Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo cuối năm 2010 : Tăng nhưng khó đột biến
20 | 08 | 2010
Thời gian qua, giá gạo trong nước, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long lên xuống bất thường khiến nhiều người lo ngại diễn biến giá gạo những tháng cuối năm có thể tăng đột biến. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Tiến – Trưởng phòng Phân tích ngành hàng, Viện nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn xung quanh vấn đề này.

Theo ông Tiến, việc giá gạo trong nước, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long lên xuống bất thường mấy ngày vừa qua có thể xem xét từ nhiều nguyên nhân. Bắt đầu từ việc mua gom gạo của các thương lái Trung Quốc.

- Thiên tai của Trung Quốc vừa qua chính là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông ?

Tại Trung Quốc, hạn hán trong quý 1/2010 đã diễn ra tại ba tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu. Điều này đã đẩy giá lương thực tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc tăng lên từ đầu tháng 3 do người tiêu dùng lo ngại về hạn hán hoành hành trên diện rộng. Tính đến cuối tháng 3, giá lúa tại tỉnh Quảng Đông đã lên 55 NDT/ bao (20 kg) so với 50 NDT/bao hồi đầu tháng này. Tiếp theo hạn hán, Trung Quốc cũng phải gánh chịu đợt lũ lụt diễn ra trong tháng 7 tại 8 tỉnh thành phố, trong đó có vựa lúa tại tỉnh Hồ Nam và Giang Tây, đã làm giảm sản lượng lúa.

Theo báo cáo của Trung tâm thông tin dầu và ngũ cốc quốc gia (CNGOIC), sau 2 đợt thiên tai vừa qua sản lượng gạo của Trung Quốc giảm 1,2 triệu tấn. Giá gạo trên thị trường tự do của Trung Quốc tại một số nơi đã có sự chênh lệch khá cao với giá gạo tại đồng bằng sông Cửu Long.

- Nhưng thưa ông, thị trường gạo thế giới đâu phải chỉ mỗi Trung Quốc nắm giữ ?

Tại Pakistan, tính từ tháng 7/2009 đến tháng 2/2010, đã xuất khẩu được 2,8 triệu tấn gạo, tương đương 1,4 tỷ USD so với 1,2 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 7 vừa qua, Pakistan đã phải đối mặt với trận lụt lớn nhất trong vòng 80 năm trở lại đây, ước tính 2,6 triệu acres (khoảng xấp xỉ 1,1 triệu ha) đất nông nghiệp bị ngập nước, 14 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận lụt và 6-7 triệu người trong số đó cần lương thực khẩn cấp. Hiện chưa có thông tin chính thức về sản lượng bị giảm, nhưng do không kịp đối phó với lũ lụt, đã có khoảng 500 ngàn tấn gạo bị ngập nước. Các dữ kiện này cho thấy, Pakistan bị giảm sản lượng không dưới 1 triệu tấn gạo trong vụ lúa này.

Tại Thái Lan, hạn hán diễn ra trên diện rộng đã làm vụ hè thu năm nay bị trễ gần 1 tháng và sản lượng lúa vụ này dự kiến chỉ đạt 9,58 triệu tấn so với 10,52 triệu tấn vụ sản xuất cùng kỳ năm trước. Còn đối với VN, diện tích bị khô hạn ước tính lên tới trên 100 ngàn ha, năng suất vụ hè thu này dự đoán sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo dõi diễn biến thị trường gạo thế giới cho thấy, giá gạo Thái Lan ở thời điểm đầu tháng 7 đã chạm đáy ở mức 426 USD/tấn đối với gạo 5% tấm của Thái Lan và 351 USD/tấn đối với gạo 5% tấm của VN. Kể từ trung tuần tháng 7 đến nay, giá gạo thế giới đã phục hồi nhẹ, đạt mức 428 và 380 USD/tấn trong tháng 8 này đối với gạo 5% tấm của Thái Lan và VN. Giá gạo đảo chiều được giới truyền thông đánh giá là do tác động tâm lý lo ngại của thiên tai tại Pakistan và Trung Quốc, và mất mùa vụ lúa mỳ tại Châu Âu.

- Mọi năm, Trung Quốc thường kết thúc nhập khẩu gạo trong tháng 5, nhưng từ tháng 6 đến nay thương nhân Trung Quốc đã vào ĐB.SCL để thu mua lúa. Điều này có phải do nguồn cung lúa gạo của Trung Quốc giảm hay họ “tính trước” bất ổn cung - cầu lúa gạo thế giới, thưa ông ?

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố ngày 12/8 vừa qua, tổng cung gạo thế giới ước đạt 562.66 triệu tấn, tăng 5,11 triệu tấn (0,92%) so với năm 2009, tổng cầu gạo thế giới vào khoảng 472,36 triệu tấn, tăng 5,51 triệu tấn (1,18%) so với năm 2009. Tổng lượng gạo xuất khẩu thế giới năm 2010 ước đạt 29,756 triệu tấn, tăng 0,61 triệu tấn (2,09%) so với năm 2009. Như vậy, cung – cầu gạo thế giới vẫn rất khả quan. Mặc dù Trung Quốc bị thiên tai hoành hành, nhưng do nước này tăng 1% diện tích trồng lúa và Trung Quốc dự trữ năm nay ước đạt 41 triệu tấn nên nước này không lo thiếu gạo.

Cũng theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, các chỉ số về cung - cầu và dự trữ gạo của Trung Quốc đều tăng so với năm 2009, ngoại trừ lượng nhập khẩu được dự báo giảm 12,3% do Trung Quốc tăng diện tích trồng lúa năm nay lên 1% so với năm 2009. Tuy nhiên, tổng nhu cầu tiêu dùng gạo của Trung Quốc tăng 2,97% so với năm 2009 và cao hơn tốc độ tăng tổng sản lượng lúa (1,98%).

Sản lượng lúa vụ hè thu bị giảm do thiên tai trong thời gian qua ước tính 1,2 triệu tấn. Trong khi đó, tổng sản lượng lúa của Trung Quốc trong năm 2010 dự báo đạt 197,3 triệu tấn (tương đương 137 triệu tấn gạo) cùng với khối lượng dự trữ khổng lồ (41 triệu tấn) chiếm gần 10% tổng sản lượng gạo thế giới cho thấy Trung Quốc rất an toàn về an ninh gạo.

Như vậy, Trung Quốc không có dấu hiệu mất cân đối cung – cầu lúa gạo. Giá gạo thị trường nội địa Trung Quốc cao hơn VN là nguyên nhân chính khiến thương lái Trung Quốc sang mua vét gạo của VN trong những tháng vừa qua nhằm kiếm lợi nhuận.

- Vậy theo ông, thị trường lúa gạo thế giới sẽ tác động như thế nào đến kịch bản của thị trường lúa gạo VN những tháng cuối năm 2010 ?

Ấn Độ tiến hành vụ Rabi (vụ hè thu) năm nay đầy khó khăn do hạn hán làm thiếu nước canh tác. Tuy nhiên trong tháng 7 vừa qua, mưa lớn tại nhiều bang trồng lúa đã cải thiện tình hình. Dự báo vụ này, Ấn Độ sẽ thu được sản lượng lúa tăng 14,7 triệu tấn so với vụ Rabi năm ngoái.

Một điểm đáng lưu ý là từ đầu năm đến nay, rất nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc đã nâng sản lượng dự trữ cao hơn năm trước nhằm tăng cường khả năng an ninh lương thực quốc gia. Như vậy, khả năng thiếu hụt nguồn cung gạo thế giới trong những tháng cuối năm là khó xảy ra do phía các nước nhập khẩu gạo truyền thống không có thay đổi lớn. Hơn nữa, với khối lượng dự trữ dồi dào, các nước tiêu dùng gạo đều có đủ khả năng can thiệp nếu thị trường có biến động lớn.

Đối với VN, thị trường gạo trong nước khá ảm đạm trong 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo liên tục giảm đã kéo theo giá thu mua trong nước cũng bị giảm theo. Tính đến hết tháng 6, tổng lượng gạo xuất khẩu của VN đạt 3,012 triệu tấn với kim ngạch 1.357 triệu USD, giảm 19,77% về lượng và 23,29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay, giá thu mua lúa trong nước được cải thiện nhờ Chính phủ triển khai chương trình thu mua 1 triệu tấn gạo, cùng với đó là việc thương gia Trung Quốc sang mua lúa gạo đã làm thị trường gạo trong nước sôi động hơn.

Báo cáo thị trường lúa gạo mới đây của Agroinfo đã đưa ra kịch bản về triển vọng thị trường gạo cuối năm. Trong đó nhận định, giá gạo trong quý 3 sẽ tăng nhẹ và đến đầu quý 4 có thể có thay đổi do thời điểm này hầu hết các khu vực canh tác lúa mỳ và gạo trên thế giới đều kết thúc vụ gieo trồng chính trong năm. Thị trường gạo thế giới trong quý 4 chịu sự chi phối nhiều hơn từ giá lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác. Nhiều khả năng giá gạo sẽ tăng lên nhưng khó gây ra đột biến ở thời điểm cuối năm.

- Xin cảm ơn ông !



Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường