Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cánh cửa WTO đã mở rộng đối với Việt Nam
14 | 08 | 2007
Vòng đàm phán đa phương thứ 14 về việc Việt Nam gia nhập WTO khép lại ngày 13/10 tại Giơnevơ đã mở rộng hơn nữa cánh cửa của tổ chức thương mại toàn cầu này đối với Việt Nam. Nhiệm vụ hiện nay là hai bên phải giải quyết các vấn đề còn lại trước khi họp phiên cuối cùng vào cuối tháng 10 này, để đến đầu tháng 11 tới “có thể mỉm cười được” như lời Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ. Đó là thời điểm diễn ra phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng WTO, tại đó sẽ xem xét chấp nhận việc gia nhập của Việt Nam.

Như vậy, quá trình đàm phán của Việt Nam đã đi đến chặng cuối cùng với việc kết thúc 14 phiên đàm phán đa phương và đạt được thoả thuận với 28 thành viên WTO có yêu cầu đàm phán song phương.

 

Chính thức nộp đơn xin gia nhập WTO từ năm 1995, Việt Nam đã trải qua một quá trình nỗ lực chuẩn bị tích cực cả về nội dung và kỹ thuật để đáp ứng các nhu cầu của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO và đặc biệt là của các thành viên có yêu cầu đàm phán.

Theo Thứ trưởng Lương Văn Tự, trong các cuộc gặp gỡ với đoàn Việt Nam, nhìn chung các nước đối tác đều công nhận Quốc hội Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc sửa đổi hệ thống pháp luật phù hợp với cải cách hành chính, phù hợp với quá trình đổi mới nền kinh tế và các thông lệ quốc tế. 

 

Bên cạnh việc chỉnh sửa các văn bản luật hiện hành cho phù hợp với quy định của WTO, đến nay, Việt Nam đã ban hành được hơn 20 luật và pháp lệnh mới theo yêu cầu của tiến trình gia nhập tổ chức này và được các đối tác quốc tế rất hoan nghênh như Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật cạnh tranh….

 

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đầu tiên khi gia nhập WTO không chỉ xây dựng chương trình pháp luật mà còn sửa toàn bộ hệ thống pháp luật cho phù hợp với các điều luật và quy định của tổ chức này.

 

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển từng nhấn mạnh rằng, mặc dù là nước đang phát triển ở trình độ thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi nhưng nhiều cam kết của Việt Nam đã cao hơn những cam kết của các thành viên WTO có cùng trình độ phát triển. Ngay cả vấn đề nhạy cảm nhất trong vòng Doha là bỏ trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản, Việt Nam cũng đã cam kết bỏ ngay sau khi gia nhập WTO.

 

Trong cả quá trình đàm phán đa phương và song phương, Việt Nam cũng đã rất nỗ lực để đạt được các thoả thuận về cắt giảm thuế xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường, nhất là đối với một số lĩnh vực và mặt hàng nhạy cảm đối với nền kinh tế.

 

Các thành viên đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam nhận định rằng, đàm phán là một quá trình rất phức tạp, nhất là đàm phán song phương. Trong khi có những đối tác có thể kết thúc được ngay sau vài phiên thì có những đối tác phải mất nhiều năm, qua nhiều vòng đàm phán gay go. Tuy nhiên, trong suốt quá trình ấy, Việt Nam cũng vẫn nhận được sự hỗ trợ đắc lực của cộng đồng quốc tế ở nhiều lĩnh vực.

Có thể coi những công việc khó khăn nhất trên con đường phấn đấu trở thành thành viên của WTO đã được hoàn thành. Vấn đề còn lại là các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp làm thế nào để hội nhập hiệu quả vào “cuộc chơi” toàn cầu này, tận dụng được những cơ hội và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro nó mang lại./.



(Theo vnagency.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường