Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lo âu giá gạo
29 | 09 | 2008
Những tháng cuối năm, thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực bởi nguồn cung cấp dồi dào và xu hướng giảm giá.
Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất lúa năm 2008 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2008 - 2009” ở Nam bộ cuối tuần rồi tại An Giang, ông Huỳnh Minh Huệ, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thừa nhận: “Giá lúa đã không tăng ổn định ở mức 5.000 đồng/kg để đảm bảo 40% lãi cho nông dân theo yêu cầu, do sản lượng lúa, gạo hàng hóa còn nhiều và tiến độ mua chậm so với yêu cầu”.

Dư gạo nên giá giảm!

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 15-9, các doanh nghiệp đã mua vào 660.000 tấn lúa, gạo - đạt 132% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 90,4% kỳ vọng của VFA.

Nhưng theo ông Huệ, do các doanh nghiệp không được hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước mà phải vay ngân hàng để mua lúa, gạo với lãi suất từ 19-20%/năm, nên khả năng rủi ro lớn nếu xuất khẩu không kịp thời.

Trong khi đó, giá sàn xuất khẩu mà VFA đưa ra đối với gạo 5% tấm là 600 đô la Mỹ/tấn, nhưng khách hàng chỉ trả giá từ 550 đô la Mỹ/tấn (giá FOB) trở lại. Điều này khiến tiến độ triển khai các hợp đồng mới bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo VFA, nguyên nhân khiến giá gạo trên thị trường thế giới giảm từ tháng 7 đến nay là nhu cầu đã “hạ nhiệt”, trong khi sản lượng cung cấp cho xuất khẩu đã dồi dào trở lại. Mặt khác, các nước nhập khẩu chính đã mua đủ gạo dự trữ, điều hòa được nhu cầu trong nước.

Đồng thời, các nước xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng sản lượng bởi giá cao kích thích tăng diện tích sản xuất. Thị trường hiện đang trong tình trạng cung vượt cầu, giao dịch mua bán trầm lắng.

Đối với Việt Nam, khách hàng còn tìm cách ép giá vì sản lượng thu hoạch nhiều và giá nội địa vẫn còn thấp hơn so với giá thế giới.

“Tính đến ngày 15-9, những hợp đồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp đã đăng ký đạt 3,95 triệu tấn và trong chín tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 3,6 triệu tấn. Dự kiến trong quí 4-2008, Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm 900.000 tấn gạo”, ông Huệ nói.

Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Chính phủ giao VFA chủ động điều tiết tiến độ giao hàng các tháng còn lại trong năm - không khống chế mức xuất hàng tháng, để đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu định hướng cho cả năm 2008 là 4,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo ông Huệ, ngoài lượng tồn kho của doanh nghiệp và lượng lúa gạo vụ hè thu còn trong dân thì vẫn có thêm lượng lúa gạo từ thu hoạch vụ thu đông, nên lượng gạo hàng hóa cung cấp cho xuất khẩu vẫn còn nhiều so với kế hoạch.

Tình hình vẫn chưa sáng sủa?

Theo nhận định của VFA, những tháng cuối năm, thị trường thế giới tiếp tục chịu áp lực bởi nguồn cung cấp dồi dào và xu hướng giảm giá. Thái Lan vẫn là nguồn cung chủ yếu và gây áp lực lớn nhất khi lượng tồn kho vụ cũ là 2,1 triệu tấn phải bán ra để hạn chế gạo bị xuống cấp và để mua tiếp lúa gạo theo chương trình trợ giá vụ 2 (khoảng 3,5 triệu tấn lúa, tương đương 2,3 triệu tấn gạo).

Như vậy, dự kiến đến ngày 30-9, lượng gạo tồn kho của Thái Lan lên tới 4,4 triệu tấn. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng thông báo thực hiện tiếp chương trình mua hỗ trợ giá cho vụ chính bắt đầu thu hoạch vào tháng 11 tới.

Tuy vậy, yếu tố tích cực là giá mua hỗ trợ vẫn ở mức cao, giúp định hướng giá xuất khẩu gạo Thái Lan loại 100% B ở mức 700 đô la Mỹ/tấn.

Theo một số doanh nghiệp, hiện nay đang có rất nhiều khách hàng ngỏ ý muốn mua gạo Việt Nam. Đây là động thái để hy vọng giá gạo xuất khẩu đã “chạm đáy” và có thể tăng lại trong những tháng tới.

Do đó, nông dân không nên bán lúa quá vội, bởi từ nay đến vụ đông xuân tới còn hơn bốn tháng nữa, không khéo đến lúc giá cao thì không còn lúa để bán. Tuy nhiên, nông dân hiện chỉ mong sao bán được lúa, bởi nợ tiền phân, tiền thuốc, nợ ngân hàng... vây quanh, làm sao cầm cự?

Ông Huệ cũng cho rằng, do không có điều kiện dự trữ lâu để chờ giá như Thái Lan nên có khả năng gạo Việt Nam phải bán ra ở mức giá thấp để tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa còn tồn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Bùi Bá Bổng, thừa nhận hệ thống kho trữ thiếu thốn chính là điểm yếu trong việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo ông, trước mắt bộ đã giao Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu phương pháp có thể tồn trữ lúa ngay trong nhà nông dân từ 2-3 tháng để giúp nông dân trữ lúa chờ giá.

Tuy nhiên, hiện nay điều mà nông dân cần không phải là trữ lúa mà là làm thế nào tiêu thụ lúa gạo nhanh nhất để có tiền lo cho vụ đông xuân tới... Theo ý kiến của nhiều nông dân, Nhà nước cần có ngay những chính sách hợp lý về tín dụng trước khi giúp nông dân tìm cách trữ lúa.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường