Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quốc hội thảo luận các dự án: Luật về các vùng biển Việt Nam; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
26 | 07 | 2007
Ngày 8-11, ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ 10, QH khóa XI. Các đại biểu làm việc tại hai hội trường, thảo luận các dự án: Luật về các vùng biển Việt Nam, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tại Hội trường Ba Ðình với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, các đại biểu QH thảo luận dự án Luật về các vùng biển Việt Nam.

Qua thảo luận cho thấy, các ý kiến phát biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này nhằm tạo khung pháp lý cơ bản của Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ pháp luật nảy sinh trên biển. Trong thảo luận, các đại biểu QH đã tập trung cho ý kiến về tên gọi của luật và các vấn đề như: phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền quản lý nhà nước về biển, cơ quan quản lý nhà nước về biển, vấn đề liên quan tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam, quyền sử dụng biển, phân công trách nhiệm tuần tra kiểm soát trên biển...

Tại Hội trường 37 Hùng Vương, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Trương Quang Ðược, các đại biểu QH thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tờ trình của Chính phủ gửi QH về dự án luật này, nêu rõ: Sau 20 năm đổi mới, thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhờ tiếp thu những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, Việt Nam đã vươn tới một trình độ cao hơn về năng suất và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng đạt kết quả tốt, hình thành hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh vấn đề quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa, thiết lập và triển khai phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa, chứng nhận sản phẩm và hệ thống quản lý chất lượng. Trên phương diện xã hội, đã có những hình thức động viên và tôn vinh "hàng Việt Nam chất lượng cao", khuyến khích nhà sản xuất xây dựng uy tín của mình bằng việc sản xuất các sản phẩm, hàng hóa có hình thức đẹp, chất lượng ngày càng cao.

Tuy nhiên, trên thị trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, hàng "nhái", hàng "giả" gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, làm đổ sập công trình xây dựng, ảnh hưởng xấu uy tín của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, cho nên, việc xây dựng và ban hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là rất cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần quản lý chất lượng, và đẩy mạnh sản xuất với năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Dự án Luật quy định các nguyên tắc quản lý chất lượng cơ bản như sau:

- Ðối với sản phẩm không có hoặc ít có khả năng gây mất an toàn, người sản xuất, kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình. Nhà nước chỉ yêu cầu sản phẩm, hàng hóa này phải phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

- Ðối với sản phẩm có khả năng gây mất an toàn, người sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật do Nhà nước quy định.

- Ðối với sản phẩm thuộc nhóm đặc thù (nhóm có khả năng gây mất an toàn nghiêm trọng), việc quản lý chất lượng phải tuân thủ các thủ tục, quy trình đặc biệt và điều kiện nghiêm ngặt về an toàn.

Trong thảo luận, nhiều đại biểu QH tán thành phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào việc quản lý chất lượng của sản phẩm và hàng hóa, không bao gồm dịch vụ, môi trường, và công trình, với tên gọi: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Các đại biểu QH phát biểu ý kiến lưu ý rằng, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cho nên vấn đề chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được coi trọng, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vừa bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu, tránh các tranh chấp trong thương mại về chất lượng của sản phẩm.

Ðại biểu Lê Minh Hồng (Ninh Bình) nêu yêu cầu cần quy định tránh cho người tiêu dùng mua phải hàng "nhái", hàng "giả". Các đại biểu Trần Thanh Khiêm (Cà Mau), Dương Kim Anh (Trà Vinh), Võ Quốc Thắng (Long An) và một số đại biểu khác đề nghị: Việc quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nên phân cấp mạnh cho địa phương (UBND cấp tỉnh, thành phố); về chuyên ngành nên giao trách nhiệm cho một đầu mối là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Phạm Thị Thu Hà (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng: Cần khuyến khích quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngay từ khâu sản xuất; đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng nhập khẩu (có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa).

Một số đại biểu QH nêu rõ, nếu sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng vẫn đưa vào lưu thông, người tiêu dùng có khiếu nại, nhà sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm bồi thường. Việc kiểm tra, thanh tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần giao cho chính quyền cơ sở, nếu phát hiện là hàng hóa không bảo đảm an toàn, thì cần tiến hành các thủ tục thu hồi và thiêu hủy.

Ðại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, trong một số trường hợp không cần thiết phải công bố tiêu chí về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, vì hai bên (nhà sản xuất và khách hàng) đã ký hợp đồng về bảo đảm chất lượng, hơn nữa "tiêu chí chất lượng" trong một số trường hợp là bí mật của doanh nghiệp. Ðại biểu này cũng phân tích mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên.

Các đại biểu QH tán thành quy định ở Ðiều 20 về các "điều kiện" để sản phẩm, hàng hóa được đưa ra thị trường, là "sản phẩm đã được thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp quy, ghi nhãn theo quy định của pháp luật; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động vật và thực vật", hoặc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm.

Trong thảo luận, nhiều đại biểu QH còn cho ý kiến vào các vấn đề như: thủ tục, trình tự kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu; nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà sản xuất đối với chất lượng hàng hóa do mình sản xuất; nghĩa vụ và trách nhiệm của người bán hàng; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng sản phẩm, hàng hóa... Trên cơ sở ý kiến xây dựng luật của đại biểu QH, Ban soạn thảo sẽ tiếp thụ, chỉnh lý để hoàn thiện dự luật, tiếp tục trình QH tại kỳ họp sau.


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường