Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp: Đụng đâu cũng... mắc
17 | 06 | 2010
Trong khi việc sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả ngày càng gia tăng thì vẫn có hàng trăm vụ vi phạm kinh doanh phân bón kém chất lượng "đều đều" diễn ra khi vụ hè thu bắt đầu.

Đến hẹn lại lên, hôm qua 16.6 Bộ NNPTNT tổ chức rà soát lại công tác quản lý các loại vật tư nông nghiệp (VTNN), song xem ra càng gỡ khó thì thực tế càng rối như tơ vò.

Hàng giả "điếc không sợ súng"

Thời điểm vào vụ hè thu cũng là lúc tình trạng mua bán vật tư nông nghiệp tấp nập hơn. Vụ đông xuân vừa qua, Cục Trồng trọt tiến hành kiểm tra hơn 720 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phát hiện 14 tổ chức, cá nhân vi phạm về điều kiện sản xuất, phạt vi cảnh đối với 24 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính theo quy định với số tiền gần 80 triệu đồng. Số mẫu phân bón kém chất lượng chiếm 50%.
 
Theo Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc, không đơn thuần gian lận chất lượng, các cơ sở còn vi phạm về điều kiện sản xuất, nhãn mác. Bản thân ông Ngọc thừa nhận việc phát hiện vi phạm chỉ như muối bỏ bể. “Mấu chốt của vấn đề là ngành nông nghiệp thiếu hẳn lực lượng thanh tra chuyên ngành, chưa kể số lượng thanh tra các tỉnh rất mỏng. Đơn cử như Đắc Lắc mỗi năm tiêu thụ 800.000 tấn phân bón trong khi thanh tra sở chỉ có 5 người” – ông Ngọc cho hay.

Đối với mặt hàng thuốc BVTV, tình trạng lưu hành sản phẩm không rõ xuất xứ nguồn gốc và đặc biệt vượt quá ngưỡng dư lượng cho phép vẫn ngang nhiên diễn ra. Sáu tháng đầu năm, Cục BVTV phát hiện 9 cơ sở buôn bán thuốc giả tại An Giang, song chỉ có 1 cơ sở bị xử lý hình sự, số còn lại xử phạt hành chính với mức phạt “bèo bọt” là 15 triệu đồng/vụ.

Cơ quan này khẳng định, tỉ lệ mẫu vi phạm chỉ chiếm từ 1 – 2% tổng số mẫu lấy, đối với mẫu thuốc BVTV lấy khi lưu thông trên thị trường thì tỉ lệ này chiếm 6 – 7%. Tình trạng buôn bán thuốc BVTV giả càng gia tăng những tháng bắt đầu mùa vụ. Cục BVTV cũng kêu khó là do lực lượng thanh tra hạn chế cả về chất lượng và số lượng, việc rà soát và quản lý danh mục với hơn 1.000 danh mục thuốc BVTV cho phép lưu hành cũng là điều khó quản lý.

Lập hồ sơ "đen" doanh nghiệp?

Ngoài phân bón, giống cây trồng hay thuốc BVTV, hầu hết các sản phẩm VTNN khác như giống thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... đều gặp lúng túng trong quản lý chất lượng.

Thực tế là hàng giả vẫn tồn tại và người chịu thiệt luôn là bà con nông dân. Quản lý liên tục để “lọt lưới” đã đành, nay khâu xử lý sau vi phạm còn nan giải hơn khi đồng loạt các ngành đều “kêu” thiếu tiền, thiếu cơ sở vật chất: Kiểm định mẫu VTNN cũng phải cần kinh phí, thậm chí kinh phí cao, xử lý sản phẩm giả, kém chất lượng cũng phải “dính” đến tiền tiêu hủy, sân bãi...
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát tỏ ra bức xúc: “Những khó khăn trên không phải là mới, yếu kém cũng chưa thấy được chuyển biến. Chính chúng ta và hàng triệu người dân đang bị đầu độc khi chất lượng nông sản không được đảm bảo. Đã đến lúc không thể năm nào cũng nói suông rồi để đấy được!”.

Trước tình hình trên, bộ trưởng quyết liệt yêu cầu trong vòng 2 tháng tới các cục liên quan phải tiến hành lập hồ sơ tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN trên cả nước, dựa theo hồ sơ này để đi thanh, kiểm tra. Kết quả kiểm tra sẽ lọc ra danh sách những DN có số lần vi phạm nhiều nhất, sản phẩm VTNN vi phạm nhiều lần sẽ dựa vào đó để có phương án đình chỉ công tác và cấm lưu hành sản phẩm trên thị trường.

Về việc thiếu thanh tra chuyên ngành, bộ trưởng yêu cầu thanh tra bộ rà soát lại toàn bộ hệ thống thanh tra từng địa phương, từ đó đề xuất kế hoạch tăng cường lực lượng, bổ sung những tỉnh còn thiếu. Các hệ thống văn bản pháp luật cũng như hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn các sản phẩm VTNN cũng được quy rõ hạn mức hàm lượng cho phép, phương pháp xét nghiệm hợp lý...



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường