Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cam kết “vênh” nhau, thách thức hội nhập
24 | 08 | 2007
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được gần một năm. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các cam kết quốc tế thời gian qua đã bộc lộ các cam kết này vẫn còn “vênh” nhau khá nhiều giữa các tuyến hội nhập.
Những bất cập trong các tuyến

Thời gian qua, cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách trong nước, Chính phủ đã tham gia và ký kết một loạt các điều ước quốc tế. Những cam kết này được xây dựng theo 3 tuyến song phương, đa phương cũng như khu vực.

Minh hoạ cụ thể cho sự “vênh” nhau trong quá trình thực hiện cam kết giữa các tuyến hội nhập, TS.Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đã so sánh: giống như thời bao cấp với chế độ hai giá, phân biệt giữa khách hàng trong nước và nước ngoài dẫn đến sự méo mó về thương mại.

Hội nhập cũng vậy, nó có thể làm chệch hướng thương mại trong trường hợp đáng lý phải nhập khẩu công nghệ tốt nhất từ EU nhưng vì thuế quan của ASEAN thấp nên chúng ta vẫn nhập công nghệ của ASEAN với giá rẻ dù biết đó không phải công nghệ tốt nhất. Hệ quả là chúng ta không tiếp cận tốt nhất với công nghệ nguồn.

Nhìn nhận tất cả các tuyến hội nhập của Việt Nam bao gồm song phương, khu vực (ASEAN, APEC, ASEM) và đa phương (WTO), Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Hào Hùng đã nêu ra những bất cập cụ thể trong từng tuyến hội nhập hiện nay.

Đó là mức độ cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các hiệp định song phương không giống nhau và tình trạng này đang đặt ra không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Các cam kết song phương nhiều khi thông thoáng hơn, ít hạn chế hơn so với cam kết trong WTO.

Thể hiện rõ nhất là trong Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Nhật Bản. Chúng ta đưa ra một cam kết cao hơn rất nhiều so với cam kết trong WTO. Theo hiệp định song phương này, với Nhật Bản, chúng ta chỉ hạn chế tỉ lệ góp vốn và mua cổ phần không quá 30% của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt Nam và chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá, không áp dụng đối với các doanh nghiệp khác.

Điều đó có nghĩa là tỉ lệ hạn chế mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, còn với các doanh nghiệp tư nhân thì nhà đầu tư nước ngoài được mua thoải mái với bất kỳ một tỉ lệ nào. Đó là cam kết trong hiệp định song phương với Nhật Bản và với cả Hoa Kỳ cũng vậy.

Tuy nhiên, trong cam kết gia nhập WTO thì chúng ta hạn chế tỉ lệ 30% của các doanh nghiệp nước ngoài trong tất cả các thành phần kinh tế. Rõ ràng cam kết gia nhập WTO của Việt Nam chặt chẽ hơn so với cam kết song phương.

Ngoài ra, một loạt các lĩnh vực dịch vụ (giáo dục, y tế...) mà chúng ta cam kết mở cửa trong khuôn khổ hiệp định song phương với Nhật cũng đưa ra những điều kiện thuận lợi hơn so với WTO. Ông Hùng đưa ra ví dụ: theo cam kết gia nhập WTO đến 2009 Việt Nam mới cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài còn trong trong hiệp định với Nhật không có hạn chế này.

Các hướng xử lý được đề xuất

Câu hỏi đặt ra là trong thời gian tới chúng ta sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Tiếp tục áp dụng cam kết thuận lợi trong các thoả thuận song phương hay áp dụng theo cam kết trong WTO? Đó là những đặc điểm rất khác nhau giữa cam kết song phương và đa phương đòi hỏi phải có những phương án giải quyết thích hợp.

Theo ông Võ Trí Thành, trong tuyến đa phương có nguyên lý cơ bản để hài hoà hoá những cam kết. Cụ thể về thuế quan, Việt Nam đưa ra cam kết trần song hoàn toàn có quyền thực hiện thấp hơn nhưng phải theo nguyên tắc MFN. Ví dụ, Việt Nam cam kết mức thuế của thép 40% nhưng có thể thực hiện 25% và như vậy bất kỳ nước nào xuất khẩu thép vào Việt Nam cũng chỉ chịu thuế 25%. Điều đó cho thấy Việt Nam có toàn quyền quyết định, vấn đề đặt ra là chúng ta phải phân tích mức thuế nào có lợi cho các ngành kinh tế Việt Nam để áp dụng.

Cũng như vậy, trong lĩnh vực dịch vụ, Việt Nam cam kết sàn nên hoàn toàn có thể tăng mức độ mở cửa một số lĩnh vực dịch vụ nếu cần nhưng vẫn phải theo nguyên tắc MFN. Ông Thành cho rằng nếu làm được như vậy thì Việt Nam hoàn toàn thực hiện đúng các cam kết WTO nhưng lại vẫn tương thích với các cam kết khác, tạo ra ít méo mó về phân bổ nguồn lực, ít phí tổn nhất về đàm phán.

Trên quan điểm của người làm luật, ông Hùng khuyến nghị trong thời gian tới cần soạn thảo mẫu các hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Trên thực tế, Việt Nam đã ký 51 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, nhưng đến thời điểm hiện nay chúng ta vẫn chưa có một mẫu chung để đưa cho đối tác. Phần lớn các hiệp định đều do phía nước ngoài đề xuất. Điều này đã gây ra những khó khăn trong quá trình đàm phán.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng cần phải có cơ chế trao đổi giữa các bộ ngành trong việc đàm phán và đưa ra các cam kết nhằm đảm bảo được tính thống nhất. Ông Hùng cũng kiến nghị tăng cường cơ chế tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của các doanh nghiệp trong quá trình tham vấn, trao đổi các phương án đàm phán khác nhau.

Ông đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình đàm phán để hiểu rõ hơn nhu cầu của từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực để có phương án đàm phán thích hợp, đảm bảo tính đồng bộ.

Nguồn: http://vneconomy.vn



Báo cáo phân tích thị trường