nói chung và việc thành lập Điểm hỏi đáp quốc gia về SPS nói riêng.

Quyết định thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Hiệp định SPS/WTO ngay khi gia nhập thể hiện sự chuyển biến tích cực và quyết tâm gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất của Việt Nam.



Nguyễn Viết Vinh - Vụ HTQT, Bộ Nông nghiệp và PTNT
Báo cáo phân tích thị trường