Với chính sách mới này, Malaysia hy vọng sẽ nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ từ 22,5 tỷ Ringgít hiện nay (năm 2008) lên 53 tỷ Ringgít vào năm 2020 với mục tiêu cụ thể là đạt 31,8 tỷ Rinngít xuất khẩu sản phẩm từ công nghiệp cuối nguồn (chiếm 60% trong tổng số 53 tỷ Ringgít) và đạt 21,1 tỷ Ringgít xuất khẩu từ sản phẩm công nghiệp đầu nguồn (chiếm 40%).
Malaysia sẽ tập trung vào công nghiệp cuối nguồn vì công nghiệp cuối nguồn sẽ tạo ra các sản phẩm có trị giá gia tăng nên đem lại trị giá xuất khẩu lớn, đồng thời sử dụng được tối đa nguyên liệu và chống lãng phí nguyên liệu. Malaysia sẽ kiểm soát các hoạt động sản xuất, chế biến làm lãng phí nguyên liệu gỗ.
Chính sách đối với ngành công nghiệp gỗ này cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa kế hoach trồng rừng đã được khởi động từ năm 2006 nhằm đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất. Để thực hiện kế hoạch này, chính phủ Malaysia đã phân bổ 1,12 tỷ Ringgít cho Uỷ ban Công nghiệp gỗ Malaysia thông qua công ty phát triển trồng rừng (Forest Plantation Development Sdn.Bhd) giải ngân, đến nay đã có 14 chương trình được phê chuẩn với số tiền 232,5 triệu Ringgít để trồng 52.435 hec ta rừng so với mục tiêu 375.000 hec ta được đặt ra theo kế hoạch.
Về tương lai của công nghiệp gỗ, hiện tại đã có dầu hiệu các nước nhập khẩu gỗ như châu Âu, Nhật Bản giảm sử dụng gỗ, đặc biệt là sử dụng gỗ làm nhà. Gía các sản phẩm gỗ đầu nguồn như gỗ sẻ, gỗ ván sợi, gỗ dán đã giảm 30% đến 40% từ Quý IV năm 2008.
Malaysia hiện là nước xuất khẩu gỗ cây và gỗ xẻ nhiệt đới lớn nhất, đứng thứ nhì về xuất khẩu gỗ dán và thứ mười về xuất khẩu đồ gỗ. Năm 2008, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Malaysia đạt trị giá 22,5 tỷ Ringgít, đứng thứ năm về đống góp cho kim ngạch xuất khẩu (đạt 3,3%) chỉ sau đồ điện và điện tử (38,5%), dầu thô (6,8%), gas hoá lỏng (5,4%) và sản phẩm dầu mỏ (4,6%).
Ngành công nghiệp gỗ của Malaysia hiện đang sử dụng 300.000 lao động trong 1.202 nhà máy (trong đó có 1022 nhà máy xẻ gỗ, 180 nhà máy chế biến gỗ dán và sản phẩm phủ gỗ)./