Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đến năm 2016, Việt Nam phải hoàn thành bảo hộ cho tất cả các loài cây trồng
16 | 10 | 2008
Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội bảo hộ giống cây trồng Quốc tế (UPOV) vào năm 2006, theo đó đến năm 2016 phải hoàn thành bảo hộ cho tất cả các loài cây trồng. Nhưng đến nay, Việt Nam mới có 38 danh mục giống cây trồng đăng kí và được bảo hộ.
Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Việc triển khai bảo hộ giống cây trồng gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, kiến thức; nhận thức về bảo hộ giống cây trồng của các đối tượng liên quan còn hạn chế; nông dân có quy mô sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó, hiệu quả nghiên cứu và tiềm năng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa được phát huy đúng mức. Vấn đề thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tìm được lời giải thoả đáng, cả từ phía các nhà quản lý khoa học và bản thân các nhà khoa học.

Hiện việc sản xuất giống cây trồng chủ yếu tập trung ở các cơ quan, viện nghiên cứu của nhà nước và mới chỉ cung cấp được khoảng 30% nhu cầu về giống. Tư nhân và một số công ty nước ngoài cũng đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này song còn rất hạn chế. Mới chỉ có khoảng 15 công ty nước ngoài tham gia chọn tạo giống tại Việt Nam. Chương trình giống nông hộ của Nhà nước được thực hiện cho phép một nhóm các hộ nông dân đứng ra sản xuất giống là một giải pháp khá tích cực, nhưng khi thực hiện lại bộc lộ những hạn chế như thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát về chất lượng đối với các cơ sở sản xuất giống; tình trạng các cơ sở sản xuất giống của các nông hộ không bao bì, không thương hiệu ngày càng phổ biến. Việc thiếu quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất giống này là một trong những nguyên chính dẫn tới tình trạng nông dân phải sử dụng giống kém chất lượng; đồng thời, nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các thành phần kinh tế tham gia chọn tạo giống.
Để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, Việt Nam cần phải có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm khuyến khích thúc đẩy các Viện nghiên cứu, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia. Đẩy mạnh công tác bảo hộ giống cây trồng là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể nâng cao chất lượng giống cây trồng, giúp cho nông dân có cơ hội tiếp cận với nhiều giống mới có sản lượng cao, chất lượng sản phẩm tốt./.



Nguồn: agroviet.
Báo cáo phân tích thị trường