Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ăn xổi ở thì?
15 | 05 | 2008
Khoan nói đến chuyện đúng sai của tổ chức EIA (Environmental Ivestigation Agency)- một tổ chức môi trường có trụ sở ở Anh phối hợp với Telapak, một tổ chức phi chính phủ của Indonesia, cáo buộc DN xuất khẩu gỗ Việt Nam nhập gỗ lậu từ Lào, nhưng DN trong ngành gỗ không khỏi giật mình khi mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra gần 1 tỷ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu gỗ cả năm 2007 chỉ tròm trèm 2,4 tỷ USD.
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam phát triển theo hướng nào trong tương lai? Nhiều DN hội viên đã đặt câu hỏi như vậy đối với Hiệp hội chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam. Có lẽ ai cũng biết, ngành chế biến gỗ sẽ không còn lợi thế về nhân công giá rẻ, nguồn nguyên liệu chế biến cũng ngày càng khan hiếm, đối thủ cạnh tranh cũng nhiều hơn.

Lối ra nào cho gỗ xuất khẩu Việt Nam, khi mà hầu hết các DN còn lệ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài? Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện 80% nguyên liệu gỗ cho chế biến xuất khẩu của Việt Nam, ước khoảng 3 triệu m3 mỗi năm, được nhập khẩu với giá cao do chi phí vận chuyển tăng cao, trong khi nguyên liệu gỗ chiếm tới 60% giá thành của đồ gỗ, khiến hơn 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam gần như phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Nguyên liệu chế biến gỗ không chỉ khan hiếm mà còn tăng giá mạnh trong thời gian qua. Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2008, kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu đạt 183,7 triệu USD, tăng 83% so với cùng kỳ 2007. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, từ đầu năm 2008 đến nay, nguồn nguyên liệu gỗ, nhất là các loại nguyên liêïu chế biến đồ gỗ nội thất như tràm, cao su vẫn thiếu hụt nên giá cả có xu hướng tăng mạnh. Giá gỗ tràm từ các rừng trồng loại có đường kính từ 20 cm trở lên đã tăng lên 1,7- 2 triệu đồng/m3, tăng 400.000 đồng so với cách đây 1 năm. Do nhu cầu gỗ nguyên liệu lớn nên ngay từ tháng đầu của năm 2008, gỗ nguyên liệu nhập khẩu các loại đã tăng đáng kể.

Dự kiến, năm 2008, để đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, ngành gỗ sẽ phải bỏ ra 1,2- 1,4 tỷ USD để nhập khẩu trên 6 triệu m3 gỗ, chưa kể các chi phí vật tư khác."Chúng ta đang phát triển ngành chế biến gỗ xuất khẩu theo kiểu ăn xổi ở thì"- một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn của TP.HCM phải thừa nhận như vậy. Vị doanh nghiệp này tự trào rằng: "Không biết bao giờ chúng ta mới thoát khỏi nạn nhập khẩu nguyên liệu". Giải pháp rõ ràng là phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu, phải trồng rừng. Tuy nhiên, vị doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam có 3/4 diện tích là rừng, hiện Nhà nước chỉ quy hoạch các khu công nghiệp, nhưng không ai quy hoạch chiến lược trồng rừng, vùng, cụm trồng rừng cho doanh nghiệp. Thực tế, ở Indonesia, sau 7 năm trồng rừng, các DN đã thu hoạch và khai thác được. Tương tự, Malaixia đã bắt đầu trồng rừng, quốc gia này trồng rừng keo và bán độc quyền cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thái Lan cũng phủ kín các đồi trọc với chiến lược trồng cao su.

Việt Nam cũng có kế hoạch trồng rừng. Chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006- 2020 đặt mục tiêu phát triển 825.000 ha rừng nguyên liệu với sự kết hợp giữa các loại cây có chu kỳ kinh doanh ngắn 7- 10 năm và chu kỳ kinh doanh dài từ 15 năm trở lên cho ngành gỗ. Tuy nhiên, giám đốc một DN xuất khẩu gỗ nói: Nhà nước chỉ chủ yếu giao đất cho các nông trường trồng rừng, những DN tư nhân trong nước với số vốn nhỏ dù có muốn cũng không chờ đến khi rừng… cho gỗ, với thời hạn 10- 20 năm. DN không đủ thời gian, chi phí cho chiến lược dài hơi này, nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Dù cho có thực hiện được mục tiêu đó, sản lượng gỗ dự kiến cho khai thác để phục vụ ngành gỗ vào năm 2020 sẽ đạt 20 triệu m3/năm (trong đó có 10 triệu m3 gỗ lớn), chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Theo tính toán còn phải chờ ít nhất 10 năm nữa, nước ta mới hy vọng chủ động được một phần nguyên liệu khi các khu rừng trồng gỗ lớn do các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cho khai thác. Còn trong tương lai gần, không có cách nào khác là phải tiếp tục nhập khẩu gỗ nguyên liệu và phải chịu áp lực từ những "đại gia" gỗ nước ngoài!




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường