Chi mạnh nhưng không giữ được người giỏi
Cùng với sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng DN ra đời ở VN không ngừng tăng lên. Nếu năm 1990, cả nước chỉ có khoảng 3.000 DN thì đến nay, con số này đã là 16.000. Nhiều DN ý thức được vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao nên đã không tiếc tiền để tuyển mộ nhân tài. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều DN của VN sẵn sàng chi nhiều tiền tuyển người giỏi nhưng lại không giữ chân được họ.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo bà Cao Thị Vân Anh, chuyên viên tư vấn AITC, là do các DN trên, nhất là những DN mới thành lập, thiếu một định hướng kinh doanh rõ ràng và ổn định. Các nhân viên vì thế cảm thấy bối rối, hoang mang mỗi khi Cty chuyển hướng mục tiêu theo những biến động của thị trường kéo theo thay đổi về nhân sự. Bên cạnh đó, giữa năng lực của người lao động và yêu cầu của DN luôn tồn tại khoảng cách trong khi không nhiều công ty chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.
Vì vậy, nhiều người có tâm trạng băn khoăn, lo lắng mỗi khi được bổ nhiệm vào một vị trí nào đó. "Các DN cần phải xác định cho mình mục tiêu hết sức rõ ràng và ổn định, như vậy mới có thể bố trí nhân sự một cách thích hợp, giữ chân người giỏi và tạo sự hợp tác làm việc trong đội ngũ nhân viên", bà Vân Anh khẳng định.
Bên cạnh việc xác định mục tiêu, các DN cần lưu tâm hơn nữa đến chính sách khen thưởng, động viên người lao động. Theo bà Vân Anh, việc khen thưởng nên được tiến hành ngẫu nhiên căn cứ theo thành tích lao động của nhân viên, hướng dần vào việc tôn vinh các cá nhân thay cho tuyên dương tập thể một cách chung chung. Lãnh đạo DN không chỉ chúc mừng thành quả mà cần có những hình thức khích lệ, động viên những tiến bộ mà nhân viên đạt được.
Quan tâm đến những nhân viên hạng B
Nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hút và giữ chân nhân tài, những nhân sự hạng A, TS R.Palan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SMR cho rằng không được quên những nhân viên loại B, chiếm đa số trong DN. "Với cương vị một Tổng Giám đốc, tôi hiểu và đánh giá cao những người hạng B của mình", ông nói.
Theo TS Palan, những nhân viên hạng B là lực lượng lao động chính của mỗi công ty; họ không kém thông minh hơn so với những người hạng A nhưng có thể ít tham vọng hơn và không cần được mọi người chú ý đến mình. Vì thế cần tạo điều kiện và khuyến khích các nhân viên hạng B phát triển. Chủ DN cần quan tâm, động viên tới từng cá nhân, không ngừng đào tạo, tin tưởng trao cho họ trọng trách để từng nhân viên hạng B có thể phát huy hết năng lực bản thân.
Điều quan trọng là người chủ cần thể hiện cho các nhân viên hạng B thấy rằng DN thực sự cần họ. TS Palan khẳng định: Trong bối cảnh khủng hoảng nhân sự đang diễn ra ở khắp nơi, một trong những biện pháp giải quyết hiệu quả nhất là đào tạo và sử dụng hợp lý những nhân viên hạng B. "Các Cty cần phải có những người tốt nhất nhưng không được quên phần còn lại", TS.Palan khẳng định.