“Từ quan điểm an ninh lương thực, nghề nông trên thế giới giờ rất dễ tổn thương trước thiên tai địch họa, đặc biệt ở những nước nghèo” - tiến sĩ Shakeel Bhatti, tổng thư ký ITPGRFA, phân tích trên CNN. Để ngăn chặn điều đó, ITPGRFA đã thành lập một ngân hàng hạt giống với 1,1 triệu chủng loại khác nhau tại Svalbard, Na Uy vào năm 2008. Giờ đây, công việc bảo tồn sẽ được tiến hành ngay trên các cánh đồng.
ITPGRFA là hiệp ước được Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) bảo trợ, có hiệu lực từ tháng 6-2004 và đã được 120 quốc gia phê chuẩn. Theo giới thiệu về hiệp định trên trang chủ của FAO, tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Singapore và Đông Timor, các nước còn lại đều đã phê chuẩn ITPGRFA. |
Trong tháng 9, sau cuộc họp tại Tunis (Tunisia), ITPGRFA vừa khởi động quỹ toàn cầu trị giá 116 triệu USD để giúp 11 vùng nông nghiệp đặc trưng bảo tồn các nông sản chính yếu nhằm đảm bảo nguồn cung cấp và sự đa dạng cho thế giới trong tương lai, từ khoai tây ở vùng Peru đến đậu và lúa mạch ở Cuba, cam ở Ai Cập hay lúa mì ở Tanzania. Tiến sĩ Shakeel Bhatti giải thích: “Đa dạng nông nghiệp là vấn đề sống còn. Chương trình này là sự bảo hiểm trên quy mô toàn cầu để đảm bảo trong tương lai chúng ta có thể đối phó hữu hiệu với những vấn đề như biến đổi khí hậu và gia tăng dân số”. Theo tiến sĩ Bhatti, trong một thiên niên kỷ qua, loài người đã thử sử dụng 10.000 loài thực vật khác nhau cho nhu cầu thức ăn. Đến nay, chúng ta còn giữ lại và trồng cấy khoảng 150 loài, trong đó 12 loài chủ lực cung cấp 80% nhu cầu thức ăn cho con người. Bốn loài chính yếu là gạo, lúa mì, bắp (ngô) và khoai tây cung cấp hơn một nửa nhu cầu năng lượng cho chúng ta.
Các nước giàu tham gia hiệp ước như Na Uy, Tây Ban Nha và Ý đã đồng ý bỏ tiền thực hiện chương trình trong năm năm tiếp theo.