Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thương mại Việt Nam - Nhật Bản: Hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD
15 | 08 | 2007
Đầu tư luôn là lĩnh vực quan trọng để tăng phát triển song phương. Xét về yếu tố này, Việt Nam đang đứng trước “làn sóng” đầu tư thứ hai từ Nhật Bản.
Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đạt được nhiều kết quả, trong đó có lĩnh vực thương mại với mục tiêu nâng kim ngạch buôn bán hai chiều lên 15 tỉ USD vào năm 2010. Mục tiêu này là rất cao, nhưng có thể nói Việt Nam - Nhật Bản có đủ cơ sở để thực hiện.

Đối tác chiến lược

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến thăm chính thức kể từ khi nhậm chức và đồng thời là vị khách đồng cấp đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe. Cuộc tiếp kiến Nhật hoàng cũng cho thấy một sự quan tâm đặc biệt của Nhật Bản đối với Việt Nam. Mỗi năm, Nhật hoàng chỉ tiếp 1 vị lãnh đạo nước ngoài, trong số hàng trăm đoàn khách quốc tế cấp cao tới Nhật Bản.

Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Chikaghe Ogi, Chủ tịch Hạ viện Yohei Kono và có bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản cũng là cơ hội rất tốt để tạo dựng hình ảnh Việt Nam với các nghị sĩ đất nước mặt trời mọc.

Qua các cuộc tiếp xúc trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của Nhật. Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Nhật Bản đã chủ động và chuẩn bị một chương trình đồ sộ. Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã thống nhất “đưa quan hệ hai nước mang tầm chiến lược”.

Thương mại tăng trưởng cao và ổn định

Về tốc độ tăng trưởng, thương mại Việt – Nhật hiện nay rất tốt. Trong 8 tháng đầu năm 2006, trao đổi thương mại hai chiều tăng 18,7% (đạt 6,509 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước, trong đó Việt Nam XK 3,475 tỉ USD và NK 3,034 tỉ USD. Ước tính cả năm 2006 là hơn 9 tỉ USD. Trước đó, năm 2005, con số này là 8,5 tỉ USD tăng 20% so với năm 2004 (7,054 tỉ USD).

Xuất khẩu của Việt Nam bao gồm nông sản, dầu mỏ, than đá, hải sản, dệt may, đồ gỗ, dây cáp điện, điện tử... và nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện ô tô, điện tử, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất... Theo đánh giá của Bộ Thương mại, Nhật là đối tác thương mại lớn, tăng trưởng cao và ổn định, cán cân buôn bán luôn cân bằng.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã thống nhất khởi động đàm phán chính thức về Hiệp định Đối tác kinh tế. Nếu một hiệp định thương mại tự do song phương sớm hoàn tất, dòng thương mại Việt Nam- Nhật Bản sẽ được tăng tốc cao hơn thời gian qua.

“Doanh nghiệp Nhật thấy vàng ở Việt Nam”

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai diễn đàn về thương mại và đầu tư Việt - Nhật được tổ chức tại Tokyo và Osaka với sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là cơ hội tốt cho DN hai nước gặp gỡ và ký hợp đồng kinh tế.

Đầu tư luôn là lĩnh vực quan trọng để tăng phát triển song phương. Xét về yếu tố này, Việt Nam đang đứng trước “làn sóng” đầu tư thứ hai từ Nhật Bản. Bởi thế, mới đây tờ Japan Times đã có bài phóng sự với tiêu đề “Doanh nghiệp Nhật thấy vàng ở Việt Nam” nói về hàng loạt công ty Nhật Bản lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Năm 2005, theo khảo sát, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách các địa điểm đầu tư ưa thích của các công ty Nhật, so với vị trí thứ 8 của năm 2000. Đối với các công ty Nhật muốn chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc thì Việt Nam là địa chỉ mà các DN lựa chọn đầu tiên.

Đến cuối tháng 8/2006, Nhật Bản có 641 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 6,544 tỉ USD, đứng vị trí thứ ba trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng đứng đầu về vốn đầu tư thực hiện (4,69 tỉ USD). Số DN Nhật đầu tư vào Việt Nam được dự báo sẽ nhanh chóng vượt qua con số 1.000.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành hơn một buổi sáng để tiếp chủ tịch các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang có ý định đầu tư, làm ăn lớn tại VN. Theo đánh giá của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa làn sóng đầu tư của Nhật vào Việt Nam lên cao trào mới. Các doanh nghiệp Nhật tỏ ra rất quan tâm tới cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đặc phái viên của Thủ tướng - nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho biết: “Tôi đi thăm Nhật Bản nhiều lần và là người đi đàm phán nối lại quan hệ với Nhật Bản năm 1991 nhưng chưa bao giờ mối quan tâm của Nhật Bản đối với Việt Nam lại tốt như bây giờ”.

5 thoả thuận giữa các DN Việt Nam và Nhật Bản

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, ngày 20/10/2006 tại thủ đô Tokyo đã diễn ra Hội thảo Đầu tư tại Việt Nam với sự có mặt của 300 DN hàng đầu Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự hội thảo, đồng thời chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác và đầu tư giữa DN hai nước.

- Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc và Chủ tịch Liên đoàn Keidanren ký văn bản Thoả thuận xúc tiến đầu tư – thương mại. Keidanren là một tổ chức quy tụ gần 1.400 tập đoàn, công ty lớn của Nhật Bản.

- Hợp đồng giữa Công ty đầu tư Phát triển Hà Tây và Tập đoàn Điện tử Meiko trị giá 300 triệu USD nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất các loại bảng mạch in điện tử và một số sản phẩm công nghệ cao khác tại huyện Thạch Thất và Quốc Oai tỉnh Hà Tây. Doanh số của nhà máy này sẽ lên đến 1,7 tỉ USD một năm.

- Hợp đồng giữa Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Nam Quang thuộc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam với Công ty Điện tử UMC về việc đầu tư một nhà máy sản xuất, chế tạo, lắp ráp các thiết bị điện tử công nghệ cao tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD.

- Hợp đồng giữa Công ty Cổ phần May Phương Đông với Tập đoàn Mitsui về việc xuất khẩu quần âu sang Nhật Bản trị giá 27 triệu USD.

- Hợp đồng giữa Công ty May Việt Tiến với Tập đoàn Marubeni về xuất khẩu hàng may mặc với 12,5 triệu sản phẩm từ năm 2007 đến năm 2011. Tổng trị giá hợp đồng là 75 triệu USD. Để thực hiện hợp đồng này, Việt Tiến sẽ dành riêng một nhà máy với 1.000 công nhân tại Bình Thuận chuyên sản xuất cho Marubeni.



(Theo www.baothuongmai.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường