Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi cá da trơn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Doanh nghiệp có ép giá?
29 | 04 | 2008
Tình trạng người nuôi cá bị lỗ nặng, không còn vốn để nuôi tiếp, còn nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu sản xuất, diễn ra từ nhiều năm nay đối với người nuôi và các doanh nghiệp chế biến cá da trơn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Người nuôi cá “tự bơi”...

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá cá tra, cá basa (cá da trơn) nguyên liệu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trồi sụt thất thường. Trung tuần tháng 3, giá cá tra từ 13.000 đến 13.300 đồng/kg, thấp hơn giá thành khoảng 1.400 đồng/kg. Giá cá giảm, cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người nuôi cá bị lỗ, phải bán đổ, bán tháo để tránh bị thua lỗ nhiều hơn. Hiện nay cá da trơn đang được các nhà máy thu mua với giá từ 14.000 đến 15.200 đồng/kg. Với giá này, người nuôi cá đã có lời. Thế nhưng có một nghịch lý là, khi giá lên, người nuôi lại không còn cá bán. Các doanh nghiệp chế biến cá xuất khẩu rơi vào tình thế thiếu nguyên liệu.

Nuôi và chế biến cá da trơn được coi là thế mạnh của các tỉnh ĐBSCL. Thời gian qua, nhờ áp dụng những quy trình kỹ thuật tiên tiến vào quy trình nuôi cá da trơn thâm canh trong ao, hầm, nên sản lượng cá da trơn ở các tỉnh ĐBSCL ngày càng tăng nhanh. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các tỉnh ĐBSCL hiện có gần 4.000ha nuôi cá da trơn với sản lượng gần một triệu tấn cá nguyên liệu/năm. Từ đầu năm 2008 đến nay, cùng với biến động của thị trường, giá đồng USD giảm, các doanh nghiệp thu mua cá chế biến xuất khẩu đã hạ giá thu mua cá nguyên liệu, khiến người nuôi cá bị lỗ nặng.

Những ngày này, xuống các vùng nuôi cá da trơn nổi tiếng ở các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp…, đi đến đâu chúng tôi cũng được nghe những tiếng thở dài ngao ngán của người nuôi cá. Anh Dương Long, chủ hầm nuôi cá tra rộng hơn 2ha ở xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang nói với chúng tôi: Vụ cá trước, với hơn 2ha mặt nước, thu được gần 300 tấn cá, với giá bán 17.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, anh còn lời gần một tỷ đồng. Vụ cá này, do giá thức ăn, lãi suất tiền vay, giá xăng, dầu tăng cao, trung tuần tháng 3 vừa qua, tôi đã phải bán để chạy lỗ. Tính sơ sơ, lỗ gần hai trăm triệu đồng. Ông Huỳnh Phương, chủ hầm nuôi cá da trơn ở Cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ thì bức xúc: “Khi giá cá lên, các doanh nghiệp chế biến tranh nhau mua. Còn hiện nay, giá cá thấp, các doanh nghiệp thu mua cầm chừng. Chỉ có người nuôi là chịu thiệt”.


Theo chúng tôi, sở dĩ có hiện tượng này là do giữa người nuôi và các doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Khi giá cá lên, người nuôi đua nhau đào hầm nuôi cá. Khi giá cá xuống thấp, người nuôi không còn mặn mà với nghề. Còn khi thị trường biến động, các doanh nghiệp quay lại ép giá người nuôi, đẩy họ vào thế bí.

Hai “nhà” phải cùng liên kết

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sản lượng cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân hằng năm từ 20 đến 30%, nhưng mức tăng này không ổn định. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sở dĩ có tình trạng này là do giữa các doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá da trơn thiếu sự gắn kết chặt chẽ. Các doanh nghiệp muốn chủ động nguồn nguyên liệu cần liên kết chặt chẽ với các hộ nuôi cá xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Cần cung cấp thông tin, hướng dẫn người nuôi cá áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản, ngoài việc đầu tư các dây chuyền chế biến hiện đại đã chủ động đầu tư xây dựng ao, hầm, tự nuôi cá phục vụ cho chế biến, hoặc liên kết với các chủ ao nuôi. Ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Cửu Long-Thái Sơn (An Giang) cho biết: công ty vừa đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng thêm một nhà máy chế biến mới với giai đoạn 1, công suất 400 tấn cá nguyên liệu/ngày, UBND tỉnh An Giang giao cho Công ty hơn 400ha đất ở huyện Châu Phú và An Phú để đầu tư vùng nuôi cá nguyên liệu sạch. Nhiều doanh nghiệp chế biến cá da trơn ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ cũng đã thực hiện theo hướng này để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Trong tình hình hiện nay, sự liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản và các hộ nuôi cá da trơn ở ĐBSCL là hết sức cần thiết.

Để nghề nuôi cá da trơn ở ĐBSCL phát triển bền vững, theo chúng tôi, nhất thiết phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với người nuôi cá. Nhà nước cần có chính sách cho vay ưu đãi hỗ trợ người nuôi cá; xây dựng giá sàn nguyên liệu cá da trơn, tránh tình trạng doanh nghiệp “ép” giá người nuôi, đồng thời có biện pháp quản lý và chế tài đối với các doanh nghiệp chào bán cá theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, vừa bảo vệ được quyền lợi của các doanh nghiệp chế biến, vừa bảo đảm quyền lợi cho người nuôi cá, tạo điều kiện cho nghề nuôi và chế biến cá da trơn phát triển bền vững.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường