- Tháng 5/2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lại khá mạnh, ông nhận định thế nào về hiện tượng này?- CPI tháng 5/2009 tăng 0,44%. Mức tăng này so với 2 tháng trước là cao và đây cũng là tháng CPI tăng cao nhất từ cuối năm 2008 đến nay. Điều đó cho thấy, việc kích cầu của Chính phủ đã có tác dụng.
Việc kích cầu của Việt Nam chủ yếu là mở rộng chính sách tiền tệ và đẩy mạnh đầu tư. Tuy nhiên, xin nhắc lại, lạm phát cao mà chúng ta đối mặt trong năm 2008 chính là hệ quả của nới lỏng chính sách tiền tệ từ 2004-2007 mà cao nhất năm 2007.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng. Đó là tín hiệu nhắc nhở cần hết sức cảnh giác bên cạnh việc tập trung thực hiện các chính sách chống suy giảm kinh tế.
- Kinh tế nhiều nước được dự báo là sẽ tăng trưởng âm, còn nước ta, nhiều dự báo và sự điều chỉnh đang được bàn thảo ở Quốc hội cũng thống nhất tăng trưởng chỉ vào khoảng 5%, vậy theo ông đâu là cơ sở khiến CPI sẽ tiếp tục tăng lên?
- Việc kích cầu bằng gói thứ nhất 17.000 tỷ đã bắt đầu ngấm vào doanh nghiệp (DN). Các gói kích cầu khác như cho vay hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn bắt đầu triển khai, đầu tư công sẽ rất mạnh trong những tháng tiếp theo. Do chính sách có độ trễ nên lượng tiền tung ra cho nền kinh tế những tháng tiếp theo sẽ lớn hơn.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng cần phải tính đến là giá dầu thế giới đang tăng trở lại và sẽ kéo theo một loạt giá cả hàng hóa khác biến động theo. Mặt bằng giá thế giới đang thoát ra khỏi điểm thấp nhất và tăng trở lại.
Ở trong nước, Chính phủ tăng lương và từ tháng này bắt đầu chi trả lương mới; giá cả một số mặt hàng thiết yếu Nhà nước đã điều chỉnh tăng, giá xăng tăng liên tục; trên thị trường, giá cả nhiều mặt hàng có biểu hiện tăng nhất là hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm...
Tất cả những yếu tố đó sẽ cộng hưởng khiến cho từ nay đến cuối năm, giá cả sẽ theo chiều hướng tăng lên.
Có thể từ nay đến cuối năm. CPI sẽ dừng ở mức dưới 10% như Quốc hội điều chỉnh nhưng điều quan trọng là độ trễ sẽ rơi vào đầu năm sau. Nếu không kiểm soát tốt, CPI có thể lên 2 con số.
|
Giá lương thực, thực phẩm tăng đáng kể trong thời gian qua. Ảnh: VNN. |
- Ông nhấn mạnh về nguồn tiền kích cầu sẽ có thể là nguyên nhân khiến lạm phát tăng. Ngay từ bây giờ đã có thể nhận thấy điều đó ở những biểu hiện cụ thể nào?.
- Chính phủ đã đề ra 5 giải pháp chống suy giảm kinh tế. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là chính sách tài chính tiền tệ để kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào DN, người dân để chi tiêu và đầu tư. Đó chính là một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng khiến lạm phát quay trở lại.
Có ba nguyên nhân gây ra lạm phát là tổng cầu tăng, chí phí đẩy tức là chi phí đầu vào lớn và nguồn tiền trong lưu thông quá lớn. Hai nguyên nhân đầu hiện có thể không quá lo lắng nhưng nguyên nhân tiền tệ vẫn là rất lớn. Để khắc phục được điều này phải xử lý bài toán nguồn tiền từ đâu, khả năng trang trải thế nào. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung những biện pháp như, quản lý được mặt bằng giá cả, đối với mặt hàng định giá phải kiểm soát chi phí tốt, không tăng giá nếu không hợp lý, cân đối tăng lương sao cho có hiệu quả... (Phó giáo sư Ngô Trí Long) |
Lạm phát thường có nguyên nhân rất quan trọng là lượng tiền tệ trong lưu thông quá lớn, chính sách tiền tệ quá nới lỏng. Bài học nhỡn tiền của giai đoạn 2004-2007 mà hậu quả chúng ta đã trải qua trong năm 2008 là sự cảnh báo thiết thực cho năm 2010.
Ngay từ bây giờ, lạm phát không chỉ nhìn thấy qua biểu hiện giá tiêu dùng tháng 5/2009 tăng cao mà tăng trưởng tín dụng đã có biểu hiện tăng. Mức tăng tín dụng có thể lên nữa khi thực hiện hỗ trợ lãi suất qua vốn vay nhiều hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư công đang chờ giải ngân cũng là một khối lượng tiền lớn đổ vào lưu thông. Đồng thời, một trong những điểm đáng chú ý là thâm hụt ngân sách quốc gia chắc chắn sẽ tăng lên. Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng và bội chi ngân sách. Ở các nước nếu bộ chi ngân sách trên 5% là báo động đỏ nhưng Chính phủ đã đề nghị lên đến 8%. Đây là mức rất cao.
Ngân sách đã thâm thủng, chính sách tiền tệ đã nới lỏng để kích cầu nên nguy cơ lạm phát đang ở phía trước. Đây là sự cảnh báo đối với việc điều hành của Chính phủ vì điều này rất có khả năng thành hiện thực.
- Khi chúng ta chưa ra khỏi suy thoái kinh tế mà nguy cơ lạm phát cao đã hiển hiện thì điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?
- Tình thế của đất nước ta là vừa đối mặt lạm phát thì rơi vào suy thoái, giờ nếu chuyển sang tình thế chưa ra khỏi suy thoái mà đã lạm phát cao thi tất yếu gây ra khủng hoảng.
Khủng hoảng tức là chỉ số giá tăng trong khi tăng trưởng giảm. Điều này nguy hiểm hơn cả tình thế năm 2008 vì thời điểm đó dù tăng giá nhưng vẫn tăng trưởng khá, trên 6%. Nếu lạm phát cao mà tăng trưởng thấp là một điều nguy hiểm.
Trong xu thế kinh tế đang suy thoái mà lại có những dấu hiệu của lạm phát, nếu không điều hành tốt thì mầm mống của khủng hoảng sẽ lớn dần và đe dọa những thành quả của nền kinh tế.
Vì thế, biện pháp quan trọng lúc này phải kiểm tra, giám sát tốt nguồn tiền chi ra. Ngay từ bây giờ phải đánh giá xem hiệu quả của các gói kích cầu cụ thể thế nào.
Đầu tiên, gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD phải được tổng kết, đánh giá hiệu quả hay chưa. Cũng đã đủ thời gian để đánh giá bước đầu, không có đánh giá mà lại tiếp tục tung tiền ra là thiếu thận trọng.
Kích cầu muốn hiệu quả, quan trọng nhất là việc tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá. Biện pháp kích thích kinh tế nào cũng phải kiểm tra, giám sát. Đừng để đến lúc mọi việc đã đi quá thì chẳng khác nào như cái "nhíp" bị gãy, nó sẽ làm nguy hiểm cho cả cỗ máy.