Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính sách nào cho 300 nghìn người sắp thất nghiệp?
26 | 12 | 2008
Tác động của nền kinh tế suy thoái khiến Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng. Mặc dù chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực từ 1/1/2009 song những người thất nghiệp này sẽ không có cơ hội được hưởng.

Năm 2010 mới có người được hưởng chính sách BHTN

Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục việc làm cho biết: Theo quy định, từ 1/1/2010 mới có người lao động được hưởng BHTN bởi điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm. Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Đối với chế độ chuyển tiếp, thời gian người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương, tiền công tháng bắt đầu thực hiện từ 1/1/2009 sẽ không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức.

Thời gian người lao động thực tế làm việc theo các hợp đồng lao động mà không phải đóng BHTN thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định. Trong đó, căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động được tính bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, Chính phủ cũng đã nhận ra sự tác động này là nguy cơ khiến Việt Nam rơi vào tình cảnh hàng loạt người lao động sẽ mất việc làm. Song điều đáng nói là với quy định của Nghị định trên thì những người đáng lẽ đang cần sự hỗ trợ vì bị mất việc giờ sẽ không có cơ hội để được hưởng BHTN.

Theo tính toán của Viện Khoa học xã hội (Bộ LĐTB-XH), nếu GDP tăng 1% thì sẽ có 0,33 đến 0,34% lao động có việc làm. Cũng với cách tính trên, GDP của Việt Nam năm 2008 là 8,5% xuống còn khoảng 6,5% trong năm 2009 thì sẽ có khoảng 0,65% lao động mất việc làm. Hiện tại cả nước có khoảng 45 triệu lao động, nghĩa là khoảng 300 nghìn người có nguy cơ mất việc.

Ông Đồng nhận định: Tác động về thất nghiệp chủ yếu xảy ra ở khu vực chính thức với khoảng 9 triệu lao động đang làm việc, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Còn khu vực phi chính thức chủ yếu ở nông thôn thì chỉ bị giảm thời gian làm việc chứ không mất việc làm.

Giải pháp vẫn chung chung

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn, giờ lại phải thực hiện thêm nghĩa vụ đóng BHTN cho người lao động sẽ kéo theo một khoản chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp. Bởi vậy, doanh nghiệp cho rằng, chính sách ra đời trong thời điểm này là không hợp lý và vội vàng.

Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thanh Hòa cho rằng: “Các doanh nghiệp đều biết sự ra đời của chính sách này cách đây 1,5 năm, khi mà luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực. Vì thế không thể nói là vội vàng, cho dù thời điểm có hiệu lực rơi vào đúng bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn là điều không ai muốn”.

Khó khăn của nền kinh tế trong nước cũng đặt ra sự nghi ngờ về tính tự giác của các doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách mới này. Điều này càng có cơ sở khi mà vừa qua, đã có hàng loạt các doanh nghiệp ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM đã bị khởi kiện về việc “trốn” thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, để đảm bảo việc thực thi chính sách mới có hiệu quả, lãnh đạo Bộ LĐTB-XH cho biết, các cơ quan chức năng đang triển khai việc xây dựng các chế tài trên tinh thần nghiêm khắc cũng như sẽ thực hiện tăng cường công tác thanh kiểm tra.

Thực tế, để có được những biện pháp đúng đắn trong việc chống đỡ với tình trạng thất nghiệp sắp tới thì cần có những cuộc khảo sát đánh giá chi tiết, cụ thể về tình hình lao động hiện nay.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ LĐTB-XH cũng như các cơ quan chức năng đều chưa làm được, các giải pháp thì rất chung chung. Và hậu quả phải gánh chịu cho sự chung chung ấy không ai khác chính là những người lao động đã, đang và sẽ mất việc làm trong thời gian tới.



Nguồn: Dân trí
Báo cáo phân tích thị trường