Ông Pra-đô nhấn mạnh việc bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học của rừng núi đòi hỏi phải có sự liên minh toàn cầu của các tổ chức quốc tế, các chính phủ và của khu vực tư nhân, trong đó quan trọng nhất là phải có sự tham gia của cư dân sống tại miền núi.
Miền núi đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, giữ ổn định nguồn đất trồng trọt, bảo đảm nguồn nước ngọt, lương thực và cây dược liệu và cung cấp nguồn gien lương thực nuôi sống con người. Một số nông sản như khoai tây, cà chua và nhiều loại cây ăn quả vùng ôn đới cùng các vật nuôi như cừu, dê, lừa, lạc đà vùng An-đết đều có xuất xứ từ vùng núi, hoặc chủ yếu được nuôi trồng ở miền núi. Tuy nhiên, tài nguyên này đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng do những thay đổi trong việc sử dụng đất trồng, tình trạng khai thác gỗ và khoáng sản cũng như do quá trình công nghiệp hóa, hoạt động du lịch, và hiện tượng khí hậu toàn cầu ấm lên.
FAO cho rằng để miền núi có thể tiếp tục đóng vai trò lịch sử quan trọng của nó đối với đời sống của người dân cả vùng cao và vùng thấp, thế giới cần phải có các biện pháp gìn giữ như thiết lập các khu bảo tồn, trong đó người dân địa phương tham gia bảo vệ nguồn đa dạng sinh học hoang dã và bán hoang dã; bảo tồn cảnh quan rừng núi, trong đó có thể phát triển các hệ thống nông nghiệp sinh thái, đa dạng hóa cây trồng. Một sáng kiến nữa của FAO là phải trả tiền công cho người dân dịa phương, coi đó như sự thừa nhận vai trò của họ trong việc bảo vệ mội trường và tính đa dạng sinh học về nông nghiệp của vùng núi.