Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hình mẫu nào cho văn hoá doanh nghiệp Việt?
24 | 05 | 2008
“Tạo dựng một tên tuổi thành công có thể mất tới 5 năm, 10 năm, nhưng chỉ cần một lần “mất tín” với người tiêu dùng có thể tiêu diệt cả thương hiệu. Đáng tiếc là văn hoá kinh doanh này chưa được nhiều doanh nghiệp Việt thấm nhuần” – ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng nhận định.

Bài học từ Nhật Bản cho thấy nước này đã làm nên điều thần kỳ của thế kỷ XX một phần nhờ sức mạnh văn hoá doanh nghiệp nội tại. Ở Việt Nam, văn hoá doanh nghiệp còn là khái niệm khá xa lạ, nhưng là “chiếc chìa khoá cần để mở cánh cửa hội nhập” – TS Trần Kim Hào, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TW chia sẻ.

Kinh nghiệm các nước phát triển cũng cho thấy sự thành công trong quá trình cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp đều gắn với việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Sự thống nhất giữa DN và nhân viên đã tạo nên tính trung thành, gắn bó và quan tâm đến sự sống còn của DN cho mỗi nhân viên các công ty Nhật. Đây cũng là đặc trưng cơ bản nhất làm nên sức mạnh của doanh nghiệp Nhật trên thương trường.

Vậy đâu mới là yếu tố làm nên sức mạnh văn hoá cho doanh nghiệp Việt? Theo ông Hào, một doanh nghiệp có vốn văn hoá kinh doanh mạnh phải hội tụ đủ bốn yếu tố: kinh doanh có hiệu quả, chăm lo được cho đời sồng người lao động, có mối quan hệ hợp tác tốt với các doanh nghiệp khác và có đạo đức kinh doanh, tôn trọng khách hàng – như cách nói khác là vừa phải có Tâm vừa phải có Tài. Nhưng cũng như chia sẻ của chuyên gia này, rất ít doanh nghiệp Việt hội tụ đủ bốn yếu tố này.

Nói riêng về chuyện chữ Tâm trong kinh doanh, ông Hồ Tất Thắng cho hay: “không ít các doanh nghiệp hiện nay chỉ thấy cái lợi trước mắt, sản xuất ở dạng “chộp giật” thậm chí làm giả nhãn mác, giảm chất lượng lừa dối người tiêu dùng”.

Dù không định hình rõ, nhưng theo một chuyên gia, có bốn điểm nổi bật trong văn hoá kinh doanh đang ở dạng “manh nha” của Việt Nam: tính nhân văn, vai trò hội nghề nghiệp, nhân tố con người và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, thực tế là các Hiệp hội ngành nghề thì có nhiều, nhưng vai trò liên kết các doanh nghiệp lại chưa tương xứng. Tiếng nói của Hiệp hội - đại diện cho quyền lợi doanh nghiệp và cả những hiệp hội đại diện cho quyền lợi người tiêu dùng đều chưa đủ mạnh. Ngay cả việc phát huy nhân tố con người cũng đang có vấn đề khi nhân lực chất lượng cao của Việt Nam luôn bị các đối tác nước ngoài phàn nàn là thiếu, hoặc nếu có cũng chưa đủ tầm, chưa chuyên nghiệp.

Bản thân một doanh nghiệp phàn nàn: “các doanh nghiệp trong nước còn cạnh tranh, chơi xấu nhau thì làm sao nói chuyện sức mạnh văn hoá cộng đồng được”.

Theo phân tích của ông Hào, để đáp ứng khả năng cạnh tranh đặc biệt trong thời đại hội nhập, doanh nghiệp Việt càng phải xây dựng văn hoá riêng đặc trưng cho dân tộc trên thương trường quốc tế. Muốn thế, phải có một cơ chế của nhà nước và doanh nghiệp đáp ứng việc khai thác yếu tố văn hoá kinh doanh. Theo đó, Nhà nước phải có các quy phạm khuyến khích cạnh tranh hợp pháp, kiểm soát và hạn chế độc quyền. Nhưng thể chế ấy phải chú trọng nhân tố con người, đãi ngộ xứng đáng và tôn vinh những doanh nhân có tài.  

Câu chuyện về văn hoá doanh nghiệp vẫn còn là một câu chuyện dài, đặc biệt khi doanh nghiệp Việt mới chỉ ở giai đoạn đi tìm bản sắc riêng. Song như Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ ra: muốn tạo lập được chỗ đứng trên thương trường và niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt phải kết hợp được cả năm yếu tố “Nhân, Tâm, Tài, Trí, Dũng”.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường