Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hậu Giang: Nhiều ruộng mía chết khô vì... chờ giá
04 | 09 | 2007
Tại huyện Phụng Hiệp, nơi có diện tích trồng mía lớn nhất ở tỉnh Hậu Giang, đến nay nông dân đã thu hoạch được 5.580 ha, hiện còn lại hơn 2.000 ha đã trỗ bông đang bắt đầu chết cây dần.
Theo khuyến cáo của các nhà máy đường thì thu hoạch mía ở giai đoạn từ 10-12 tháng tuổi đối với các giống mía mới thì chữ đường (CCS) sẽ đạt trên 10 CCS, năng suất mía cũng tăng lên đồng nghĩa với lợi nhuận của người trồng mía cũng sẽ tăng hơn. Điều này hoàn toàn đúng ở các vụ mía trước nhưng hiện nay thì hoàn toàn ngược lại.Nhiều ruộng mía được nông dân neo lại thêm từ 1-2 tháng, tuy nhiên, chữ đường trong mía lại không tăng, đạt trên dưới 8 CCS và một số rẫy mía đã trỗ bông trắng như rừng lao đang chết khô vì chờ giá.

Điều nghịch lý trong những khuyến cáo của các nhà máy là: neo mía lại càng lâu thì chữ đường trong mía càng cao và giá bán cũng dựa theo chữ đường cũng tăng cao nhưng khi nông dân bán mía cho thương lái hoặc bán cho các nhà máy đường thì khi đo chữ đường trong mía chỉ đạt trên dưới 8 CCS.

Theo giải thích của Công ty C.P Mía đường Cần Thơ thì một số ruộng mía hiện có chữ đường thấp là do mía đã "ngậm nước" (bị ngập lũ) quá lâu gây chết cây và đang giai đoạn trỗ bông. Các thương lái "vịn" vào một vài ghe mía có chữ đường thấp để làm cái cớ xuống dân mua giá thấp và ép giá. Tuy nhiên, theo lý giải của người trồng mía thì việc các thương lái hoặc nhà máy đường dựa vào chữ đường thấp chỉ là một cái cớ để ép giá nông dân. Khi giá đường tăng cao, thiếu nguồn mía nguyên liệu (như hồi đầu vụ mía năm nay hoặc vào cuối vụ mía năm trước) thì dù là mía non, không đủ chữ đường, các nhà máy cũng đổ xô nhau cạnh tranh thu mua mía giá cao. Còn hiện tại mía nguyên liệu đang dư thừa thì có rất nhiều lý do để ép giá nông dân mặc dù rất nhiều nông dân đã có hợp đồng ký kết với các nhà máy.

Hiện tại, nông dân vùng mía huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch được hơn 70% diện tích, năng suất bình quân đạt trên 120 tấn /ha, giá mía hiện tại nông dân chỉ bán được trên dưới 280 đồng /kg, trong khi giá mía đầu vụ từ 380-420 đồng /kg. Với giá cả như trên, thì phần lớn những nông dân thu hoạch muộn sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ vì phải tăng thêm chi phí đầu tư thêm mấy tháng. Nhiều hộ trồng mía tiếc nuối vì đã nghe theo các nhà máy neo mía lại, nếu bán ngay từ đầu vụ thì không phải chịu cảnh đứng ngồi không yên như hiện nay.

Việc các nhà máy khuyến cáo người dân không nên bán mía non mà nên neo mía lại là hoàn toàn đúng, vừa có lợi cho nông dân vừa có lợi cho nhà máy. Nông dân có lợi vì chữ đường cao và năng suất mía sẽ tăng cao đồng nghĩa với giá bán mía cũng như hiệu quả kinh tế tăng cao. Nhà máy có lợi vì có mía nguyên liệu sản xuất kéo dài, không lo thiếu nguyên liệu vào cuối vụ đồng thời chữ đường tăng thì hiệu quả sản xuất cũng tăng theo. Nhưng thực tế không biết máy đo chữ đường như thế nào mà có kết quả ngược lại như trên và nông dân thì lao đao. Không biết trong các vụ mía tới, các khuyến cáo của nhà máy có còn được nông dân làm theo nữa không./.



(Nguồn tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường