Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trồng rừng "sạch" ở Cao Phong
03 | 09 | 2009
Xuân Phong và Bắc Phong là hai xã miền núi huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây có 98% dân số là đồng bào Mường, đời sống khó khăn. Từ tháng 4-2009, địa phương đã triển khai dự án trồng rừng theo cơ chế sạch.

Chu kỳ dự án là 15 năm nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả tốt, sẽ đạt được 3 mục tiêu: phục hồi đất bị suy thoái; giảm lượng khí CO2 trong sinh quyển; tăng thu nhập cho các hộ nhờ sản xuất gỗ và bán tín chỉ CO2. Đây là mô hình đầu tiên của Bộ NN&PTNT triển khai tại các xã miền núi phía Bắc.

Một chương trình trọng tâm

Trước mắt chúng tôi là khu rừng keo lá tràm 2ha ở xóm Bắc Sơn, xã Bắc Phong. Những hàng cây mới cao khoảng gần 1m nhưng cứng cỏi, xanh mát, khỏe khoắn. Trong nắng chói chang, rừng cây làm dịu không khí khiến cho ai nấy thấy dễ chịu. Xa xa bên xóm Nhoi, xã Xuân Phong, bà con đang chặt phá lớp thực bì chuẩn bị trồng cây cho dự án. Ông Bùi Minh Phúc, thôn Rú 4 (Xuân Phong) nhận trồng 0,5ha rừng phấn khởi cho biết, trước đây gia đình chỉ trồng cây lấy củi, bán được ít tiền. Nay có dự án trồng rừng sạch lại được cấp tín chỉ CO2 nên nhà nào cũng mong đợi kết quả cao khi thu hoạch. Ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, mất rừng và suy thoái rừng phòng hộ đã gây xói mòn, lở đất, hạn hán và lụt lội, mất đa dạng sinh học. Đây chính là nguyên nhân thứ 2 làm trái đất nóng lên do giảm khả năng hấp thụ khí CO2 và gây ra khoảng 20% lượng phát thải trên toàn thế giới. Do vậy, chương trình phát triển và quản lý rừng bền vững (QLRBV) được coi là chương trình trọng tâm của Chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006-2020. Các mục tiêu được đưa ra là: Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu    hécta đất có rừng, sản lượng gỗ khai thác trong nước đạt từ 20 đến 24 triệu m3/năm và đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản và 30% diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật. Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện nay, dự án trồng rừng theo cơ chế sạch đã được triển khai thực hiện tại 5 vùng riêng biệt của 2 xã thuộc huyện Cao Phong với quy mô diện tích 365,26ha và trồng trong chu kỳ 15 năm. Hai loại cây có khả năng nâng cao chất màu cho đất và điều kiện môi trường là keo tai tượng và keo lá chàm đã được trồng trong dự án. Mô hình trồng rừng sạch được tiến hành theo từng phân tầng, được đo đếm tại thực địa 5 năm 1 lần trước khi kiểm chứng. Các chuyên gia lâm nghiệp khảo sát ít nhất mỗi năm 1 lần để đánh giá chất lượng rừng trồng, tiến hành giám sát lượng CO2 tại các bể sinh khối trên và dưới mặt đất.

Hy vọng mới

Kết quả nghiên cứu của các tổ chức cho thấy, trong thời gian 15 năm, diện tích rừng của dự án sẽ loại bỏ được 41.029 tấn CO2. Đồng thời gỗ tỉa thưa, gỗ khai thác chính và tín chỉ CO2 sẽ được bán và lợi nhuận sẽ được chia sẻ giữa cơ quan quản lý dự án và người trồng. Bên cạnh đó, dự án còn có kế hoạch trồng cỏ để cung cấp thức ăn chất lượng cao cho gia súc và giảm sức ép chăn thả trâu, bò tại vùng đã được lập kế hoạch trồng rừng. Đồng thời, kế hoạch trồng cỏ cũng sẽ có tác dụng giảm thiểu lượng rò rỉ tiềm năng của dự án và được kỳ vọng là sẽ làm tăng thu nhập cho dân cư địa phương thông qua việc cải thiện điều kiện dinh dưỡng cho trâu, bò.

Nhận thức rõ vai trò đặc biệt của rừng trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, sự phát triển mạnh của công nghiệp và tiến trình đô thị hóa, Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm tới QLRBV. Việt Nam là 1 trong 2 nước trên thế giới đi đầu thực hiện chương trình này. Ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển rừng huyện Cao Phong cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao để cộng đồng dân cư nhận thức được việc phát triển và bảo tồn rừng nhằm nâng cao khả năng hấp thụ CO2 từ hiệu ứng nhà kính. Những khu rừng mới được trồng trên đất đồi hoang hóa từ những năm 1980 đã mang lại niềm hy vọng, tin tưởng mới trong cộng đồng dân tộc Mường ở địa phương.



Theo Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường