Nơi bỏ hoang, nơi xây mới
Thống kê của ngành Công Thương 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cho thấy, đến đầu năm 2011, toàn vùng có 74 KCN đã được phê duyệt với diện tích 23.900ha. Hầu hết các KCN này đang trong tình trạng bỏ hoang nhưng nhiều địa phương vẫn lập quy hoạch phát triển thêm.
Tại Vĩnh Long, năm 2000, tỉnh này đã giải tỏa hơn 400 hộ dân cùng nhiều vườn cây ăn trái để lấy đất làm KCN Mỹ Thuận, xây Nhà máy bia Sài Gòn - Vĩnh Long (45ha) và Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao. Song dự án Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao đã phá sản, còn nhà máy bia thì mãi đến quý III/2009, chủ đầu tư mới làm lễ khởi công, sau đó bỏ đất trống cho đến nay. Dù vậy, năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Long vẫn tiếp tục xin xây thêm 5 KCN với tổng diện tích 1.900ha, tổng vốn đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng. Cuối tháng 3/2010, được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long đã khởi công xây dựng hạ tầng KCN Hòa Phú 2 rộng hơn 137ha thuộc xã Hòa Phú (Long Hồ). Tuy nhiên, đến nay đất để thực hiện dự án này vẫn còn là những đám ruộng xanh mượt.
Tương tự, tại Đồng Tháp, trong lúc KCN Trần Quốc Toản (TP. Cao Lãnh) còn nhiều đất bỏ hoang thì tỉnh này tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích KCN lên 2.730ha (trong đó xây mới 4 KCN với tổng diện tích 1.750ha). Tỉnh Bến Tre cũng đang quy hoạch xây dựng thêm KCN Phú Thuận (230ha), mở rộng KCN An Hiệp, thành lập 5 KCN mới. Tại Hậu Giang, đến tháng 5/2011, 2 KCN Sông Hậu - Tân Phú Thạnh (400ha) vẫn đang trống nhưng tỉnh này vẫn tiếp tục mở rộng KCN Sông Hậu giai đoạn 2 thêm 540ha. Trong khi đó, tại Long An, Tiền Giang, hàng ngàn hecta đất rừng phòng hộ ven biển Gò Công và sông Soài Rạp cũng được mạnh tay phá bỏ để làm KCN.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến các KCN tại ĐBSCL chưa phát huy hiệu quả là do vốn đầu tư quá cao, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện. Cụ thể, việc đầu tư hạ tầng ở đây rất tốn kém do nền đất yếu, khoảng 30% chi phí đầu tư đổ xuống dưới lòng đất mà không nhìn thấy. Nếu ở những vùng khác tốn 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng thì ở ĐBSCL phải tốn đến 13 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho rằng, không phải địa phương nào cũng có những thuận lợi như Bình Dương, Đồng Nai để phát triển công nghiệp. Thay vì chạy theo xu thế xây dựng KCN, các địa phương cần tìm cách tăng cường giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy - hải sản theo thế mạnh vốn có của mình. Lãnh đạo các địa phương, sở, ngành cần có cái nhìn đúng đắn về công nghệ cao là công nghệ tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Theo nghĩa này, một nhà máy chế biến thực phẩm cao cấp hay các nông trường áp dụng công nghệ sinh học hiện đại có thể trở thành những địa chỉ công nghệ cao đích thực.
Đói vốn làm dự án nông nghiệp
Tại “Hội nghị hợp tác kinh tế quốc tế vùng ĐBSCL 2011” được tổ chức mới đây, nhiều địa phương cho biết, hiện tại các dự án phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang bị bỏ ngỏ, chờ nhà đầu tư.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 11 dự án đầu tư nông nghiệp và phát triển thuỷ lợi nhưng chưa có dự án nào khởi công do thiếu vốn. Tương tự, ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang, mỗi tỉnh cũng đang quy hoạch hàng chục dự án nông nghiệp với tổng số vốn lên tới 2.000 tỷ đồng.
Theo TS. Chu Tiến Quang (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), sở dĩ các doanh nghiệp (DN), nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ít đầu tư vào nông nghiệp là do nông nghiệp có quá nhiều rủi ro về thời tiết, khí hậu; sản phẩm nông sản mang tính thời vụ cao, dễ hư hỏng. Các DN thường tốn kém nhiều vốn vào đào tạo chuyên môn cho lao động và đầu tư xây dựng thủy lợi nội đồng, đường liên thôn... nên hiệu quả kinh doanh giảm sút. Trong khi đó, các DN trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại không phải chịu những khoản đầu tư này.
Không chỉ DN nước ngoài mà các DN trong nước cũng ít mặn mà với các dự án phát triển nông nghiệp. Mười năm trước, khi Nhà máy sữa Vinamilk hoạt động tại KCN Trà Nóc (TP.Cần Thơ), phong trào nuôi bò sữa lan về các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều hộ nuôi bò sữa ở các địa phương này vấp phải khó khăn về nguồn thức ăn, vốn tái đàn, nông dân nuôi dăm ba con thì cụt vốn, nợ nần bê bết, còn HTX nuôi nấng quy mô hơn, tuy có hoạt động được một thời gian nhưng rồi... lỗ là chính. Và kể từ sau "cú sốc" bò sữa đó, cho tới nay, chẳng thấy bóng dáng DN nào nhảy vào lĩnh vực này.
Ở một thế mạnh khác của ĐBSCL là cá tra thì khoảng chục năm qua, chưa có dự án đầu tư nào xuôi chèo mát mái. Lúc thiếu nguyên liệu thì người nuôi cá om hàng, lật kèo DN. Lúc thừa nguyên liệu thì nhà máy chế biến quay mặt, chèn ép nông dân. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại khiến ngay cả những DN lớn cũng không dám “bao thầu”.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Thành Thông, Phó giám đốc Công ty Agifish (An Giang) cho biết, đơn vị hiện không hợp đồng đầu tư bao tiêu sản phẩm mà hợp đồng tiêu thụ theo thời giá thị trường, mua đứt bán đoạn. Nguyên nhân cũng chỉ vì chuyện phá vỡ hợp đồng vẫn thường xuyên xảy ra. Điều ông Thông lo ngại nhất chính là, bản thân DN rất khó chủ động dự tính được sản lượng để có kế hoạch sản xuất, bởi thấy giá cao thì nông dân xuống giống nhiều, năm sau lỗ thì lại nuôi ít, sản lượng lúc thừa, lúc thiếu nên cả DN và nông dân đều bị động.
Do vậy, theo ông Thông, không chỉ riêng cá tra, để nâng cao giá trị gia tăng của các loại nông sản chủ lực khác như lúa, tôm... của ĐBSCL, rất cần có bàn tay của Nhà nước trong vấn đề quy hoạch, chỉ đạo thực hiện quy hoạch. “Có quy hoạch nguyên liệu bền vững thì mới mong DN rót vốn đầu tư lâu dài”, ông Thông nhấn mạnh.
Theo Kinh tế nông thôn