Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
WTO tác động đến các lĩnh vực nhạy cảm của thị trường trong nước
10 | 09 | 2007
Vào thời điểm QH chuẩn bị phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO, GS -TSKH Nguyễn Ngọc Trân đã có nhiều nghiên cứu để đóng góp vào việc thẩm tra của QH đối với vấn đề nêu trên.

Hàng hóa có liên quan đến sở hữu trí tuệ sẽ tăng giá

Sau khi Việt Nam (VN) vào WTO, thị trường hàng hóa sẽ phong phú hơn, đa dạng hơn. Sự lựa chọn của người tiêu dùng sẽ rộng hơn và giá cả sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng sẽ phải trả giá cao hơn đối với một số mặt hàng, nhất là những mặt hàng có liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Đối với nhà sản xuất, sự cạnh tranh sẽ gay gắt và quyết liệt, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ nông nghiệp nhỏ và bà con nông dân nghèo.

Mặt khác, sẽ vướng không ít vào tranh chấp thương mại với các nước đối tác, nhất là trong 12 năm, nền kinh tế VN còn bị coi là phi thị trường, dễ bị các nước đối tác tận dụng để áp đặt biện pháp chống bán phá giá và các biện pháp tự vệ đặc biệt cũng như tự vệ đối với từng hàng hoá.

Muốn tồn tại trên thị trường, trước tiên phải nâng cao sức cạnh tranh. Cạnh tranh trong WTO bao hàm việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, mà việc tuân thủ này đòi hỏi không ít đầu tư về máy móc, công nghệ và quản lý.

Thị trường dịch vụ cũng sẽ sôi động hơn, thuận tiện hơn cho người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, các cửa hiệu buôn bán lẻ, các siêu thị VN vừa ra đời mấy năm trở lại đây sẽ phải đương đầu với các hệ thống siêu thị giàu hơn về vốn, có kinh nghiệm kinh doanh lão luyện hơn.

Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ dồi dào

Thị trường vốn sẽ dồi dào hơn, như đã thể hiện bước đầu qua số lượng vốn FDI vào VN năm 2006. Vấn đề là VN đã cam kết tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIMS ngay từ khi gia nhập WTO.

Chúng ta sẽ không có quyền yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng một tỷ lệ đầu vào trong nước, cũng không được yêu cầu một tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm, v.v...

Điều cốt tử cho sự phát triển của đất nước là dòng vốn đầu tư gián tiếp được đầu tư thực sự và có hiệu quả, không bị đầu cơ, không tạo ra những “bong bóng” có thể nổ tung vào một lúc nào đó và dòng vốn lại rút đi, như hai cuộc khủng hoảng trong thập niên vừa qua, tại Thái Lan và Argentina.

Thị trường tiền tệ rất gắn với thị trường vốn và dịch vụ tài chính. Thị trường này sẽ sôi động lên nhiều, hiện nay các ngân hàng lớn của nước ngoài đã đặt chân vào VN thông qua phần vốn đã mua trong một số ngân hàng thương mại của nước ta.

Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ dồi dào, và do cạnh tranh, lãi suất sẽ có lợi hơn cho người vay. Tuy nhiên các doanh nghiệp VN cung ứng các dịch vụ tài chính đứng trước những thách thức rất gay gắt.

Công nghệ nguồn không dễ thành “tài sản của Việt Nam”

Trên thị trường công nghệ, với nguồn vốn FDI, công nghệ nguồn và công nghệ tiên tiến sẽ vào VN nhiều hơn. Tuy nhiên, để các công nghệ này trở thành “tài sản của VN” còn là một bước dài do những quy định của Hiệp định TRIMS (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị ràng buộc phải chuyển giao công nghệ) và của Hiệp định TRIPS (phải trả giá bản quyền sở hữu trí tuệ).

Mặt khác, trong thị trường này, Nhà nước phải “gác cổng”, có biện pháp không để tuồn vào các công nghệ lỗi thời, ô nhiễm, biến VN thành một “bãi rác công nghệ”.

Trên thị trường lao động, một mặt FDI sẽ có nhu cầu nhiều lao động có tay nghề và chuyên viên kỹ thuật. Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu bị phá sản, sẽ dẫn đến nhiều nguời lao động bị thất nghiệp.

Việc di dân từ nông thôn ra thành thị hầu như không thể tránh khỏi, do công nghiệp hóa nông nghiệp, do chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, và do chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị.

Sự di dân này nếu không được dự báo và có giải pháp thích hợp sẽ có thể dẫn đến nhiều tệ nạn và mất ổn định xã hội. Dự báo, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn là những biện pháp cơ bản...



(Theo Bao Thuong mai)
Báo cáo phân tích thị trường