Chiều 21.10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; phương hướng nhiệm vụ năm 2007 (kết hợp thảo luận việc thực hiện chương trình 134 về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; vấn đề di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; việc thực hiện Nghị quyết số 16 của Quốc hội về tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; việc tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống ma túy…).
Các ý kiến thảo luận vẫn tập trung chủ yếu vào các vấn đề lớn như chất lượng tăng trưởng GDP; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội; cải cách hành chính; chống tham nhũng, lãng phí…
Vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp nông thôn, chăm lo đời sống cho nông dân cũng được nhiều ĐB góp ý sôi nổi. Theo báo cáo của Chính phủ thì 9 tháng đầu năm 2006, giá trị tăng thêm của ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,4-3,5%. Sản lượng lương thực vẫn đạt khoảng 40 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời duy trì xuất khẩu gạo năm thứ 2 liên tiếp đạt trên trên 5 triệu tấn và đạt trên 1 tỷ USD… Tuy nhiên, đời sống nhân dân nhiều nơi ở nông thôn, nhất là miền núi vùng bị thiên tai còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ĐB Trương Văn Sáu thì giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp, thủy sản không cao. Theo báo cáo thì sản lượng xuất khẩu gạo, thủy sản tăng nhưng đời sống của nông dân rất thấp. Tại đồng bằng Sông Cửu Long nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trở thành con nợ do thua lỗ, bị tư thương ép giá.
ĐB Vi Đức Được (Lạng Sơn) chỉ rõ, đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình có con trong độ tuổi đi học nhưng không có đủ tiền để mua đủ một bộ sách giáo khoa. Trong những năm qua, Nhà nước ỡa quan tâm đầu tư rất lớn cho vùng cao, như đưa đường điện đến bản, vào đến nhà đồng bào… nhưng nhiều hộ chỉ dùng khoảng 3.000 đến 5.000 đồng/ tháng. Trong lúc đời sống của nhân dân vùng cao rất khó khăn thì tại nhiều thành phố lớn, những con số thất thoát, lãng phí là vô cùng lớn.
ĐB Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cho nông nghiệp- nông thôn. Cụ thể là đề nghị có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho chương trình cung cấp cây, con giống, thuốc bảo vệ thực vật; tăng đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi.
ĐB Trần Thị Kim Cúc (Tiền Giang) đề nghị Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu phát triển lương thực năm 2007. Theo ĐB Cúc thì nếu không có giải pháp về giống, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân thì hậu quả rất có thể xảy ra với những thiệt hại lớn.
ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt ngay bài ca "trồng cây gì, nuôi con gì"; dưới hỏi trên, trên lại hỏi dưới không có câu trả lời. Theo ĐB Trân thì phải có một người chỉ huy trưởng về vấn đề khai thông các vấn đề về giống cây trồng.
Nhiều ý kiến phát biểu tỏ ra lo ngại về thực trạng thu hồi diện tích đất nông nghiệp để phát triển ồ ạt các khu đô thị, khu công nghiệp… nông dân mất tư liệu sản xuất phải chuyển đổi nghề nghiệp nhưng không được quan tâm, chăm lo đến nơi đến chốn, đời sống gặp nhiều khó khăn, phân hóa giàu nghèo giữa cư dân đô thị và cư dân nông thôn ngày càng lớn.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có nhiều giải pháp hữu hiệu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân như tăng đầu tư từ ngân sách và đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn.
Tập trung nghiên cứu chọn tạo giống có chất lượng; phát trỉển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho người sản xuất và tăng giá trị sản phẩm.
Triển khai thực hiện tốt các quy định mới về đất đai; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất trồng lúa sang mục đích khác, chú trọng giải quyết đất ở, nhà ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiếu số tại chỗ…