Dự thảo này cho phép cơ quan kiểm tra về chất lượng sản phẩm công khai vi phạm của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi bị công khai mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính, tịch thu, tiêu hủy sản phẩm, đình chỉ sản xuất, kinh doanh.
Bà Helle Weeke - cố vấn pháp luật của dự án Star tỏ vẻ lo ngại. Theo bà, biện pháp “đóng cửa” doanh nghiệp là quá mạnh tay và rất nghiêm trọng, “nên chăng buộc doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động một thời gian?”. Đồng thời, bà cũng đề nghị làm rõ tiêu chí thế nào là vi phạm nhiều lần để có thể xử nghiêm hơn.
Bà Helle Weeke cũng đề nghị làm rõ việc ai phải trả phí đánh giá sự phù hợp về chất lượng của sản phẩm xuất khẩu. Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện kiểm tra tiêu chuẩn sản phẩm xem có phù hợp với tiêu chuẩn nước ngoài. Thông thường, khi doanh nghiệp Mỹ đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam thì doanh nghiệp Mỹ phải tuân thủ luật của Mỹ về chất lượng. Do đó, cần cân nhắc lại việc “đá” gánh nặng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo cơ chế khiếu nại, khi người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng sản phẩm mà kết quả giải quyết cho thấy doanh nghiệp có lỗi thì doanh nghiệp trả tiền xét nghiệm mẫu. Nếu doanh nghiệp không có lỗi thì người tiêu dùng tự chịu chi phí xét nghiệm. Hiện nay, trung bình một mẫu xét nghiệm mất khoảng một triệu đồng - có khi gấp 100 lần giá sản phẩm.
Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết nhiều người muốn kiện nhưng phải bỏ cuộc. Hội cho rằng đối với nhóm hàng hóa thông thường thì cứ theo quy định lâu nay nhưng với nhóm hàng có độ rủi ro cao, nguy hiểm, dễ gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng thì nên quy định doanh nghiệp trả phí xét nghiệm dù doanh nghiệp đúng hay sai...