Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quy hoạch và phát triển bền vững cá da trơn ĐBSCL
17 | 03 | 2009
Các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận và ký hợp đồng với người nuôi trong vùng quy hoạch đáp ứng điều kiện nuôi của Bộ NN-PTNT quy định, có như vậy người nuôi cá theo hợp đồng sẽ được đảm bảo ổn định đầu ra và chắc chắn sẽ có lãi

Hiện nay, cá tra, cá ba sa đang tăng giá lên từ 16.000 đến 18.000 đồng/kg, nhưng nhiều hộ nuôi cá vẫn không mặn mà, bởi giá có tăng mà người nuôi cá vẫn chưa có lãi. Do nhiều người nuôi chưa “hoàn hồn” vụ lỗ cá da trơn năm 2008 vừa qua.

Theo tính toán của hộ nuôi cá, giá thành sản xuất cá tra là 16.650 đồng/kg (đã phải chi phí cho 12 khoản, gồm: giống, thức ăn, chăm sóc, thuốc phòng bệnh, lãi suất ngân hàng…), chưa nói giá thức ăn của cá tăng gấp 3 lần, nên sau thời gian rớt giá, thị trường có nhích lên tí chút thì người nuôi vẫn chưa bù đắp được. Theo phân tích chuỗi giá trị cá và phát triển bền vững thủy sản vùng Mê Kông của Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long, về giá trị cá tra, thì các công ty chế biến nhận được 43,8% (gấp 1,1 lần người nuôi và 2,5 lần người thu gom).

Nếu phân tích về chuỗi giá trị gia tăng: như về giá trị gia tăng thuần ở hai kênh phân phối, người nuôi luôn thu được ít hơn người thu gom, bán lẻ hoặc công ty chế biến. Còn theo phân tích tổng hợp, trong tổng số lợi nhuận thu được: công ty chế biến chiếm 78,5%, người nuôi 19,4%, thương lái 2,1%. Do giá trị cá tra nhiều thời điểm tăng nên người nông dân đã vay vốn đổ xô nuôi cá tràn lan với hy vọng sẽ lãi lớn.

Tuy nhiên, trong năm 2008, cá tra bán dưới giá thành thì người nuôi không còn hưởng được phần nào trong chuỗi giá trị gia tăng mà còn lỗ nặng, hậu quả dẫn đến tình trạng nhiều hộ, cá đã quá lứa dù giảm giá nhưng vẫn khó bán. Tình trạng dư thừa cá đã gây áp lực lớn cho thị trường và doanh nghiệp (DN) chế biến. Cá không bán được, không có tiền trả tín dụng… đã tạo ra “cú sốc” đối với ngân hàng và người nuôi cá, dẫn đến một số hộ đã lỗ hàng tỷ đồng, do vốn vay ngân hàng đến hạn trả trong khi đó cá không bán được phải chịu “lãi mẹ đẻ lãi con”. Chính từ đợt “khủng hoảng thừa” vừa qua đã có 40% số hộ để trống ao không nuôi.

Người nuôi + Doanh nghiệp = Bền vững

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng để tránh chuyện nay thừa cá tra nguyên liệu, mai lại thiếu cũng loại cá ấy, đòi hỏi ở các doanh nghiệp cần phải tuân theo quy luật thị trường, điều tiết sản xuất, đó là vấn đề vô cùng quan trọng. Nhất là con cá tra, ba sa hiện nay đang có thị trường rất lớn, tiềm năng nuôi cá ở ĐBSCL cũng vô cùng lớn. Qua hơn 10 năm phát triển của con cá tra, ba sa, chế biến xuất khẩu, đã có gần 107 quốc gia và lãnh thổ nhập khẩu sản phẩm này, đưa kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 1,44 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu nuôi cá nguyên liệu ồ ạt không có kế hoạch thì sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa cá nguyên liệu, thiệt hại cho người nuôi. Chính vì vậy, cần có sự liên kết giữa hộ nuôi cá, DN và ngân hàng, để phát triển mạnh mô hình nuôi cá gắn kết từ “đầu vào” và đảm bảo “đầu ra”. Thay vì trước đây cho nông dân vay vốn nuôi cá, ngân hàng sẽ chuyển vốn cho DN vay để DN hỗ trợ người nuôi cá bằng cách cung ứng con giống, thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi… theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy người nuôi cá có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với DN, các bên mới có sự ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, tránh tình trạng thua lỗ như trong đợt thừa cá vừa qua hoặc nuôi tự phát thiếu quy hoạch cung vượt cầu, đã dẫn đến rớt giá. Theo Chủ tịch VASEP, giải pháp chủ động nguồn nguyên liệu đã được các DN và VASEP áp dụng từ quý IV –2008.

Năm 2008 diện tích nuôi cá da trơn ĐBSCL 6000 ha, sản lượng đạt 1,2 triệu tấn, xuất khẩu đạt được 633.00 tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,44 tỷ USD. Mục tiêu 2009 đạt sản lượng từ 1,3 đến 1,5 triệu tấn, xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD trở lên.

Năm 2009, mặc dù chưa có quy hoạch vùng nuôi cá hoàn chỉnh, nhưng vẫn có thể áp dụng quy định về điều kiện nuôi do Bộ NN và PTNT ban hành, với điều kiện chính quyền sở tại quyết liệt thực hiện quy định vận động nông dân chấp hành thì cơ sở vẫn có thể ngăn chặn được tình trạng nuôi cá tự phát tràn lan gây thua thiệt. Mặt khác cần phải quy định điều kiện thành lập các nhà máy chế biến tránh tình trạng có quá nhiều nhà máy phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Mới đây, VASEP đã kiểm tra các điều kiện chế biến của một số nhà máy để công nhận đủ điều kiện chế biến xuất khẩu. Tới đây, VASEP sẽ điều hành xuất khẩu bằng cách phân công mỗi DN giữ vai trò trưởng nhóm thị trường mà họ có thể mạnh. Trưởng nhóm có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về giá xuất khẩu để các DN tham khảo ký hợp đồng, hạn chế tình trạng bán phá giá cá tra gây thiệt hại cho hộ nuôi cá.

Mặt khác, các DN cần chủ động tiếp cận và ký hợp đồng với người nuôi trong vùng quy hoạch đáp ứng điều kiện nuôi của Bộ NN-PTNT quy định, có như vậy người nuôi cá theo hợp đồng sẽ được đảm bảo ổn định đầu ra và chắc chắn sẽ có lãi, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đáp ứng xuất khẩu và ngân hàng kinh doanh đạt hiệu quả./.




Nguồn: vovnews
Báo cáo phân tích thị trường