Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh long có visa vào Mỹ
29 | 10 | 2008
Trong tháng mười, Công ty CP chế biến thủy sản Sơn Sơn (TP.HCM) đã xuất gần 30 tấn thanh long sang thị trường Mỹ. Kể từ đây, VN có thêm một đối tác mới cho trái thanh long - một loại nông sản lợi thế được canh tác chủ yếu tại tỉnh Bình Thuận. Thanh long muốn vào Mỹ cần hội đủ ba điều kiện: nhà vườn sản xuất theo hướng GAP (Good Agricultural Practice), xưởng đóng gói đúng quy chuẩn Mỹ và chiếu xạ diệt côn trùng theo tiêu chuẩn Mỹ. Từ tháng 7-2008, Cục Bảo vệ thực vật VN phối hợp với Cơ quan Kiểm dịch thực vật Mỹ thực hiện chương trình “Tiền chứng nhận cho thanh long xuất khẩu bằng chiếu xạ”. Công ty CP chế biến thủy sản Sơn Sơn là đơn vị duy nhất hội đủ tiêu chuẩn này.
Trước đó, kể từ tháng 4-2008, một số nhà vườn có quy mô ở Bình Thuận đã lần lượt được cấp chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP như: HTX thanh long Hàm Minh với 30ha, trang trại thanh long Hoàng Hậu 80ha, trang trại Duy Lan 11ha, trang trại Bảo Thanh 11ha.

Thạc sĩ Đào Thị Kim Dung, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển thanh long Bình Thuận, cho biết: “Nếu nông dân quyết tâm sản xuất theo phương thức mới thì nông sản của họ làm ra có giá trị hơn. Khi đó, khả năng cung ứng thanh long sạch cho thị trường Mỹ rất lớn”.

Hiện nay đối với mặt hàng thanh long, thị trường Mỹ chỉ là khởi đầu. Hơn mười năm qua, cây thanh long trở thành một trong bốn loại cây chủ lực tại Bình Thuận là nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định.

Trong tháng mười, qua con đường chính ngạch, ước tính tỉnh Bình Thuận đã xuất khẩu hơn 22.000 tấn thanh long sang thị trường châu Á và châu Âu. (Xuất khẩu thanh long tiểu ngạch qua thị trường tự do không thống kê được, chiếm số lượng lớn hơn con đường chính ngạch thông qua hải quan). Trong đó, Đài Loan, Hong Kong chiếm khoảng 50% tỉ trọng. Các thị trường còn lại là Trung Quốc, Ả Rập, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Anh, Hà Lan, Đức... Tỉnh Bình Thuận đang tìm cách mở rộng thêm một số thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Úc, New Zealand...

Thanh long mang lại giá trị kinh tế khá lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận. Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo nhờ cây trồng này. Những ngôi nhà tranh vách đất ở vùng quê nghèo Hàm Thuận Nam năm xưa nay đã được thay bằng những ngôi nhà lát gạch trị giá hàng trăm triệu đồng. Đời sống của hầu hết người dân trồng thanh long nay đã đổi khác.

Anh Nguyễn Thanh Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, có 1.000 trụ thanh long. Mỗi năm, trừ chi phí phân bón, công cán, anh thu lời khoảng 180 triệu đồng. Anh nói: “Thanh long là mỏ vàng nông sản giúp nông dân chúng tôi trở nên khấm khá”. Hay gia đình anh Trần Văn Dũng ở xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, với gần 2.000 trụ, mỗi năm thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trồng thanh long. Số hộ trồng thanh long tính đến thời điểm này đã lên tới 19.226 hộ. Thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT Bình Thuận cho thấy diện tích cây thanh long của tỉnh Bình Thuận phát triển rất nhanh. Nếu như năm 1991 toàn tỉnh chỉ có 750ha, đến năm 2000 đã lên tới 3.323ha. Riêng từ đầu năm 2008 đến nay, nông dân Bình Thuận trồng mới thêm 980ha, vượt 40%, nâng diện tích hiện có lên 10.012ha.

Khi trái thanh long VN được người dân Mỹ chấp nhận, tất nhiên nhiều nước khác cũng sẽ chấp nhận trái thanh long VN như một loại trái cây quen thuộc trong thực đơn hằng ngày của họ.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường