Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vào WTO, du lịch mở cửa rộng nhất
10 | 07 | 2007
Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ có những tác động rất lớn đối với ngành du lịch nói chung và đối với các doanh nghiệp du lịch nói riêng.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành du lịch, Việt Nam đã mở cửa thị trường du lịch tương đối mạnh mẽ so với các ngành dịch vụ khác như: ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

Thực tế, nhìn vào các cam kết với WTO về việc mở cửa thị trường dịch vụ du lịch, nhiều người lo ngại rằng các tập đoàn nước ngoài hùng mạnh trong lĩnh vực kinh doanh du lịch sẽ thôn tính các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm lĩnh các lĩnh vực dịch vụ du lịch mang lại giá trị gia tăng cao và đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào số phận làm thuê ngay trên sân nhà.

Vậy những cam kết của Việt Nam với WTO về thị trường dịch vụ du lịch là như thế nào?

Mở cửa thị trường du lịch

Việt Nam sẽ chính thức gia nhập WTO vào ngày 11/1/2007. Theo Tổng cục Du lịch, riêng trong lĩnh vực dịch vụ, Việt Nam cam kết tất cả 11 ngành dịch vụ được phân loại theo Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ (GATS), bao gồm: dịch vụ kinh doanh, dịch vụ thông tin, dịch vụ xây dựng, dịch vụ phân phối, dịch vụ giáo dục, dịch vụ môi trường, dịch vụ tài chính, dịch vụ y tế, dịch vụ du lịch, dịch vụ văn hoá giải trí, dịch vụ vận tải.

Đối với dịch vụ du lịch, Việt Nam chỉ cam kết đối với các phân ngành dịch vụ đại lý du lịch và kinh doanh lữ hành du lịch, dịch vụ sắp xếp chỗ trong khách sạn, dịch vụ cung cấp thức ăn và đồ uống. Những cam kết này sẽ được áp dụng tự động cho các thành viên ASEAN.

Trong Hiệp định thương mại song phương Việt- Mỹ (BTA), Việt Nam đã có những cam kết tương tự như cam kết với WTO. Tuy nhiên, do BTA đã có hiệu lực từ năm 2001, một số cam kết theo BTA đã bắt đầu có hiệu lực. Theo BTA, doanh nghiệp Mỹ hiện tại đã có thể đầu tư dưới dạng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Về phương thức cung cấp dịch vụ, GATS quy định có 4 phương thức.

Thứ nhất là phương thức cung cấp qua biên giới. Có nghĩa là dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một thành viên này sang lãnh thổ của một thành viên khác mà không có sự di chuyển của cả người cung cấp và người tiêu thụ dịch vụ sang lãnh thổ của nhau.

Thứ hai là phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ. Cụ thể là người tiêu dùng của một thành viên này sang lãnh thổ của một thành viên khác để tiêu dùng dịch vụ.

Thứ ba là phương thức hiện diện thương mại. Có nghĩa là nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên này thiết lập các hình thức hiện diện như doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, chi nhánh tại lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp dịch vụ.

Thứ tư là phương thức  hiện thể nhân. Có nghĩa là thể nhân cung cấp dịch vụ của một thành viên này sang lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp dịch vụ.

Như vậy trong các cam kết của mình đối với WTO, Việt Nam cam kết không hạn chế đối với phương thức 1 và 2. Đối với phương thức 3, Việt Nam cũng cam kết xoá bỏ hạn chế vốn sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết trong hoạt động đại lý du lịch, kinh doanh lữ hành du lịch.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lữ hành du lịch có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam (in-bound) và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam như là một phần của dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam.

Các doanh nghiệp sở hữu nước ngoài cũng không được phép thực hiện các dịch vụ gửi khách trong nước. Công ty nước ngoài tuy được phép đưa cán bộ quản lý vào làm việc tại Việt Nam nhưng ít nhất 20% cán bộ quản lý của công ty phải là người Việt Nam.

Đối với phương thức 4, Việt Nam vẫn không cho phép hướng dẫn viên du lịch nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.

Cần nắm lấy cơ hội

Theo TS Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng khoa Du lịch và khách sạn (Đại học Kinh tế Quốc dân), các cam kết của Việt Nam với WTO trong ngành dịch vụ du lịch sẽ làm cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hoặc là sống hẳn, hoặc là chết hẳn.

Quan điểm của TS Mạnh được đưa ra dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là bắt đầu có sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (100% vốn nước ngoài, liên doanh, chi nhánh) trong lĩnh vực nhận khách quốc tế (in-bound) và tương tự ở phân ngành kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Vì các nhà cung cấp dịch vụ du lịch nước ngoài với khả năng tài chính mạnh mẽ, kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, sự hiểu biết sâu sắc về hành vi tiêu dùng du lịch của khách quốc tế có ưu thế vượt trội so với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam.

Thứ hai, những cam kết với WTO trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đã mở ra cơ hội lớn cho kinh doanh lữ hành gửi khách từ Việt Nam sang các nước thành viên (out-bound) và kinh doanh du lịch nội địa. Cam kết cụ thể tại phương thức hiện diện thương mại đã phân định thị trường “nhập khẩu du lịch” và thị trường khách du lịch nội địa cho các doanh nghiệp du lịch trong nước.

Thứ ba là từ những cam kết trên, các doanh nghiệp du lịch trong nước muốn tồn tại và phát triển sẽ buộc phải tuyên bố sứ mệnh, chính sách chất lượng và có chiến lược và chiến thuật kinh doanh phù hợp với môi trường kinh doanh.



Nguồn tin: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường