Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa, gạo đồng bằng sông Cửu Long: Lại rớt giá!
12 | 09 | 2008
Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang xuống quá thấp. Một lần nữa, lúa trong dân lại ứ đọng. Giá giảm, doanh nghiệp không mặn mà thu mua vì nhiều lý do.
Lúa xuống giá, dân vẫn không bán được

Theo Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (PTNNNT), Viện Chính sách chiến lược PTNNNT, tại ĐBSCL, nhu cầu gạo xuất khẩu hiện đang thấp nhưng nguồn cung tăng mạnh do vụ hè thu được mùa nên tiêu thụ lúa gạo chậm, giá giảm. Giá lúa hiện chỉ từ 4.600 - 5.000 đồng/kg, trong khi hồi đầu tháng 9 đạt mức 5.200 - 5.500 đồng/kg. Ông Cao Anh Lộc, Chủ tịch UBND Bạc Liêu khẳng định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không tăng nhiều làm cho thương lái không mặn mà mua lúa dự trữ. Hiện nay, UBND tỉnh Bạc Liêu đang chỉ đạo cho các ngành chức năng mua lúa tồn đọng trong dân. Công ty Vật tư - Lương thực tỉnh Bạc Liêu chỉ có 5 kho dự trữ nhưng đều đã chất đầy lúa, không còn khả năng mua lúa với số lượng nhiều.

Còn ông Huỳnh Minh Chắc, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, lượng lúa trong dân ở Hậu Giang còn đến 100.000 tấn, DN đã hết kho không còn chỗ để tạm trữ trong khi tỉnh cũng không có kho dự trữ lớn. Trong khi đó, nhiều thương lái lại đổ lỗi, chất lượng lúa không đảm bảo cho xuất khẩu hoặc tạm trữ? Nông dân bán rất chậm do thương lái trả với giá rất thấp, chỉ khoảng 4.000 đồng/kg đối với lúa khô.

Doanh nghiệp sợ… ôm lúa

Doanh nghiệp ôm vào cũng gặp khó vì không có kho tích trữ, thêm nữa, do lãi suất vay vốn của ngân hàng mặc dù đã được ưu đãi nhưng vẫn cao. Một bài toán đơn giản là DN thu mua lúa bỏ kho không xuất được sẽ lỗ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo 2 công ty xuất khẩu gạo chủ lực là Công ty Cổ phần Docimexco và Công ty Lương thực Đồng Tháp đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa gạo theo chỉ tiêu phân bổ 600.000 tấn gạo. Tuy nhiên, việc thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp khó khăn do lượng gạo còn khá lớn trong khi các DN lại thiếu kho chứa. Do đó, để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn kiến nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ thêm chỉ tiêu 50.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 9; đồng thời đề nghị VFA và các bộ ngành liên quan tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Docimexco đẩy nhanh tiến độ giao 120.000 tấn gạo còn lại cho Phillipines theo chỉ tiêu xuất khẩu đã được phân bổ.

Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước của Chính phủ, trong tháng 9/2008, giá gạo tiếp tục ổn định do giá mặt hàng này trên thị trường thế giới không biến động nhiều. Trong bối cảnh lúa tồn đọng trong dân còn khá lớn, giá gạo dự báo sẽ vững, VFA khuyến nghị nông dân nếu không cần tiền thì nên trữ lại, chờ giá tăng hãy bán.

Ông Trần Thanh Chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay tồn kho đang quá lớn. Các thị trường nhập khẩu gạo trả giá thấp, DN xuất khẩu thì thua lỗ. Lãnh đạo địa phương chỉ còn cách là động viên DN thu mua, nhưng lại khổ nỗi DN cũng không vay được vốn. Chính việc không xuất được, dẫn tới hầu hết DN đều có tâm lý... sợ ôm gạo, vì dự trữ gạo trong kho ngày nào là phải chịu lãi suất ngày đó. Với lãi suất vay ngân hàng “ưu đãi” như hiện nay là khoảng 1,6-1,65%/ tháng, cứ mỗi tấn gạo dự trữ trong 1 tháng, DN tạm trữ sẽ phải trả lãi khoảng 10 USD. Tính sơ bộ, từ nay đến cuối năm, tức là 4 tháng nữa, riêng tiền lãi ngân hàng, trung bình DN đã phải trả 40USD/ tấn. Nếu không xuất được DN sẽ lỗ nặng - Ông Trần Thanh Chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định.

Trên thực tế, thị trường lúa gạo của Việt Nam phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu, xuất khẩu mạnh thì dòng chảy lúa gạo hàng hoá trong dân mới được khơi thông. Việc Chính phủ yêu cầu DN mua lúa sao cho nông dân có lãi 40% (khoảng 5.000 đồng/kg) là khó thực hiện. Vì DN sẽ không mua vào khi gạo chưa được xuất khẩu và kho đang tích trữ đầy gạo. Tính đến thời điểm này, các công ty trực thuộc VFA mới thu mua được khoảng trên 400.000 tấn gạo, đạt hơn 60% kế hoạch.

Gạo Việt Nam xuất khẩu đang bị ép giá

Theo các nhà kinh doanh gạo, hiện nay tại cảng TP. Hồ Chí Minh hầu như không có tàu cập cảng mua gạo, mặc dù các hợp đồng gạo vẫn giao chưa đủ hàng. Nguyên nhân có thể là do giới kinh doanh gạo nước ngoài nắm bắt được sản lượng lúa hè thu của Việt Nam còn nhiều nên không muốn thu mua gạo ngay, tiếp tục chờ giá xuống thấp hơn nữa mới thực hiện thu mua. Chính động thái này đã tạo áp lực giảm giá cho các loại gạo xuất khẩu. Giá gạo 10% tấm và 15% xuất khẩu của Việt Nam ở mức 590 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với cách đây 1 tuần; gạo 25% tấm xuất khẩu giảm 4 USD/tấn so với tuần trước, đạt mức 540 USD/tấn.

Thị trường giao dịch gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tuần gần đây có xu thế “đóng băng”, các hoạt động thu mua chậm. Ông Trần Thanh Chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, bây giờ chỉ tìm thị trường thôi, Indonesia đã tuyên bố năm tới không nhập khẩu nữa. Philippines thấy dư thừa cũng đang trả giá thấp nên không bán được. “Đối tác trả giá thấp quá, DN không muốn bán” - ông Cao Anh Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói.

Cần chủ động hơn trong điều hành xuất khẩu

Bộ Công Thương vừa có công văn đề nghị VFA chủ động điều hành, đẩy mạnh xuất khẩu gạo những tháng cuối năm. Theo đó, VFA cần chỉ đạo các DN xuất khẩu gạo tích cực đẩy mạnh giao hàng các hợp đồng đã ký, khẩn trương chốt lại các hợp đồng mà Chính phủ đã và đang đàm phán, đẩy mạnh việc đăng ký hợp đồng thương mại và khẩn trương thương thảo các hợp đồng mới, với các thị trường mới để đảm bảo tiêu thụ có hiệu quả hàng hoá cho nông dân những tháng cuối năm 2008.

Trước đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao VFA căn cứ vào nguồn hàng dự trữ, khả năng và tiến độ thu mua, dự báo xu hướng giá thị trường thế giới để chủ động điều tiết tiến độ giao hàng trong các tháng còn lại của năm 2008, đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu định hướng cả năm là 4,5 triệu tấn, không khống chế mức xuất khẩu từng tháng, và đảm bảo đáp ứng các mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với điều hành xuất khẩu gạo. Tính đến đầu tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,38 triệu tấn gạo, giảm 5,4% về lượng nhưng gấp đôi về giá trị so với cùng kỳ năm 2007. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo trong 9 tháng đầu năm, trong khi mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2008 dự kiến là 4,6 triệu tấn.

Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng lưu ý là mặc dù hiện nay, VFA khẳng định đang kiểm soát DN xuất khẩu gạo 5% tấm ở mức trên 600 USD/tấn, nhưng nhiều DN cho rằng, không loại trừ khả năng DN thông đồng với khách hàng để xuất khẩu với giá thấp hơn qui định. Ví dụ trong hợp đồng ghi là 600 USD/tấn nhưng thực tế DN chỉ nhận được khoảng 540 USD/tấn. Đây là thực tế VFA cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng DN ôm lúa giá thấp, từ đó lợi dụng để xuất gạo phá giá.

Xem tin gốc tại đây:
http://www.vovnews.vn/?page=109&nid=76021



Báo cáo phân tích thị trường