Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Theo dòng chính sách chỉ đạo việc tiêu thụ lúa gạo Việt Nam năm 2009
10 | 06 | 2009
Ngày 20/2/2009, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ra công văn số 48/CV/HH gửi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam về việc: Thông báo đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Nội dung như sau: Do số lượng các hợp đồng xuất khẩu đã đăng ký thực hiện giao hàng đến tháng 6/2009 đã đủ theo kế hoạch, từ ngày 21/02/2009, Văn phòng Hiệp hội chỉ đăng ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng từ tháng 7 đến tháng 9/2009.

Ngày 4/5/2009, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ra công văn số 211/CV/HH về việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Nội dung như sau : thông báo tiếp tục đăng ký hợp đồng cho số lượng đã ký kết nhưng chưa đăng ký giao hàng trong 6 tháng đầu năm 2009 còn tồn đọng.
Ngày 20/5/2009, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải họp bàn với các Bộ, ngành liên quan về công tác xuất khẩu gạo. Kết luận chỉ đạo của Phó thủ tướng như sau:

-Bộ NN phối hợp với các địa phương chỉ đạo cơ cấu giống phù hợp, chú trọng công tác phơi sấy lúa

-Việc nhập khẩu lúa gạo theo đường biên mậu trước mắt thực hiện theo quy định hiện hành và thỏa thuận với các nước

-Quy định hoạt động xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

-Bộ Công thương, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các bên liên quan cần họp bàn nhằm phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Hiệp hội lương thực, các Tổng công ty lương thực,…trong điều hành xuất khẩu gạo

-Bộ Công thương và Hiệp hội lương thực Việt Nam định kỳ thông báo tình hình xuất khẩu gạo cho Bộ thông tin và truyền thông

Ngày 4/6/2009, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Hiệp hội lương thực Việt Nam và đại diện các địa phương họp bàn về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL, đã đi đến một số thống nhất sau:

-Chính phủ không hạn chế việc xuất khẩu gạo trong năm 2009
-Chỉ tiêu xuất khẩu sẽ được điều chỉnh theo tình hình sản xuất lúa gạo thực tế trong nước
-Chính phủ trước mắt sẽ không phân hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các địa phương
-Bộ NN&PTNT có thể sẽ thực hiện chính sách mua tạm trữ gạo để tránh rớt giá gạo
-Các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hạn chế trồng lúa chất lượng thấp

Trong đó đáng chú ý nhất là Công văn số 48/CV/HH của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thông báo hướng dẫn về việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tới các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đây là một quyết định gây nên rất nhiều dư luận trong giới doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đại diện các địa phương có chỉ tiêu xuất khẩu gạo, các chuyên gia nông nghiệp, nông dân,…không chỉ về riêng Công văn này mà còn liên quan đến cả cơ chế điều hành xuất khẩu gạo Việt Nam trong các năm qua.

Các phản hồi:

Xuất khẩu phải dựa trên thực tế sản xuất ( 5/6/2009, www.vovnews.vn)

Tại Hội nghị trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo các tỉnh ĐBSCL, nhiều đại biểu các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, An Giang cho rằng với lượng lúa tồn còn nhiều như hiện nay, có tỉnh tồn từ 70.000-200.000 tấn, trong khi đó, vụ hè thu sẽ cho thu hoạch lớn, nếu không có kế hoạch tiêu thụ thì lượng lúa tồn ngày càng lớn. Đại diện các tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thành lập cơ quan chuyên ngành rà soát lại sản lượng lúa hàng hoá tại đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo, không dừng ở con số 5 triệu tấn như dự kiến trong năm nay. “Nếu không tiêu thụ được sẽ rất khó khăn cho nông dân, ảnh hưởng đến chính sách kích cầu cho nông nghiệp. Chính phủ có thể xem xét tăng lượng gạo xuất khẩu lên 6 triệu tấn”- kiến nghị của ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng là của nhiều đại biểu dự Hội nghị.

Các đại biểu cũng đề xuất, Chính phủ cần có cơ chế tạm trữ ngay thời điểm này. Nếu không sẽ làm phức tạp thêm tình hình, lặp lại kịch bản như năm ngoái, giá thì chững lại mà dân cũng không bán được, doanh nghiệp không mua.

Phân bổ chỉ tiêu nên dựa trên sản lượng (8/6/2009, báo Tuổi trẻ online)

Ông Nguyễn Văn Dương - giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp:

Đồng Tháp mỗi năm có sản lượng lúa 2,7 triệu tấn, nhưng chỉ có hai doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu (trên 300.000 tấn gạo) nên chưa thể đảm bảo việc tiêu thụ lúa cho nông dân. Tôi tán thành ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải là phải thay đổi quy chế xuất khẩu gạo; giao cho Bộ Công thương thành lập tổ điều hành xuất khẩu gạo, trong đó có sự tham gia của Bộ NN-PTNT, đại diện các tỉnh, thành để khâu điều hành, phân bổ chỉ tiêu sát thực tiễn.
Theo tôi, về phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo cần dựa trên cơ sở về sản lượng, tình hình sản xuất và mức đề xuất của từng tỉnh. Tỉnh nào có sản lượng lúa cao thì được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu cao hơn chứ không thể tập trung cho những doanh nghiệp lớn

Điều hành xuất khẩu gạo không thể nói…mò! (2/6/2009, Diễn đàn các doanh nghiệp Việt Nam VIBonline.com.vn)

Ý kiến chuyên gia lúa gạo, GS-TS Võ Tòng Xuân:

Hiệp hội và Tổng Công ty Lương thực miền Nam là hai đơn vị nhưng thực ra chỉ có một người điều hành, nắm hết quyền lực. Khi các tỉnh về họp thì cũng họp nhưng thực tế chẳng dám ý kiến gì vì mọi việc đã được quyết định hết rồi. Với cơ chế điều hành này thì nông dân là người làm ra hạt lúa nhưng không được toàn quyền bán sản phẩm mà phải bị chi phối bởi Hiệp hội và Tổng công ty lương thực. Có chuyện này cũng do Nhà nước chưa có cách điều hành quản lý thật tốt thị trường lúa gạo, để Hiệp hội và Tổng công ty lương thực mặc sức “thao túng”. Nếu muốn mua lúa rẻ, họ chỉ cần đề nghị với chính phủ ngưng xuất khẩu hoặc tạm ngừng ký hợp đồng. Các doanh nghiệp tuyến dưới không dám mua lúa gạo vào thì “ông lớn” lại tung thương lái ra mua giá rẻ, ép giá nông dân. Sau đó, họ bán lại với giá cao hơn để hưởng lợi.

Lâu nay hiệp hội và tổng công ty lương thực cứ lấy lý do ANLT để biện hộ cho các quyết định ngừng xuất khẩu mặc dù thời điểm đó giá gạo thế giới có lợi cho xuất khẩu. Nhưng vấn đề ANLT đâu có ghê gớm như họ “vẽ” ra. ĐBSCL không bao giờ hết lúa. Chỉ khoảng 2 tháng đến 2,5 tháng là đã có một vụ lúa mới nhưng thực tế còn ngắn hơn, vì nông dân giữa các vùng xuống giống không đồng đều và gần như xoay vòng suốt năm. Vậy cớ gì phải bóp chẹt sức đi lên của ngành lúa gạo. Bây giờ khoa học, công nghệ thông tin tiến bộ đủ để những nhà quản lý của chúng ta đưa ra những dự báo chính xác vùng nào có lúa gạo, nơi nào thừa nơi nào thiếu để điều tiết đúng từng thời điểm. Nhưng họ lại không thích làm như vậy, họ chỉ nói... mò và thích nói... mò. Người làm công tác điều hành xuất khẩu này phải công tâm, làm việc có khoa học chứ không thể làm theo kiểu mờ ám, xin – cho, bán đi bán lại quota xuất khẩu.

Đáng lẽ ra Bộ Công Thương phải lo vấn đề này nhưng phải kết hợp với Bộ NN-PTNT để nắm rõ sản lượng lúa, theo dõi, dự báo sản lượng từng thời điểm trong năm. Chúng ta thừa khả năng làm điều này.

Nông dân nói gì về VFA (ngày 25/5/2009, Báo Nông nghiệp VN)

Ông Nguyễn Ngọc Hưởng (ấp B1, xã Thạnh Thắng, Vĩnh Thạnh – Cần Thơ): Nông dân chúng tôi bị đẩy ra rìa

Nhiều năm qua chúng tôi cũng chẳng thấy vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ở đâu, họ giúp được gì cho nông dân? Tiếng là VFA, nhưng thực chất họ chỉ chăm chăm cho lợi ích của mình... còn hàng triệu nông dân chân lấm tay bùn làm ra hạt gạo lại bị đẩy ra rìa. Thử hỏi trong hơn 100 đơn vị thành viên của VFA trên khắp cả nước có được bóng dáng anh nông dân nào không? Không chỉ vậy mà họ còn xa rời nông dân vì hiện nay chỉ thấy thương lái đi thu mua lúa của nông dân, họ chỉ ngồi đó mua lại gạo nguyên liệu rồi chế biến xuất khẩu kiếm lời, thế là xong.

VFA phản bác các ý kiến phê phán (6/6/2009, Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Minh Huệ ngày 3-6 đã ký công văn khẩn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhiều báo đài trong nước nhằm phản bác các ý kiến phê phán trên báo chí về hoạt động của hiệp hội này. Công văn giải thích các thông tin liên quan tới hoạt động của VFA, phản bác lại các ý kiến trên công luận cho rằng VFA phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo, ngăn cản doanh nghiệp, địa phương.

Công văn của VFA không quên nhắc lại rằng hiệp hội này từng đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị chuyển việc điều hành xuất khẩu gạo về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để phù hợp chức năng quản lý nhà nước.

Công văn nói trên được gửi đi sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 26-5, khẳng định VFA thực hiện đúng chức năng của mình mà Chính phủ giao.

Nên sửa ngay quy chế xuất khẩu gạo (ngày 8/6/2009, báo Tuổi trẻ online)

Ý kiến chuyên gia lúa gạo, GS-TS Võ Tòng Xuân:

Theo tôi, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi ngay quy chế bất cập về xuất khẩu gạo hiện tại. VFA nên trở lại đúng vị trí, chức năng của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, làm đầu mối tìm kiếm, cung cấp thông tin về thị trường, cầu nối cho DN. Bộ Công thương đảm nhận vai trò điều hành và phối hợp với Bộ NN-PTNT, lãnh đạo các tỉnh trong việc phân bổ chỉ tiêu. Chỉ tiêu này căn cứ vào số liệu dự báo về sản lượng lúa. Các tỉnh nắm rất chắc sản lượng lúa của tỉnh mình, họ có quyền đề xuất số lượng gạo xuất khẩu của tỉnh mình. Đối với hợp đồng xuất khẩu tập trung số lượng lớn thì có thể phân bổ cho từng tỉnh. Còn lại nên để cho DN chủ động tìm khách hàng và thực hiện hợp đồng. Bộ Công thương và các tỉnh nên tạo điều kiện cho DN chủ động xuất khẩu.

Về việc chấm dứt giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo, tôi tán thành quan điểm nên bãi bỏ việc phân bổ chỉ tiêu. Chúng ta nên làm theo cách mà Thái Lan từng làm lâu nay. Bộ Thương mại Thái Lan làm công tác dự báo rất tốt. Họ cho công bố rộng rãi lượng gạo xuất khẩu trong năm, rồi thu mua lúa dự trữ sẵn với mức giá đảm bảo cho nông dân có lãi. Lượng gạo này được kiểm tra đánh giá chất lượng từng loại, đảm bảo tính đồng nhất, sau đó bán cho DN nào có nhu cầu xuất khẩu. DN nào cần số lượng bao nhiêu, chủng loại nào cứ việc liên hệ với bộ phận phân phối của bộ này. Làm như thế vừa đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, vừa điều hòa được đầu ra, giá cả ổn định, nông dân luôn có lãi và DN cũng chủ động tích cực mở thêm thị trường, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất.

Việc giao điều hành xuất khẩu gạo cho VFA không còn phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương)

Hiệp hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nên chỉ có quyền khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thế nào, thời điểm nào nên xuất khẩu là có lợi nhất. Hiệp hội chỉ được ra quyết định khi doanh nghiệp nào đó trong quá trình sản xuất đã vi phạm quy trình dẫn tới làm ảnh hưởng tới chất lượng, giá trị chung của hạt gạo Việt Nam, chứ không được can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Còn đối với các doanh nghiệp có sai phạm khác, Hiệp hội cần phải có công văn gửi các công quan chức năng để có biện pháp xử lý. Bản thân Hiệp hội không được quyền giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp.

Chính sách mới:

Ngày 3/6/2009, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2009 đã giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN& PTNT rà soát cơ chế xuất khẩu gạo, làm rõ những mặt được, những hạn chế của cơ chế xuất khẩu gạo hiện hành để có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém và phát huy những hoạt động tốt của Hiệp hội Lương thực VN, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chính sách mới:

Ngày 15/6/2009, Thủ tướng Chính phủ có thông báo số 176/TB-VPCP cho ý kiến về hoạt động sản xuất, kinh doanh lương thực.

Vụ hè thu 2009, Chính phủ chỉ đạo thu mua khoảng 2 triệu tấn gạo hàng hoá, không để lúa gạo tồn kho trong dân theo giá bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân.

Để đảm bảo hoạt động kinh doanh lúa gạo trong nước cũng như xuất khẩu, các tỉnh sẽ không được giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo hàng năm.

Việc sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo trong 5 tháng đầu năm 2009 đã đạt được mục tiêu của Chính phủ. Cụ thể, tại ĐBSCL vụ đông xuân 2008/09 với sản lượng đạt 9,8 triệu tấn, duy trì mức như niên vụ trước, vụ hè thu dự kiến sản lượng đạt trên 9,5 triệu tấn, tăng so với niên vụ 2008. Cân đối sản xuất và tiêu dùng trong nước, lượng gạo xuất khẩu có thể trên 5 triệu tấn, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu năm 2009.

Giá lúa trong nước ổn định góp phần giữ mức tăng hợp lý của chỉ số CPI trong 5 tháng đầu năm 2009. Lượng xuất khẩu đạt khá, giá xuất khẩu gạo không cao nhưng vẫn đảm bảo nông dân có mức lời hợp lý theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Về công tác điều hành sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo. Trong 6 tháng cuối năm 2009, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương tăng cường hơn nữa công tác điều hành gạo; bổ sung cán bộ các tỉnh có sản lượng lúa gạo hàng hoá lớn tham gia Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, tăng cường công tác dự báo,…

Phản hồi:
(Theo
www.sggp.org.vn  ngày 18/6; www.nld.com.vn ngày 16/6)

Nông dân ĐBSCL: được cứu giúp từ nguy cơ tồn đọng lớn 

Chỉ đạo trên của Thủ tướng thu mua hết lúa gạo trong dân đã đảm bảo được đầu ra cho hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL. Mong các ban ngành liên quan thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo này để nông dân yên tâm sản xuất.

Ngoài ra, hiện giá vật tư đầu vào đang tăng khoảng 10% so với năm ngoái trong khi giá lúa cùng thời điểm lại thấp hơn. Do đó, nông dân kiến nghị bình ổn giá vật tư đầu vào để tăng lợi nhuận sản xuất.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo: như được “cởi trói”

Đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng vì khi chấm dứt giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho các tỉnh, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc ký kết hợp đồng, tận dụng được năng lực xuất khẩu. “Chỉ đạo của Thủ tướng đã rất cụ thể, vấn đề còn lại là các địa phương, các đơn vị hữu quan phải sớm triển khai thực hiện thật nghiêm túc”- ông Trần Quang Củi, phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang. Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp mua và trữ lúa, tăng cường đầu tư thêm các kho chứa.



AGROINFO tổng hợp
Báo cáo phân tích thị trường