Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiện đại hóa nhưng không thành thị hóa
25 | 07 | 2008
"Phải hiện đại hóa, văn minh hóa nông thôn bên cạnh giữ gìn bản sắc văn hóa nơi này. Nếu làm được điều đó, sống ở nông thôn còn dễ chịu hơn cả thành thị. Hy vọng làm sao chúng ta làm việc ở thành thị nhưng về sống ở nông thôn. Giống như New York, dân số ban ngày của họ là 18 triệu nhưng dân số ban đêm chỉ có 10 triệu. Đấy là hy vọng mà tôi rất muốn gửi gắm nhân dịp đầu năm Mậu Tý.”
Biện pháp xóa nghèo – “Con béo có kéo được con gầy”?


Ông Hồ Xuân Hùng: Thứ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
Phóng viên (PV):
Những biện pháp để xóa đói giảm nghèo cho đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Mặc dù Chính phủ khuyến khích người nghèo vay vốn, nhưng nhiều trường hợp chưa kịp sử dụng đồng vốn đã trắng tay. Chẳng hạn, có người nông dân vay ngân hàng mấy chục triệu mua bò giống nuôi. Bò chưa kịp lớn đã bị dịch phải thiêu hủy toàn bộ. Với cương vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông lý giải sao về hiệu quả của công cuộc xóa nghèo ở nông thôn hiện nay?

Ông Hồ Xuân Hùng (HXH): Chúng ta vừa có những công bố mới nhất. Cụ thể, cả nước có 14,7% hộ nghèo theo tiêu chuẩn năm 2005. Trong đó, nếu phân loại ra, nông thôn, nông dân chiếm 90% của 14,7% hộ nghèo đó. Đặc biệt là vùng miền núi phía Bắc, chiếm tới 51,3%. Miền Tây và miền Trung 41%. Tỷ lệ bình quân chung là như vậy, còn độ chênh lệch giàu nghèo trong vùng cũng rất khác nhau. Số hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số thật sự rất nghèo. Đảng và Chính phủ ta đã dồn sức, dồn lực để xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm nay. Có thể nói là đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đã có, nhưng chúng ta chưa đạt được kết quả mong muốn. Thế giới khen ngợi chúng ta về thành tích xóa đói giảm nghèo phải hiểu là cái họ khen ngợi mình là giảm bớt hộ nghèo trong số tổng số hộ nghèo mình có. Chứ số nghèo mình đang có so với kết quả của 20 năm Đổi mới và so với mong muốn của người dân sau khi giải phóng đất nước thì còn nhiều điều phải suy nghĩ.

Nói như thế để khẳng định rằng, Đảng và Chính phủ chưa hài lòng, thỏa mãn về công cuộc xóa đói giảm nghèo này. Và khi chúng ta nói ra điều đó, nhân dân thấy được trách nhiệm của Đảng và Chính phủ với dân, nhất là với người nghèo. Và tôi cũng xin nói một điều: không phải chỉ có Đảng và Chính phủ Việt Nam, các quốc gia và chính phủ các nước khác cũng có những chính sách chăm lo cho người nghèo. Cho nên bên cạnh những nét rất riêng của Việt Nam, thì cũng nằm trong mối lo chung của nhân loại những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này.

PV: Đâu là nguyên nhân còn đói nghèo thưa ông?

HXH: Có thể còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc này, nhưng theo tôi, tôi có thể tập trung mấy nguyên nhân lớn nhất sau:

Thứ nhất, bên cạnh nỗ lực của người dân còn có những “điều kiện gây nghèo” ngoài mong muốn. Ví như người nghèo bao giờ cũng thiếu nhất những cái người giàu có như kiến thức kinh doanh, vốn bằng tiền, các điều kiện khác như thiên nhiên, xã hội, gia đình và những điều kiện khiến không nghèo cũng thành nghèo…Đây là sự luẩn quẩn lớn nhất của người nghèo.

Thứ hai, đầu tư của chúng ta để tạo bước ngoặt cho người nghèo chưa lớn. Có nhiều nguyên nhân, như đầu tư của Chính phủ chưa lớn, nhưng cũng có thể do bố trí cơ cấu đầu tư của Chính phủ và của các tổ chức từ thiện khác, như các doanh nghiệp thành đạt trong cộng đồng họ hàng, làng xóm cùng nhau thoát nghèo chưa đủ mạnh mẽ.

Thứ ba, trong số các chính sách xung quanh việc giảm nghèo, tạo nên sự thống nhất quả là rất khó. Có quan điểm cho rằng “con béo kéo con gầy”, tức là tạo một điểm hút để kéo người giàu đầu tư vào người nghèo. Nhưng cũng có quan điếm là chia đều, tạo một sự bình quân trong phát triển để cùng nhau xóa đói giảm nghèo. Cũng có quan điểm phải dồn cho người nghèo, thậm chí cho cả gạo ăn, quần áo, tiền bạc để họ vượt nghèo. Có quan điểm lại cho “cần câu”, chứ không cho “con cá”. Nhưng cái gì là “cần câu”? Có người bảo cho vay tiền là “cần câu”, hay cho kiến thức để họ vượt lên là “cần câu”… những ý kiến đó đang còn tranh luận rất nhiều. Cho nên người nghèo vẫn đang tiếp tục phải hứng chịu cái nghèo.

Thứ tư, là sự ỷ lại. Một là ỷ lại từ những người trực tiếp tham gia công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hai là bản thân những người nghèo, Nói họ ỷ lại và trông chờ vào Chính phủ thì không đúng lắm, nhưng họ chưa đủ sức vượt qua những giới hạn của họ. Cho nên sự ỷ lại này, có thể nói tự họ không “cởi” được. Mà các tổ chức xã hội của họ, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng phải giúp họ tháo “ách ỷ lại”. Đây là nguyên nhân mà cá nhân tôi cho rất lớn. Nếu không tập trung vào thì khó mà giảm nghèo được.

Một vấn đề nữa phải tính đến là đôi khi nó còn do cả phong tục tập quán nhiều đời của từng sắc tộc trong từng vùng. Nói rằng họ cam chịu nghèo không phải, mà do chi phối bởi những yếu tố thiên nhiên, địa lý, xã hội… So với người khác thì họ rất nghèo, nhưng so với chính những người xung quanh họ thì họ thấy bình thường. Cho nên khi phân tích cái nghèo phải dựa trên những yếu tố như thế để có những biện pháp tối ưu.

PV: . Xem ra nông thôn, nông nghiệp và nông dân vẫn “giằng co trong cái vòng luẩn quẩn” của đói nghèo lắm. Xét về tổng quan, Đảng và Chính phủ có những đường hướng vĩ mô nào để thoát nghèo, thưa ông?

HXH: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói, cố gắng mỗi năm chúng ta giảm từ 2% đến 3% hộ nghèo. Nếu đạt được như trên, đến năm 2010 chúng ta còn khoảng dưới 10% hộ nghèo, và năm 2020 là dưới 5%. Tôi nghĩ đây là trách nhiệm từ hai phía, một là của Đảng và Chính phủ, các đoàn thể quần chúng, những doanh nghiệp thành đạt đối với người nghèo.

Hai là, nếu muốn nước ta trở thành một nước công nghiệp và thoát ra khỏi khối các nước nghèo, nước kém phát triển, thì phải không còn số người nghèo trên. Không thể nói nước ta giàu mạnh mà vẫn còn chừng ấy hộ nghèo. Và thực sự đây cũng là mong muốn của nhân dân cả nước nói chung và của những người nông dân nói riêng.

Để làm được điều đó, điều gì cần phải làm trước nhất?

Có lẽ điều đầu tiên, chúng ta phải có một chương trình lớn. Trách nhiệm rất nặng nề thuộc về Bộ NN&PTNT cùng các địa phương. Số nông dân đông, số hộ người nghèo nhiều, đặc biệt ở các tỉnh miền núi và miền trung. Trách nhiệm là phải làm sao để huy động một lực lượng đông tập trung công sức nâng cao dân trí.

Nông thôn có nên giống đô thị?

PV: Trong quá trình thực hiện các cam kết WTO, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân được coi là phải chịu những ảnh hưởng lớn nhất. Có những phương án hay giải pháp nào để giảm bớt những “tác động ngược” của quá trình hội nhập toàn cầu?

HXH: Thực tế trong WTO thì sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện vẫn là một nền sản xuất nhỏ, năng suất thấp, chất lượng kém. Như vậy, để nông nghiệp, thôn thôn, nông dân thực sự vững vàng, chúng ta cần khẩn trương hoàn tất kế hoạch tổng thể về giải quyết vấn đề “tam nông”. Bởi khi hơn 10 triệu hộ nông dân phải đương đầu với những khó khăn do sức ép cạnh tranh từ hàng nông sản nước ngòai, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Hơn lúc nào hết, họ mong chờ những quyết sách mới đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Nhà nước.

Theo tôi, thứ nhất, làm sao huy động được lực lượng, tập trung sức để nâng cao dân trí và cán bộ cơ sở trực tiếp giúp nông dân. Bằng cách gì? Bằng cách kiên trì và tăng cường hơn nữa. Chúng ta nửa vời thế này không được. Bằng cách gì? Bằng cách có một chương trình đào tạo khác đối với cán bộ cơ sở. Đối với động thái hiện nay ta không thể giảm nghèo nhanh được cho dân. Bằng cách gì? Bằng cách để người dân có thể tham gia vào sản xuất hàng hóa để họ khỏi phải tự túc, tự cấp, thoát khỏi cái mà họ đang phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà thu nhập rất thấp, bằng việc tạo một môi trường mới cho nông dân. Để họ cùng tham gia mang tính cộng đồng. Cộng đồng ở đây có nhiều nghĩa: Hợp tác xã, các loại hình doanh nghiệp đưa ra cũng là một loại cộng đồng.

Thứ hai, trong các chính sách để phát triển kinh tế phải thay đổi cách nhìn đầu tư cho nông dân và người nghèo. Lâu nay chúng ta đã làm khá nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Người nông dân ở miền núi mà suốt ngày buôn sắn buôn ngô thì kiểu gì cũng không thoát nghèo được. Phải nghĩ đến cây công nghiệp, sản xuất tập trung, chuyển các ngành nghề đưa vào thành những thành viên của các doanh nghiệp thì mới có hiệu quả lâu dài. Đất đã không tăng được mà giá thu mua khoai, sắn giảm thì làm sao họ thoát nghèo được. Chưa kể khí hậu ngày càng khắc nghiệt, dân số ngày càng tăng…

Thứ ba, tôi rất tâm đắc việc đào tạo nghề. Đào tạo nghề, trước hết là chuyển thuần nông để sang làm dịch vụ, công nghiệp, thậm chí là đi xuất khẩu lao động. Đào tạo lại nghề truyền thống của họ để sao cho tiếp cận được khoa học công nghệ mới. Ví dụ nông dân có nên đi cấy, đi cày như thế nữa không? Có phải phun thuốc trừ sâu kiểu thế nữa không? Cho nên việc đào tạo nghề, ngay chính nghề truyền thống của người dân cũng phải tính lại chứ không chỉ đào tạo những nghề tinh xảo hay nghề mới. Nông nghiệp phải chuyển dịch cơ cấu, cả cơ cấu đầu tư và cơ cấu kinh tế nội ngành.

Rồi phải chuyển dịch cả cơ cấu chăn nuôi. Làm sao bắt từng con vịt ngoài đồng để tiêm phòng được? Phải quản lý ngay từ khâu giống. Còn đã bán ra ngoài rồi, lại đi đuổi ngoài đồng bắt vịt thì vô cùng vất vả và hiệu quả thấp. Khán giả thấy hình ảnh bắt vịt tiêm trên truyền hình tưởng là tốt nhưng lại vô cùng xấu. Cả thế giới có nước nào làm như vậy không? Còn nếu quản lý không được lại đưa ra giải pháp cấm đoán thì thật là tai hại và thiếu trách nhiệm với dân.

PV: Liệu khi những thế hệ hiện nay (cha mẹ) thoát được nghèo, thì thế hệ sau (con cháu họ) có thoát được nghèo không? Hay họ vẫn trong vòng xoáy nghèo và phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài?

HXH: Đúng vậy. Trong việc lo cho người nghèo, không phải lo cho thế hệ cha mẹ nữa mà chủ yếu là lo cho thế hệ con cháu họ thoát nghèo. Điều này khó lắm, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Lo cho họ thoát nghèo đã khó, nhưng nếu không có những biện pháp lâu dài thì con cháu họ liệu có thoát khỏi nghèo? Cùng với việc đó, làm sao đẩy công nghiệp vào nông thôn và vùng núi để thu hút lao động, để phân phối lại lực lượng lao động, tạo nên ngành nghề mới tại nông thôn.

Hơn nữa, làm thế nào phát triển nhanh các thị trấn, thị tứ, các khu vực thu hút đầu tư ở nông thôn để khích lệ văn hóa đô thị ở nông thôn, đồng thời tạo môi trường cho người nông dân có được lao động phổ thông ở khu vực thành thị. Cho nên việc đẩy đô thị về nông thôn và tạo việc làm phố thông cho nông dân tại đô thị là hai việc lớn nhất.

Thứ ba, chính sách cho doanh nghiệp về nông thôn hiện nay chưa đủ hấp dẫn. Phải tạo nên những chính sách thông thoáng hơn nữa, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn. Đây là biện pháp vừa trước mắt vừa lâu dài.

PV: Chúng ta có thể thấy, mô hình gia đình ở nông thôn hiện nay không hoàn toàn thuần nông như trước. Từ những túp nhà mái ngói thôn quê, đã có rất nhiều người con trưởng thành trên con đường tri thức. Họ vươn ra thành thị và đem về quê nhà những tư tưởng và lối sống của một văn hóa khác hẳn. Điều đó, dù ít hay nhiều cũng làm cho nông thôn thay đổi, cả theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

HXH: Trong một hộ gia đình nông thôn, có cả tri thức, công nhân, nông dân, cả người về hưu, lẫn người trẻ đã là mô hình một mô hình ở nông thôn.. Bố mẹ tôi là nông dân, và cũng nhiều gia đình như thế. Đương nhiên cũng có những gia đình thuần nông, nhưng có lẽ ngay nên có những chính sách để làm sao thay đổi cơ cấu lao động trong gia đình họ. Điều này vừa thể hiện một chế độ tốt đẹp, vừa điều phối mối quan hệ xã hội tạo nên những tầng lớp đan xen nhau ngay trong một gia đình. Một gia đình với nhiều giai tầng như thế, thì sự hòa hợp sẽ cao hơn ở một xã hội có nhiều giai cấp.

Bây giờ làm sao giảm được chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Thành thị đang ngày một tươi đẹp hơn thì nông thôn cũng phải vậy. Phải hiện đại hóa, văn minh hóa nông thôn bên cạnh giữ gìn bản sắc văn hóa nơi này. Nếu làm được điều đó, sống ở nông thôn còn dễ chịu hơn cả thành thị. Hy vọng làm sao chúng ta làm việc ở thành thị nhưng về sống ở nông thôn. Giống như New York dân số ban ngày của họ là 18 triệu nhưng dân số ban đêm chỉ có 10 triệu. Đấy là hy vọng mà tôi rất muốn gửi gắm nhân dịp đầu năm Mậu Tý.


Nội thất của một gia đình nông dân ở Hà Tây


PV:
Dư luận đang bàn tán xung quanh các chủ trương của Đảng trong chính sách đột phá. Có lẽ người dân, nhất là nông dân đang rất “nóng lòng” với những thay đổi toàn diện trong thời gian tới. Nhân đầu năm mới ông có thể nói một vài nét về tình hình nông thôn Việt Nam hiện nay?

HXH: Nông thôn Việt Nam hiện nay có thể nói có nhiều cách nhìn khác nhau. Nhưng cái chung nhất, thực sự nông thôn Việt Nam đã khởi sắc.

Khởi sắc cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng và đời sống văn hóa. Nơi nào cũng có truyền hình, phát thanh, hoạt động văn hóa nghệ thuật, điện… Đó là những tiến bộ không phủ định.

Thế nhưng, so với cái chung của đất nước, so với thành thị, nông thôn vẫn quá vất vả.

Bất cập lớn nhất là quy hoạch nông thôn của chúng ta hết sức “cẩu thả”, bao gồm cả cơ sở vật chất, hạ tầng và con người. Quả thật có nhiều cái rất thiếu văn hóa trong cái đã được gọi là “làng văn hóa”. Nhà sau lãnh đủ mùi hôi thối của nhà trước do chuồng trâu, bò, lợn, gà vịt… Hơn nữa “làng văn hóa” nhưng văn hóa truyền thống bị tha hóa, thậm chí biến mất hòan toàn. Những cái mà chúng ta đang phục dựng lại thì không còn tính chất của văn hóa truyền thống. Vậy thì ngay cả những hiện tượng trên, chúng ta cần thấy bản chất của nó để chuẩn bị cho Đảng và Chính phủ có những quốc sách phù hợp.

PV: Đâu là những điều tồn đọng đáng lo ngại ở nông thôn Việt Nam hiện nay, thưa ông?

HXH: Thứ nhất, an ninh nông thôn hiện nay rất đáng lo ngại. An ninh nông thôn là biểu hiện cuối cùng của cái gì? Của văn hóa công nghiệp nặng, của du nhập văn hóa thành thị vào nông thôn, của những tệ nạn xã hội do chính quá trình phát triển đem tới, của tình làng nghĩa xóm nhạt đi rất nhiều. Bốn yếu tố đó tạo thành an ninh nông thôn.

Đảng và Chính phủ ta lâu nay quan tâm rất nhiều đến nông nghiệp nhưng nông thôn lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong các Nghị quyết của Đảng cũng chưa đề cập đến nhiều. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là vì con người, vì nông dân. Mà địa bàn sinh sống của người nông dân là ở nông thôn. Họ có thể làm việc ở nhiều nơi, nhưng địa bàn sinh hoạt của họ vẫn là ở nông thôn. Nông thôn không chỉ có người nông dân sống mà còn có cả những cái mà người dân sống ở đô thị nhiều đời vẫn phải nhớ về. Vậy phải làm sao cho nông thôn Việt Nam tiếp cận được với văn minh thế giới, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam.

Nếu chúng ta không quan tâm, thì không lâu nữa nông thôn sẽ không còn là nông thôn. Đấy là điều thật sự tôi rất trăn trở.

Thứ hai, môi trường sinh thái ở nông thôn có những đặc trưng mà đô thị không có được. Dù văn minh đô thị phát triển đến đâu cũng không bằng nông thôn. Một khi chúng ta chủ trương đô thị hóa đến mức, nông thôn phải giống đô thị, thì thử hình dung nông thôn còn gì nữa không? Cho nên, phải hướng tới xây dựng một nông thôn có môi trường sinh thái tốt.

Thứ ba, mãi mãi nông thôn là nơi sản xuất ra nông phẩm. Chúng ta có thể ăn thịt nhân tạo, nhưng không thể ăn rau nhân tạo. Cho nên, nông thôn là nơi có một sứ mạng rất lớn đối với xã hội loài người. Chúng ta phải có chính sách giữ gìn và phát huy chức năng đó của nông thôn.

PV: Xin cảm ơn ông!



Nguồn: vietimes.vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường