Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiếm tìm "sức đề kháng" của văn hóa nông thôn
28 | 07 | 2008
"Ở các nước công nghiệp phát triển, càng ngày người ta càng hiểu ra rằng “nông thôn không chỉ là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp mà còn đảm nhiệm những chức năng mà thành phố không đáp ứng được”. Trong đó có vấn đề bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, gìn giữ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị nhân văn và tài nguyên con người, các giá trị, truyền thống lịch sử…..."
Phóng viên (PV): Trong bài dẫn của chuyên đề này, chúng tôi đã đặt vấn đề: Nếu bây giờ chúng ta đi dọc đường làng ở không ít miền quê, chúng ta sẽ dễ dàng thốt lên: Nông thôn giàu rồi! Đúng vậy. Chúng ta sẽ nhìn thấy hai bên đường nhà cửa ở những làng quê đó mọc lên như một lối phố với nhà bê tông cao tầng cửa kính, với cửa hiệu tạp hóa, cửa hàng điện tử, cửa hàng chơi game, với quán ăn... Nhưng khi lược trừ những cái ti vi, quạt điện, xe máy rẻ tiền nhập từ nước láng giềng, thì nông thôn chúng ta còn lại những gì? Cũng như vậy, dường như hình ảnh những dòng sông bị biến mất, những đoàn người đổ ào ạt về các đô thị, những tờ thu phí vô lí… chỉ là phần nổi của vấn đề. Còn một phần đang chìm sâu dưới bề mặt, dữ dội và khốc liệt hơn nhiều, đó là đời sống văn hóa, tinh thần của những làng quê Việt Nam?


Giáo sư Tương Lai

GS Tương Lai (GS TL): Tôi rất muốn nhấn mạnh điều này bởi bấy lâu chúng ta hay nói về những thứ khác của nông thôn như ruộng đất, lao động, chuyển đổi cơ cấu… mà đề cập rất ít đến đời sống văn hóa, tinh thần của người nông dân.

Theo tôi những hiện tượng chúng ta vừa đề cập nếu có kinh tế tác động thì sẽ chuyển biến. Nhưng văn hóa cứ để cho nó suy thoái thì vực dậy khó lắm. Vì văn hóa không phải “mì ăn liền”, nó chảy theo quy luật thẩm thấu từng giọt, từng giọt.

Ở các nước công nghiệp phát triển, càng ngày người ta càng hiểu ra rằng “nông thôn không chỉ là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp mà còn đảm nhiệm những chức năng mà thành phố không đáp ứng được”. Trong đó có vấn đề bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, gìn giữ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị nhân văn và tài nguyên con người, các giá trị, truyền thống lịch sử…

Văn hóa tôi muốn đề cập ở đây chính là “văn hóa làng”, cái cội nguồn cho linh hồn và sự sống của dân tộc. Đó là những “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Hồn dân tộc cháy bừng trên giấy điệp”. Đó là những huyền thoại, cổ tích Thánh Gióng đánh giặc Ân, An Dương Vương dùng nỏ thần đuổi giặc… Đó là những câu ca dao, tục ngữ nôm na, giản dị, thấm đẫm nghĩa tình đến những câu Kiều sang trọng chất chứa một tinh thần nhân văn cao đẹp…


Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Hồn dân tộc cháy bừng trên giấy điệp”.

Những huyền thoại ấy, chính là tâm thức của dân tộc, là khát vọng sống, là ý chí Việt Nam, là cốt cách của văn hóa Việt Nam. Mà xem ra, cốt cách văn hóa ấy, bản sắc văn hóa dân tộc, không có được bao nhiêu ở nhịp sống gấp hối hả trong bươn chải vì cuộc mưu sinh và vội vã hưởng thụ nơi phồn hoa đô hội kia. Nó thường tiềm ẩn sâu kín ở chốn “thôn cùng xóm vắng”, nơi Nguyễn Trãi mong “sao cho không có tiếng kêu than hờn giận oán sầu để giữ được cái gốc” của văn hóa,

Giữ được văn hóa dân tộc chính là giữ được cái gốc của nước. Cái gốc ấy nằm ở đâu nếu không từ “văn hóa làng”, từ một sự thật lịch sử khốc liệt là, ngay khi nước mất thì làng vẫn còn, để rồi từ làng mà gây dựng lực lượng, lấy lại nước? Đó là một thực tế sống động để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc, tạo nên nét độc đáo Việt Nam mà một học giả Pháp từng nêu lên: “Lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải”. Khả năng kỳ lạ đó do đâu và nằm ở đâu? Chuyện này có liên quan gì đến “văn hóa làng” không?

Liệu có phải hồn dân tộc ẩn chứa trong hình hài văn hóa làng ấy? Để mất cái đó là mất nguồn mạch sống của dân tộc. Khi tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu, càng phải biết nuôi dưỡng cái nguồn mạch ấy để từ đó mà đến với thế giới. Thử hỏi, không từ bản lĩnh văn hóa dân tộc ấy, từ bản lĩnh Việt Nam ấy, thì có cái gì mà đến với thế giới?

Chẳng lẽ cứ đào bới mãi tài nguyên từ lòng đất ông cha từng gìn giữ bằng máu xương của biết bao thế hệ để đem bán? Hay đến với thế giới bằng giá nhân công rẻ mạt của người lao động nghèo vốn không được học hành vì cha anh họ phải cầm súng thay vì cầm bút?

Chẳng nhẽ cái logo của“thương hiệu Việt” là cục than đá, thùng dầu thô và cái lưng trần dầu dãi nắng mưa của người nông dân vừa rời quê ra tỉnh để bán sức lao động rẻ mạt?

Không! Phải từ văn hóa, từ bản lĩnh văn hóa. Mà xét đến cùng, mảnh đất nuôi dưỡng và đẩy tới sự thăng hoa của những giá trị văn hóa Việt Nam không thể nằm ở đâu khác từ chiều sâu của nền văn hóa làng.

PV: Nhưng dường như những huyền thoại làng quê đang dần biến mất. Những câu chuyện tổ tiên được lưu truyền qua các thế hệ bởi những người già đang mất dần. Trẻ nhỏ không còn muốn nghe những câu chuyện đó nữa. Chúng đang có quá nhiều thứ hấp dẫn hơn để lựa chọn, những bộ phim Trung Quốc, Hàn Quốc đầy rẫy trên truyền hình, những băng đĩa 5000 đồng bán đầy rẫy ngoài chợ, những hàng game, quán Internet…

GS TL: Đúng thế! Văn hóa làng, cái làm nên cội nguồn cho linh hồn, sức sống đang bị phôi phai là do quá trình đô thị hóa.

Chiếc màn hình tvi vừa có tác dụng giải trí và phổ biến thông tin, kiến thức nhưng cũng vừa gây độc hại không kém qua những tiết mục quảng cáo giật gân khuyến khích sự hám lợi và thích tiền, và sự thiếu chọn lọc trong những pha kích động đối với thị hiếu và trình độ thưởng thức của thanh thiếu niên nông thôn.


Đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa


Tôi lấy ví dụ, trên tivi họ chiếu “thượng vàng hạ cám” đủ các loại từ những cái sinh hoạt của đời sống đô thị, cái văn hóa trong quan hệ nam nữ, trong văn hóa tình dục… Mà văn hóa phương Đông và phương Tây thì có những khác biệt rất lớn. Thời lượng của phim Trung Quốc, Hàn Quốc dày đặc màn ảnh khiến trẻ con nông thôn thuộc nhân vật lịch sử Trung Quốc còn hơn cả nhân vật lịch sử Việt Nam.

Thiếu hẳn những sân chơi lành mạnh, trong lúc sự du nhập những cặn bã của văn minh đô thị lại đang tàn phá những giá trị văn hóa làng. Thanh niên nông thôn đang nhận được những món ăn tinh thần do sự phát triển kinh tế đem lại là những gì đây? Triển vọng của họ là thế nào, họ có quyền hy vọng gì, đòi hỏi gì và trách cứ gì, trách cứ ai???

PV: Nhưng có lẽ, chúng ta phải chấp nhận những sự “xâm lăng” văn hóa này như một điều tất yếu của quá trình đô thị hóa. Nhìn một mặt nào đó, thế giới tinh thần của những thanh niên nông thôn sẽ phong phú, đa dạng hơn chăng với những sự thay đổi này?

GS TL: Sức đề kháng của thanh niên nông thôn với những cuộc “xâm lăng” yếu hơn rất nhiều so với thanh niên thành thị, một phần là do giáo dục và trình độ dân trí lạc hậu. Vừa rồi, thành phố Hồ Chí Minh có một hội sách rất quy mô, rầm rộ, thu hút hàng nghìn người tham gia. Nhưng đó là hội sách của thanh niên đô thị, chứ không phải là cho thanh niên nông thôn. Tôi xót xa mà nghĩ rằng, có người nông dân có khi cả đời không làm sao sờ được vào những cuốn sách đó. Nhà nước nhẽ ra phải đầu tư lớn cho văn hóa nông thôn, phải có những tủ sách rẻ và phù hợp với người nông dân.

PV: Bất bình đẳng lớn nhất, không phải là bất bình đẳng về miếng ăn, manh áo, xe máy, ti vi, tủ lạnh…mà là sự cách biệt về giáo dục và những cơ hội tiếp cận tri thức. Nếu đời sống văn hóa, tinh thần, giáo dục của nông thôn cứ nghèo nàn mãi như vậy thì cái hố sâu giàu nghèo sẽ ngày càng cách biệt…

GS TL: Nguy cơ lớn nhất chính là ở chỗ đó!

PV: Vậy theo ông, sức mạnh, nguồn lực to lớn của nông thôn - nông dân Việt Nam đã được khẳng định trong lịch sử sẽ được khơi dậy bằng những biện pháp nào trong thời kỳ hiện nay?

GS TL: Tôi có hai kiến nghị sau: Một là, mọi đường lối chính sách CNH - HĐH khi tiến hành phải nhằm trả lời cho được câu hỏi sau đây: người nông dân đang ở vị thế nào trong tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, họ cần làm gì và họ sẽ đi về đâu, nông thôn sẽ có diện mạo ra sao trong tiến trình đó và khi đất nước đã được hiện đại hóa?

Chẳng lẽ cứ đào bới mãi tài nguyên từ lòng đất ông cha từng gìn giữ bằng máu xương của biết bao thế hệ để đem bán?

Chẳng nhẽ cái lôgô của“thương hiệu Việt” là cục than đá, thùng dầu thô và cái lưng trần dầu dãi nắng mưa của người nông dân vừa rời quê ra tỉnh để bán sức lao động rẻ mạt?

Từ đó, nhà nước sẽ xây dựng, điều chỉnh đường lối CNH - HĐH sao cho phù hợp với đặc điểm của một nước nông nghiệp nhiệt đới như Việt Nam. Trong đó, văn hóa làng có một nền tảng sâu đậm, nó là nền tảng tinh thần của dân tộc. Vậy nên đường lối CNH - HĐH phải được xây dựng như thế nào để nó khai thác, phát huy được nét đặc thù ấy của đời sống hiện đại.

Điểm thứ hai, chúng ta không được quên nông thôn, nông dân trong chương trình nghị sự đang đặt ra hàng ngày của nhà lãnh đạo, nhà khoa học, người làm chiến lược cũng như người làm quy hoạch, người đăng đàn diễn thuyết cao đàm khoát luận, cũng như người âm thầm tìm tòi giống cây, con giống, lai tạo, chiết ghép trong phòng thí nghiệm. Nông dân của chúng ta, bà con ở nông thôn chúng ta, chiếm gần ba phần tư dân số hiện đang còn khổ quá.

Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm của mọi cải cách ở khu vực nông thôn. Mà muốn thế, phải biết “khoan thư sức dân”, đó chính là “kế sâu rễ, bền gốc” được vận dụng một cách sáng tạo trong bối cảnh mới.

Khoan thư sức dân, mà “dân”, trước hết là nông dân, đó chính là “kế sâu rễ, bền gốc” mà ông cha ta truyền dạy.

Mọi đường, lối chính sách CNH - HĐH khi tiến hành phải nhằm trả lời cho được câu hỏi sau đây: người nông dân đang ở vị thế nào trong tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, họ cần làm gì và họ sẽ đi về đâu, nông thôn sẽ có diện mạo ra sao trong tiến trình đó và khi đất nước đã được hiện đại hóa?


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Nguồn: vietimes.vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường