Ông cho rằng đây là xu hướng tất yếu của kinh tế thị trường thời hội nhập và các DN đều ủng hộ chủ trương này. DN XK gạo Việt Nam chưa quên rằng, năm 2004-2005, các nhà XK gạo Thái Lan đã từng bàn bạc với DN ta về một sự liên minh, khi mà Việt Nam chiếm lĩnh vai trò cường quốc về sản lượng phẩm cấp thấp và vừa. Họ cạnh tranh không lại nên phải thương lượng như thế. Bình tĩnh suy xét, chúng ta thấy sản lượng gạo Thái Lan (31% sản lượng gạo XK toàn cầu) thì cũng chỉ đủ bán cho Philippines và Indonesia là gần cạn. Nhưng người Thái đã có kinh nghiệm hơn 30 năm XK gạo (ta mới có khoảng 15 năm), diện tích canh tác lúa ổn định (không phải cắt đất cho phát triển công nghiệp), trình độ và năng lực của các DN XK gạo Thái Lan chuyên nghiệp hơn ta nhiều. Nếu có một tổ chức như ông Phó Thủ tướng Thái Lan nói, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam hiện đang nắm giữ 60% lượng gạo XK của thế giới thì đây sẽ là một "thế lực" mới của châu Á. Tổ chức này sẽ có quyền chi phối nhu cầu lương thực của hơn phân nửa dân số toàn cầu, và vì vậy, nó phải phục vụ mục đích cao cả của rộng rãi nhân loại, không trở thành kẻ đầu cơ vì lợi nhuận cục bộ của ai đó. "Buôn có bạn, bán có phường" là điều ngàn đời cha ông ta đã dạy. Cộng đồng DN, cộng đồng xã hội rất cần những đóng góp vì lợi ích chung của mọi thành viên; và vì vậy, tư tưởng làm ăn theo lối nhỏ lẻ của các DN Việt cần sớm loại bỏ. Nhìn Thái Lan, giữa lúc kẻ bán và người mua cùng nháo nhào khi giá gạo trên thị trường thế giới sốt nóng thì đề nghị trên đây rất đáng chú ý. Chẳng những người mua mà ngay cả người bán cũng đang gặp khó khăn không ít từ cơn sốt giá gạo thế giới hiện nay. Giá gạo thế giới tăng cao chưa từng thấy đã làm cho các DN và người dân Thái Lan, nước XK gạo lớn nhất thế giới, đổ xô đi mua gạo đầu cơ tích trữ. Tình hình căng thẳng tới mức ông Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan phải triệu tập ngay một phiên họp khẩn cấp để thảo luận giá gạo và việc điều hành lượng gạo sản xuất trong nước. Ta cần học tập.
Trở lại vấn đề trong nước, trước đó, vị GĐ này cũng là người rất đồng tình trong việc Hiệp hội có chủ trương hạn chế XK để không bị "xộ" giá thêm nữa. Vì theo ông, giờ thời kỳ người bán đi tìm người mua đã qua lâu rồi. So với 10 năm trước, các DN XK gạo của ta đã "trưởng thành" nhiều hơn, có đủ sức để "bao" sản lượng lúa gạo do nông dân làm ra, không còn cảnh vào vụ giá tụt, được mùa mất giá như trước đây. Và rõ ràng, DN của ta đã bắt nhịp khá tốt với cơ chế thị trường vừa được làm quen. Tuy nhiên, phải học hỏi người Thái về sự khôn ngoan, tính chuyên nghiệp và những tính toán khi kinh doanh gạo. Việt Nam ta đang chuyển một diện tích đáng kể sang phát triển công nghiệp. Vì vậy, diện tích canh tác lúa bị giảm đi; trong khi nhu cầu gạo thế giới ngày càng tăng, do sản lượng làm ra gặp thiên tai, số lượng dự trữ còn ít, thế nên, người bán gạo Việt Nam đang có lợi thế và phải khôn ngoan, biết biến lợi thế thành hiệu quả.
Tại sao lại cứ đầu năm là "xách cặp" đi tìm kiếm thị trường, trong khi người mua nhiều hơn người bán? Giờ đây, cung cách này cần sửa đổi, đúng ra là phải sửa từ rất lâu rồi. Nhiều năm qua, cách vận hành cơ chế hành-chính-kinh-tế của Hiệp hội của ta đã cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, chuyển động theo mệnh lệnh hành chính mà không nắm chắc hiệu quả việc làm của mình. Điều này tất nhiên cần được sửa đổi. Để các DN có thể giữ một vai trò nhất định khi liên minh các nước XK gạo được thành lập.