Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp thời thắt lưng buộc bụng.
11 | 04 | 2008
Có lẽ chưa bao giờ nền kinh tế của chúng ta lại gặp nhiều biến động như lúc này. Trong cơn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu học được cách thích nghi, thậm chí coi đó như một cơ hội để phát triển.

Linh hoạt đối phó 

Khi lãi suất cho vay của các ngân hàng ồ ạt tăng lên và đồng đô la Mỹ bắt đầu rớt giá, ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty Thanh Sơn, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu điều, lập tức chỉ đạo cho nhân viên tạm thời ngừng thực hiện phương thức thanh toán DP lâu nay đang áp dụng và chuyển sang thanh toán theo hình thức L/C trả ngay, nếu áp dụng DP, ngân hàng mở phải thông báo cho nhà nhập khẩu nên thường 20- 25 ngày sau khi xuất hàng chúng tôi mới nhận được tiền thanh toán. Còn với L/C dù phí có cao hơn một chút nhưng chúng tôi được thanh toán tiền ngay sau khi xuất trình được bộ chứng từ mà không cần phải mất thời gian thông báo. Tiền có sớm ngày nào là đỡ được lãi ngày đó, ông Sơn giải thích. 

Để tránh cơn sốt lãi suất tiền đồng Việt Nam, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn lại áp dụng "chiêu” chuyển qua vay đôla Mỹ. Theo bà Trương Thị Khanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, so với mức lãi suất tiền đồng trên 18-20%/năm thì mức lãi suất đô la 5% mà doanh nghiệp bà đang vay vẫn còn rẻ chán. 

Bán trái phiếu - một phương thức khá mới mẻ nhằm huy động vốn cũng đang bắt đầu được áp dụng. Với phương thức trên, đầu tháng 3 này trong dự án bất động sản Phú Mỹ, Sacomreal đã thu về 750 tỉ đồng tiền huy động được từ bán trái phiếu. 

Trước tình hình đồng đô la Mỹ mất giá so với các ngoại tệ khác, Nông trường Sông Hậu chủ trương chiến thuật “an toàn". Nghĩa là, gạo phải chuẩn bị đầy trong kho rồi mới ký và ký chủ yếu hợp đồng ngắn hạn, hạn chế hợp đồng dài hạn (vì giá thu mua cũng như giá đô la biến động từng ngày). Bằng cách này, theo bà Trần Ngọc Sương- Giám đốc Nông trường Sông Hậu, khó khăn hầu như khắc chế được. Còn với DNTN Minh Quang, bí quyết để hạn chế rủi ro là kiên quyết đàm phán với đối tác xuất hàng theo tỷ giá tiền đồng. "Hàng giao tới cảng trị giá bằng bao nhiêu tiền đồng, rồi theo tỷ giá đô la ngày đó mà quy ra" bà Minh Quang giải thích. 

Ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản An Giang, lại chọn phương án mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu vì hàng thuỷ sản Trung Quốc lúc này đang bị kiểm soát do vấn đề vệ sinh thực phẩm và đây là cơ hội vàng. Song song đó, công ty tăng tỷ lệ sản xuất cho thị trường nội địa lên 20-30 % để tranh thủ lúc đồng nội tệ đang có giá.

Lo tỷ giá biến động, lo lãi suất vay tăng nóng, lo lạm phát, doanh nghiệp không còn tiêu pha thoải mái như trước nữa mà phải thắt lưng buộc bụng. "Lạm phát không chỉ gõ cửa từng nhà mà thực sự ập đến từng doanh nghiệp. Giống như các gia đình, mọi chi tiêu của doanh nghiệp chúng tôi bây giờ phải tính chi li hơn"- bà Nguyễn Hồng Mai, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Âu Lạc, cho hay.

Tương tự ở công ty may Thái Tuấn, mọi chi phí quảng cáo, tiếp khách, điện nước... đều được tiết kiệm đến mức tối đa. Một chuyến công tác thôi cũng phải được sắp xếp, kết hợp "một công hai chuyện" sao cho đỡ tốn kém. "Bình thường chi phí đã được vắt, nay phải cố gắng vắt khô" - ông Võ Văn Sum, phó giám đốc tài chính, kế toán công ty may Thái Tuấn nói một cách hình tượng. 

Dựa vào hiệp hội

Hội Dệt may, Thêu đan TPHCM có lẽ là tổ chức nghề nghiệp sớm nhất ra "nghị quyết" đồng lòng tăng giá sản phẩm xuất khẩu như một giải pháp cấp thiết trước chi phí đầu vào đang leo thang. Một số thành viên của hiệp hội cho biết họ đã đàm phán thành công tăng giá bán sản phẩm từ 5 - 15% với phía nước ngoài trong các đơn hàng mới thực hiện vào quí 2/2008.

Trước những diễn biến khó khăn về xuất khẩu trong nghành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu VN đã nhanh chóng gửi công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét áp dụng một loạt biện pháp hỗ trợ trong đó có biện pháp khai thông thị trường ngoại tệ. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu ngành ngân hàng mua lại toàn bộ ngoại tệ có nguồn gốc từ xuất khẩu.

Hai ví dụ trên cho thấy lợi ích từ "buôn có bạn, bán có phường” và lợi ích đó càng nhân lên gấp bội trong những thời khắc khó khăn. Bà Trần Ngọc Sương kể, vừa qua một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã lỗ nặng, có nơi lỗ đến cả chục tỉ đồng do vội vàng ký hợp đồng với nước ngoài mà không chịu nghe lời Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Lúc ký, giá chỉ trên 300 đô la/tấn, ký xong giá tăng vùn vụt, giờ giá đã vọt lên cao gấp trên hai lần. Nhiều tàu chở gạo cho Philippines đã phải ra đi với những khoang chứa rỗng do doanh nghiệp hủy hợp đồng. 

Cơ hội để phát triển 

Trong sóng gió, nhiều doanh nghiệp không những đứng vững mà còn coi đó như một cơ hội vượt thử thách để vươn lên.

Ông Nguyên Thanh Lâm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Vieteuro cho biết doanh nghiệp của ông đến giờ này vẫn trụ vững mặc dù công ty có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến một số yếu tố quan trọng như: khả năng dự báo; lựa chọn đối tác; quy trình “ISO” trong xuất khẩu; nguyên tác hợp tác... Nhờ dự báo sớm, công ty của ông từ lâu đã chuyển từ thanh toán bằng đôla Mỹ sang đa ngoại tệ nên thiệt hại do đô la sụt giá hầu như được khống chế. Các doanh nghiệp đối tác từ nhà cung cấp đến nhà nhập khẩu, ông chỉ chọn những đối tác mạnh nhất trong lĩnh vực. Những người khổng lồ trong kinh doanh thường ít bị chao đảo bởi biến động của thị trường. Họ vững vàng bao nhiêu thì ta sẽ ung dung bấy nhiêu.

Ngoài ra, phải chọn đối tác thật “ăn cánh" với mình và việc kinh doanh phải trên nguyên tắc "tất  cả cùng thắng” bởi không cùng thắng là.. cùng thua. Ông Lâm nói như vậy về kinh nghiệm của mình. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng ráo riết tận dụng cơ hội. Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp trong nước thiếu hụt tài chính do chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát, chi phí đầu vào tăng cao, một quá trình  hợp tác sâu rộng dưới nhiều hình thức góp vốn, sáp nhập... có vẻ như đang bùng nổ. Ông Thomas Ngo, Giám đốc lndochina Capital, cho biết đang có một sự điều chỉnh cơ bản trong chiến lược của quỹ đầu tư này. Đó là chuyển trọng tâm đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước sang khối doanh nghiệp tư nhân. “Quá trình cổ phần hóa diễn ra quá chậm, giá cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước IPO lại quá cao gần như vượt khỏi giá trị thực. Trong khi đó khu vực tư nhân đang phát triển rất mạnh và ngày càng thể hiện vai trò đối với nền kinh tế. Đặc biệt, vào thời điểm này các doanh nghiệp tư nhân khó khăn về vốn hơn nhiều so với các doanh nghiệp quốc doanh. Vì vậy, chúng tôi quyết định tập trung đầu tư vào khu vực này".

Giám đốc lndochina Capital cũng cho biết nếu trước đây quỹ nhắm vào các công ty “pre- IPO" (tiền IPO), nghĩa là các công ty gần như đã có đủ điều kiện cổ phần hóa và lên sàn thì nay sẵn sàng đầu tư dài hơi vào các công ty có tiềm năng phát triển. “Ngay tuần rồi, chúng tôi đã giải ngân 25 triệu đô la Mỹ cho ITC, một công ty tư nhân về vận chuyển hàng hải" - ông Thomas Ngo tiết lộ.



Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường