Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chưa áp mức thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu gạo
13 | 08 | 2008
Chính phủ đánh thuế xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá gạo đang giảm đã tác động trực tiếp đến việc thu mua gạo của doanh nghiệp và “ép” giá lúa của nông dân. Với mức khởi điểm chịu thuế 600 USD/tấn như quy định, nhiều doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với giá dưới 600 USD/tấn (có thể là 599 USD/tấn) để khỏi chịu thuế, như thế đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ thu mua lúa gạo của nông dân với giá thấp, kéo theo người nông dân cũng gặp khó khăn.
Thị trường lúa hè thu tại ĐBSCL tiếp tục trong xu thế giảm giá. Nguyên nhân tác động trực tiếp đến giá lúa hè thu gồm: (i) do giá gạo trên thị trường thế giới tiếp tục giảm; (ii) tình hình tài chính khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến doanh nghiệp không dám thu mua vào giá lúa giảm mạnh. Nếu vay với lãi suất 14-15%/năm như hiện nay thì mỗi tháng doanh nghiệp phải chi thêm 12-15 USD/tấn gạo; (iii) do nhà nước áp thuế xuất khẩu, khiến doanh nghiệp phải cân đối giá thành sản xuất và thuế gây tác động giảm đối với giá thu mua lúa gạo. Ngoài 3 nguyên nhân chính trên thì nguyên nhân do giá gạo lúa hè thu bao giờ cũng thấp hơn so với giá lúa gạo đông xuân (do gạo ẩm, phải sấy dẫn đến chất lượng gạo thấp).




Nguồn: Dữ liệu thị trường nông sản AGRODATA, Trung tâm Thông tin PTNNNT, Viện CSCLPTNNNT, www.agro.gov.vn

Trước tình hình thu mua lúa gạo như hiện nay, tại ĐBSCL đang có 2 hiện tượng ngược chiều xảy ra: (i) nông dân trong nước bán lúa cho thương lái Campuchia và (ii) lúa ngoại đang tràn vào vựa lúa ĐBSCL.

Tại một số khu vực giáp biên giới Campuchia như An Giang, Long An…trong những ngày cuối tháng 7/08, một số thương lái người Campuchia sang Việt Nam thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn thương lái trong nước. Cụ thể, lúa phơi khô được bán với giá 5.200-5.300 đồng/kg, cao hơn mức giá 4.500-4.600 đồng/kg mà các thương lái trong nước thu mua. Do vậy, nông dân bán lúa cho các thương lái Campuchia được giá, còn các thương lái Campuchia sau khi thu mua về bán lại cho thương lái Thái Lan với giá hơn 6.000 đồng/kg.

Trong bối cảnh lúa gạo trong nước đang không có người mua, thì với lợi thế giá rẻ, hạt lúa tại các điểm giáp biên như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc, Tân Châu, An Phú… được các doanh nghiệp trong nước thu mua. Hiện có 4 doanh nghiệp đang thực hiện thu mua lúa ngoại, bình quân mỗi ngày doanh nghiệp nhập 5-10 xe (5 tấn/xe), giá chỉ 3.800-4.200 đồng/kg, tuy chất lượng có thấp hơn lúa trong nước nhưng độ an toàn thực phẩm cai, do ít sử dụng thuốc BVTV. Vì vậy, một số doanh nghiệp đã chọn hình thức thu mua lúa ngoại về thực hiện xay xát, đánh bóng nhằm giảm thiểu chi phí và thực hiện xuất khẩu.

Trước tình hình tồn đọng lúa gạo trong dân như hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có kiến nghị đối với chính phủ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo được vay ngoại tệ thay vì bằng tiền đồng để mua lúa đang thu hoạch trong dân. Ngoài ra, VFA cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ liên ngành về việc nâng mức giá gạo xuất khẩu chịu thuế từ 600 USD/tấn lên 800 USD/tấn. Việc nâng mức chịu thuế xuất khẩu gạo lên 800 USD/tấn sẽ giúp đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể mua lúa của nông dân với giá từ 5.500 đồng/kg trở lên.

-----------------------------------------------------------

Để biết thêm thông tin chi tiết về diễn biến giá cả lúa, gạo trong nước và quốc tế hàng ngày cũng như những phân tích, bình luận, dự báo thị trường gạo, mời quý vị đăng ký đặt mua Bản tin gạo tuần theo mẫu dưới đây.

Tải mẫu đăng ký đặt mua Bản tin gạo tuần tại đây

Liên hệ để đặt mua Bản tin theo địa chỉ:

Lê Hương Thảo - ĐT: (84.4) 9725153
Email: banhang_agro@yahoo.com
Fax: 844.9725153

Liên hệ với tác giả bài viết:


Nguyễn Trang Nhung -
nguyentrangnhung@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường