Hiện tượng "trì - lạm" xuất hiện từ cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới đầu những năm 70 thế kỷ 20, khi nền kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa rơi vào tình trạng vừa trì trệ, vừa lạm phát do tác động của cuộc khủng hoảng dầu lửa, giá dầu thô tăng đột biến kéo theo nhiều hàng hóa khác. Chi phí sản xuất tăng cao, gây lạm phát do chi phí đẩy; trong khi đó sức mua giảm, sản xuất trì trệ. Ðể đối phó với tình hình này, các chính phủ tỏ ra Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hộilúng túng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách chi tiêu... để can thiệp vào thị trường nhằm sớm thoát khỏi tình trạng trên.
Thông thường, khi xảy ra lạm phát do tăng trưởng nóng, thì người ta sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu để kéo giảm tổng cầu; còn trong trường hợp nền kinh tế trì trệ, thường kèm theo tình trạng giảm phát hay thiểu phát (như nền kinh tế nước ta thời kỳ 1997-1999) thì sử dụng chính sách kích cầu, nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng công chi, kích thích tiêu dùng... để tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam từ quý III-2007 đến quý III-2008 lâm vào tình trạng lạm phát, nên từ cuối quý I-2008 Chính phủ đã áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu công và nhiều biện pháp khác để kiềm chế lạm phát. Nhưng từ quý IV-2008, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta lại chuyển nhanh sang tình trạng thiểu phát và suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế (quý I-2008 GDP tăng 7,4%, đến quý I-2009 chỉ còn tăng 3,1%) do sức mua trên thị trường giảm (bao gồm thị trường trong nước và xuất khẩu). Trước tình hình trên, tháng 12-2008, Chính phủ ban hành gói giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu tiêu dùng và đầu tư thông qua sự nới lỏng chính sách tiền tệ (hạ lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mở rộng tín dụng...) và tăng chi tiêu công (trợ cấp xã hội, mở rộng đầu tư công...). Ðây là "đơn thuốc" đúng và đang có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa xảy ra lạm phát của nền kinh tế nước ta là do cơ cấu kinh tế thiếu cạnh tranh, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao, lệ thuộc rất lớn giá cả thị trường thế giới... cho nên nguy cơ lạm phát luôn luôn "rình rập", khi có yếu tố xúc tác. Do đó, nếu không kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đang được đưa vào nền kinh tế theo cả hai kênh tín dụng - ngân hàng và ngân sách đúng mục tiêu; nếu thiếu thận trọng trong việc tăng giá cả các loại dịch vụ công và thiếu giải pháp hiệu quả ngăn chặn sự "lạc đường" của các nguồn vốn chảy vào đầu cơ thay vì đầu tư, thì nền kinh tế có nguy cơ tái lạm phát (nếu CPI năm 2009 tăng hơn 10% được xem là tái lạm phát, nếu so với CPI của năm tháng đầu năm 2009 chỉ tăng 2,12% so với tháng 12-2008). Trong trường hợp CPI năm 2009 tăng hơn 10%, mà GDP chỉ tăng khoảng 4 - 5%, thì có thể xem nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng "trì - lạm". Ðây là xu hướng cần phải tránh, vì hệ quả của nó không chỉ là "kê đơn" cho căn bệnh này sẽ khó hơn nhiều so với tình hình vừa qua, mà quan trọng hơn là để mất cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, tạo điều kiện cho sự phát triển cho thời kỳ "hậu khủng hoảng".
Mặc dù nền kinh tế nước ta đang nằm trong nhóm rất ít các quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế dương, nhưng vẫn là sự tăng trưởng rất thấp so với mức tăng trưởng tiềm năng, xét theo các tiêu chí sử dụng vốn, lao động, tài nguyên, năng lượng, v.v... và vẫn đang trong thời kỳ trì trệ. Các chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay là nhằm thúc đẩy nền kinh tế thoát nhanh ra khỏi tình trạng trì trệ, được áp dụng trong điều kiện nền kinh tế đang còn thiểu phát (tính theo chỉ số CPI từ tháng 10-2008 đến 5-2009). Do đó, nếu nền kinh tế không thoát ra được tình trạng trì trệ (GDP tăng dưới 5%), mà chỉ số CPI tăng cao trở lại (hơn 1%/tháng), thì đó là điều cần phải cảnh giác.