Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo động tình hình an toàn vệ sinh lao động ở nông thôn
26 | 09 | 2007
Rõ ràng tình trạng mất vệ sinh an toàn lao động ở nông thôn hiện nay đang trở thành một thực tế báo động. Làm thế nào để có thể kiểm soát được tình hình? Thiết nghĩ, đây là câu hỏi không chỉ của giới khoa học, các nhà quản lý, mà còn là câu hỏi cấp thiết đối với mỗi người dân hiện nay…

Hiện nay, tình trạng môi trường vệ sinh lao động nông thôn bị ô nhiễm, độc hại đang là vấn đề rất bức xúc. Môi trường nước, không khí chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV). Người dân sau khi phun thuốc, các dụng cụ pha chế, thậm chí, cả nửa bình phun còn thừa, đều đổ cả ra ao hồ đồng ruộng, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước và các động - thực vật thủy sinh khác. Hiện nay, cơ sở hạ tầng để bảo quản các TBVTV ở nông thôn còn thiếu và yếu. Chẳng hạn, ở Hậu Giang, có tới 90% số cửa hàng buôn bán TBVTV không có kho chuyên dụng mà chủ yếu được trưng bày, cất giữ, bày bán ngay tại nơi sinh hoạt của gia đình. 100% số nông dân được hỏi đều trả lời rằng, họ đã vứt bao bì đựng TBVTV sau khi sử dụng ngay ra bờ ruộng, đường đi. Họ xem đó là một loại rác thải như bao loại rác thải thông thường khác mà không lường hết được tính chất độc hại nguy hiểm với môi trường của nó.

Môi trường độc hại, ô nhiễm ảnh hưởng trước tiên đến sức khỏe của người nông dân. Qua kiểm tra sức khoẻ, có tới 30,2% số người lao động bị mắc các bệnh về da, trên 32% mắc các bệnh về đường hô hấp, 10% bị mắc các chứng do ô nhiễm tiếng ồn, còn lại là các bệnh về xương, khớp, đường ruột, mắt... Với tốc độ phát triển nông nghiệp như hiện nay, số lượng người lao động nông thôn bị ảnh hưởng sức khỏe bởi hóa chất cũng tăng lên đáng kể. Theo thống kê chưa đầy đủ, cứ 100.000 lao động nông thôn thì có 1.710 người bị ảnh hưởng về sức khoẻ do sử dụng TBVTV. Song điều đáng lưu ý là những con số của các tổ chức và các cơ quan khoa học nêu ra về tình trạng mất vệ sinh an toàn lao động chỉ là bề nổi, chúng ta không nên căn cứ duy nhất vào đó để hoạch định các chính sách an toàn lao động cho người dân.

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng đó? Trước hết là vì các máy móc phục vụ nông nghiệp phần lớn đã cũ kỹ, lại của nhiều nước khác nhau (Trung Quốc, Nhật, Liên Xô...), chiếm khoảng 50% tổng số phương tiện kỹ thuật. Các máy tự chế tạo không qua đăng kiểm chiếm 10%. Song nguyên nhân căn bản nhất là nhân tố con người. Người lao động sử dụng các loại máy móc trên hầu như không trang bị bảo hộ lao động cho mình. Cộng thêm vào đó là sự thiếu ý thức, thiếu tự giác, thiếu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của từng cá nhân. Lối làm ăn tư duy manh mún, tản mạn, mạnh ai nấy làm vốn dĩ là một tâm lý tiểu nông cố hữu cũng góp phần quan trọng làm nên tình trạng tai nạn và mất vệ sinh lao động nông thôn hiện nay. Ví như chuyện dùng điện làm hàng rào chống trộm, ngăn chuột không phá mạ, hay để bắt cá đã gây nên không ít cái chết oan uổng thương tâm ở nông thôn. Tất cả là do sự kém hiểu biết, dân trí thấp, không tuân thủ các nguyên tắc về vệ sinh an toàn lao động.

Bức tranh toàn cảnh về thực trạng vệ sinh lao động ở nông thôn hiện nay cũng phản ánh một nghịch lý là: Trong khi quá trình ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng rộng rãi thì công tác tuyên truyền phổ biến các qui định, qui phạm an toàn vệ sinh lao động nông thôn đến với người dân lại chưa được các cơ quan quản lý quan tâm đúng mức. Số liệu thực tế cho thấy, có 68% nông dân không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi tiếp xúc với các hóa chất thực vật; 90% người lao động không nắm được cách thức sử dụng máy móc nông nghiệp, 28% không hiểu biết về sử dụng điện.

Rõ ràng tình trạng mất vệ sinh an toàn lao động ở nông thôn hiện nay đang trở thành một thực tế báo động. Làm thế nào để có thể kiểm soát được tình hình? Thiết nghĩ, đây là câu hỏi không chỉ của giới khoa học, các nhà quản lý, mà còn là câu hỏi cấp thiết đối với mỗi người dân hiện nay. Tuy nhiên, để trả lời nó không phải ngày một ngày hai mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và quan trọng là sự phối hợp tích cực của mỗi người dân vì lợi ích của cả cộng đồng. Con người luôn là trung tâm của sự phát triển, chúng ta không nên vì những lợi ích trước mắt mà quên đi nhân tố con người. Máy móc, kỹ thuật do con người tạo ra là để phục vụ tốt hơn các nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Song ngược lại, nó cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta nếu chúng ta không tự ý thức được những việc mình làm./.



Theo VOV
Báo cáo phân tích thị trường