Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhu cầu lúa giống quá nóng!
18 | 06 | 2007
Vụ đông xuân 2006-2007 ở ĐBSCL đã chính thức xuống giống từ ngày 15/11 và sẽ kết thúc vào khoảng 30/12/2006. Mới vào vụ được mấy ngày, nhưng chưa có vụ đông xuân nào ở ĐBSCL lại sốt lúa giống như năm nay.

Giá giống xác nhận, có tính kháng rầy đã tăng vọt lên 6.000-7.500 đồng/kg, cao hơn vụ trước từ 1.000- 2.500 đồng/kg. Lúa giống đắt chưa từng có, nhưng có tiền cũng không mua ra!

Hết vụ hè thu, thu đông đến vụ mùa dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (vàng lùn - lùn xoắn lá) vẫn ở trong tình trạng báo động, và đang tiếp tục hoành hành đe doạ vụ đông xuân, vụ sản xuất chính trong năm. Theo con số của ngành nông nghiệp mới đây, trong số 127.000 ha lúa đông xuân sớm vừa xuống giống đã có tới 80.000 ha nhiễm bệnh.

Tính đến ngày 14/11, hai huyện Tân Hồng, Tháp Mười (Đồng Tháp) sạ được 11.500 ha thì rầy nâu đã xuất hiện trên 1.970 ha, chiếm 17% lúa mới gieo sạ. Cùng ngày, ông Huỳnh Thanh Binh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết, riêng vụ đông xuân toàn tỉnh đã có gần 23.000 ha lúa nhiễm rầy với mật độ từ 500-4.000 con/m2; 4.560 ha bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Nỗi lo nối tiếp nỗi lo đè nặng lên đôi vai nhà nông.

Cung bao nhiêu cũng chưa đủ cầu

Những năm trước đây, nhờ "mưa thuận, gió hoà", nhiều nông dân ở ĐBSCL không mấy quan tâm đến chất lượng lúa giống, vẫn có thói quen dùng thóc thịt làm thóc giống, lấy lúa vụ trước làm giống cho vụ sau. Vụ đông xuân năm nay thì ngược lại. Nông dân chạy đôn, chạy đáo tìm mua lúa giống xác nhận. Điều đáng tiếc là khi họ nhận ra tầm quan trọng của các giống lúa xác nhận thì đã quá muộn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ đông xuân năm nay các tỉnh ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,6 triệu ha lúa, cần khoảng 200.000 tấn lúa giống xác nhận. Thế nhưng, mới vào những ngày đầu chính thức xuống giống vụ đông xuân, nhưng các cơ sở giống ở ĐBSCL đều lúng túng trước nhu cầu tăng vọt của nhà nông.

Mặc dù đã chuẩn bị 4.000 tấn giống để cung ứng cho thị trường, nhưng ông Ngô Văn Giáo, Tổng giám đốc công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam cũng không ngờ hàng bán chạy đến thế. "Đến nay chúng tôi đã bán hết, trong kho không còn hột nào. Biết bà con nông dân có nhu cầu rất lớn nhưng không thể huy động thêm hàng, vì không ai dám đảm bảo nguồn giống trôi nổi liệu có đảm bảo chất lượng hay không?", ông Giáo nói.

Tại Viện lúa ĐBSCL, sau khi đã "tắp lự" bán hết 1.000 tấn gống xác nhận, ông Dương Văn Chín, Phó viện trưởng cho biết: "Bây giờ nói tới giống lúa nào có khả năng kháng được sâu bệnh thì chúng tôi có thể kể ra, chứ hỏi lúa giống thì thú thực đã hết!".

Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Hậu Giang có kế hoạch xuống giống 84.000 ha, cần 11.450 tấn lúa giống xác nhận. Nhưng với 200 điểm sản xuất lúa giống theo các hình thức hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ và các hộ gia đình chỉ đáp ứng được 9.000 tấn. Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất giống Vị Đông 1 (huyện Vị Thuỷ) cho biết: "Rất nhiều nông dân đến tìm mua giống, nhưng Câu lạc bộ vét hết kho cũng chỉ được 300 tấn, bán cái hết vèo.

Vào vụ đông xuân, Phòng nông nghiệp huyện đã chủ động lo được 1.200 tấn lúa giống, mua thêm được 50 tấn từ trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL, cộng tất cả các nguồn cũng chỉ đáp ứng được 40% diện tích đông xuân của huyện Vị Thuỷ.

Thiếu giống, nhiều nông dân phải mua giống trôi nổi trên thị trường với giá 6.000-6.500 đồng/kg trở lên, nhưng điều rất đáng lo là không biết chất lượng thế nào?ở tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp, nông dân có nơi đã xuống giống vụ đông xuân sớm hơn cả tháng nay. Nguồn giống chủ yếu bà con tự cân đối từ vụ hè thu và thu đông. Vào thời gian chính thức xuống giống vụ đông xuân, áp lực mua giống trong nông dân nóng lên từng ngày.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân này Đồng Tháp sẽ xuống giống khoảng 200.000 ha, nhu cầu giống cần tới 24.000 tấn. Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm giống nông nghiệp Đồng Tháp cho biết: Trung tâm đã chuẩn bị 1.500 tấn giống, nhưng chỉ đủ cung ứng, hỗ trợ cho diện tích lúa bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá phải tiêu huỷ. Lượng giống còn lại tự nông dân chia sẻ, thông qua mạng lưới 6.000 hộ trong dự án xã hội hoá giống lúa. Nói cách khác, tự nhà nông phải bươn chải...

Do cầu vượt cung quá xa, tại các tổ hợp, HTX nhân giống ở các địa phương tình trạng sốt giá đã xẩy ra, trung bình 6.000-7.500 đồng/kg giống xác nhận, đắt hơn so với giá các trung tâm giống bán ra 1.000-1.500 đồng/kg; còn giống nguyên chủng lên tới 6.500-8.800 đồng/kg.

Theo khuyến cáo của ngành khuyến nông, của Viện lúa ĐBSCL nông dân đang cố gắng tìm mua các loại giống có khả năng kháng rầy có ưu thế, như: OM 5930, OM 4900, OM 4498, OM 2513,OM 2540,OM 5625...

Nhất là các giống có tính kháng rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá, như: OMCS 2000, OM 5930, OM 2517, VDN 95-20, AS 966, OM 576...

Giải pháp cứu nguy tình thế?

Vì không thể có đủ giống lúa xác nhận cung ứng cho vụ đông xuân này, ông Nguyễn Văn Hoà, Phó cục trưởng Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thường trực ở khu vực phía Nam phải thừa nhận rằng ĐBSCL vẫn phải chấp nhận với một cơ cấu giống lúa không hoàn hảo, giống kháng dịch bệnh chen lẫn giống không có sức đề kháng trong lúc hiểm hoạ dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đang đe doạ từng ngày.

Biện pháp duy nhất lúc này để khắc phục phần nào cơn sốt lúa giống vụ đông xuân ở ĐBSCL là huy động các doanh nghiệp, các trung tâm giống của ngành nông nghiệp, của các tỉnh trong khu vực dốc hết "vốn" trong kho ra phục vụ sản xuất. Phần lớn nhu cầu còn lại thì động viên sức dân, tìm cách trao đổi giống lúa trong nội bộ nông dân trong từng xã, từng huyện, từng địa phương, từng vùng.

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong vụ sản xuất đông xuân ở ĐBSCL,bên cạnh các giải pháp như vệ sinh đồng ruộng,đồng loạt xuống giống đúng khung thời vụ...thì giải pháp quan trọng bậc nhất là "nhất giống". Nông dân cần cố gắng tới mức tối đa trong điều kiện có thể chọn giống tốt, kháng được dịch bệnh... ĐBSCL thêm một vụ sản xuất đông xuân đầy khó khăn và thử thách.



(Theo TBKTVN)
Báo cáo phân tích thị trường