Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bấp bênh cá da trơn
17 | 10 | 2008
ĐBSCL hiện có xấp xỉ 120 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu (công suất khoảng 3.200 tấn/ngày); trong đó có 74 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất hàng sang thị trường EU. Năm 2007, xuất khẩu cá tra, cá ba sa đạt 1 tỷ USD, xuất khẩu gần 400.000 tấn phi lê (tương tương 1 triệu tấn cá nguyên liệu - chỉ tiêu được đặt ra cho năm 2010), tăng 34,4% so với năm 2006.
Sau sự kiện sinh sản nhân tạo thành công cá tra, cá ba sa vào năm 1995, nghề nuôi loại cá này đã phát triển mạnh ở Châu Đốc (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp). Sau 10 năm, diện tích nuôi loài cá này tăng hơn 7 lần, sản lượng tăng hơn 44 lần, giá trị xuất khẩu tăng hơn 50 lần, góp phần tạo nên sức tăng trưởng mạnh cho ngành thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL, vượt qua tất cả các dự báo.

Khúc dạo đầu sôi nổi

Con cá tra, từ rất lâu người dân ít thích bởi cái tên của nó nói lên nhiều điều mà ai cũng biết. Trong những năm kinh tế khó khăn, khoảng thập niên 70 - 80, thế kỷ trước, cùng với phong trào nuôi chim cút, gà công nghiệp trên sân thượng, trong góc bếp mỗi nhà thì cá tra cũng được nuôi trong bể nước để cải thiện nguồn lương thực ở đô thị.

Sau sự kiện sinh sản nhân tạo hai loại cá da trơn (cá tra và cá basa) năm 1995, nghề nuôi cá bè được phát triển ở khu vực ĐBSCL, nhưng mạnh nhất là Châu Đốc (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp). Việc nghiên cứu thành công giống cá tra, ba sa nhân tạo, thay thế hoàn toàn cá bột tự nhiên đã góp phần quyết định trong việc phát triển nghề nuôi cá tra, basa xuất khẩu.

Lợi nhuận từ cá đã tạo ra hấp lực mê hồn cho người dân đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và nghề nuôi cá bè phát triển nhanh đến mức người ta sống trên bè cá nhiều hơn sống ở nhà, đi đâu cũng nghe bàn chuyện nuôi cá tra, cá ba sa. Và, để đánh dấu sự thịnh vượng do cá basa, cá tra mang đến cho người nuôi, tỉnh An Giang cho đúc tượng con cá ba sa “bụng bự” đặt tại công viên ở Châu Đốc.

Năm 2002, đang ăn nên làm ra, cá ba sa và cá tra đang xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới thì phía doanh nghiệp nuôi cá da trơn ở Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá. Vụ kiện kéo dài làm giảm dần sự hứng khởi của người nuôi khiến đầu ra của cá tra, cá ba sa hẹp dần.

Sau sự kiện cá tra, cá basa bị phía Mỹ kiện bán phá giá nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu lo ngại công nghiệp chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam sẽ sụp đổ vào năm 2003, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá các mặt hàng này. Nhưng thực tế, không phải thế. Ngành hàng này không những không sụp đổ mà còn tăng trưởng mạnh mẽ và hiện đã cao gấp 5 lần so với 200 triệu đô la Mỹ (kim ngạch xuất khẩu năm 2002).

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết - gần 50% kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào thị trường EU, còn lại là khu vực ASEAN và một số nước Đông Âu như Nga, Ba Lan, Ucraina; chỉ có thị trường Mỹ là giảm mạnh sau vụ kiện.

Năm 2005, khi giá cá tuột xuống dưới mức 8.000đ/kg, người nuôi bắt đầu “treo ao” và làng bè Châu Đốc, Hồng Ngự chỉ vài tháng đã biến mất dấu, làm các doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu trầm trọng. Mất thị trường Mỹ nhưng cá da trơn của Việt Nam đổi sang thị trường EU và ăn đậm nên giá cá lại lên. Năm 2006, khi giá cá tăng cao, phong trào nuôi cá lần này phát triển có vẻ rầm rộ hơn bởi người nuôi cá bè không phải là những nông dân vốn yếu mà là những tỷ phú.

Một đồng nghiệp của chúng tôi ở Vĩnh Long khẳng định – có khoảng 10% người nuôi cá có vốn khoảng dưới 1 tỷ, 40% có vốn khoảng 3 đến 5 tỷ và khoảng 40% vốn khoảng chục tỷ. Giá đất cho thuê nuôi cá dọc sông Tiền, sông Hậu năm 2006 tăng nhanh đến chóng mặt, thậm chí có nơi trên 120 triệu đồng/ha nhưng kiếm đỏ mắt vẫn không ra.

Lợi nhuận từ con cá mang lại thật khổng lồ. Với giá cá nguyên liệu khoảng 1 USD/kg, năm 2007, nông dân ĐBSCL thu được gần 1 tỷ USD. Không hiếm những đại gia đổi đời từ cá. Người dân ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt - Cần Thơ) sắm ca nô thể thao hay mua xe hơi như người ta mua... xe gắn máy Trung Quốc.

Bấp bênh cá da trơn

Dù nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra, cá basa tăng trưởng nhanh như vậy, nhưng theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã và đang phát triển không bền vững.

Hiệp hội này lý giải: Khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh, nguyên liệu trở nên khan hiếm, giá cá tăng, các hộ nuôi bán nhỏ giọt để thăm dò giá cá. Thấy các doanh nghiệp săn đón cá chủ ao nên nhiều người ngoài cuộc thấy nuôi cá giàu lên dễ thấy nên hàng loạt các nhà đầu tư “tay ngang” nhập cuộc ào ào.

Đi đâu, ngồi đâu người ĐBSCL cũng nghe thấy bàn chuyện nuôi cá tra. Nhất là khi thấy một anh tài xế của Tổng giám đốc công ty chế biến và xuất khẩu cá Nam Việt “loáng một cái” đã trở thành tỷ phú thì người dân ở An Giang càng quyết tâm... nuôi cá tra. Diện tích ao hồ tăng vùn vụt thì hàng loạt nhà máy chế biến mới thi nhau mọc lên. Các chủ ao “ào ào xông lên, vươn tới” ấy đã phá vỡ mọi quy hoạch.

Hệ quả là chưa năm nào giá cá tra biến động mạnh như mấy tháng đầu năm 2008 và cũng chưa bao giờ có tình trạng treo ao nhiều như mấy tháng qua ở ĐBSCL.

Từ tháng 3 đến đầu tháng 4, giá cá liên tục sụt giảm, có lúc cá loại thịt trắng chỉ còn 13.500 – 13.800 đồng/kg. Các chủ ao thắc thỏm chờ bán cá từng ngày, nhưng các doanh nghiệp thu mua nhỏ giọt. Giữa tháng 9-2008, giá cá tra vượt qua ngưỡng 17.000 đồng/kg. Khi mà nhiều người nuôi cá bị ép giá thời gian qua không cầm cự nổi đã treo ao thì giá cá lại bốc lên.

Hiện Đồng Tháp có 13 nhà máy chế biến cá da trơn xuất khẩu năng lực chế biến toàn tỉnh lên 250.000 tấn cá da trơn nguyên liệu. Tương tự, An Giang là địa phương đứng thứ hai toàn vùng với tổng diện tích nuôi 1.400 ha, cho sản lượng hàng năm trên 213.000 tấn cá nguyên liệu. Năm 2008 tỉnh An Giang triển khai xây dựng thêm 5 nhà máy chế biến thủy sản mới nâng năng lực chế biến xuất khẩu toàn tỉnh lên 400.000 tấn cá nguyên liệu/năm, gấp đôi năm 2007.

Khi giá cá tuột, nông dân năn nỉ gãy lưỡi, doanh nghiệp làm cao ép giá xuống đến tận “đáy ao”, trong khi cá đã đến kỳ thu hoạch, không bán cũng không xong. Người nuôi ít vốn cầm cự không nổi đành “treo ao”. Để có đủ nguyên liệu cho các hợp đồng xuất khẩu mùa sau, doanh nghiệp đẩy giá cá lên cao để người nuôi vừa thua lỗ cố bù lỗ bằng đợt nuôi mới.

Lúc này doanh nghiệp lại là người than trời vì họ cho rằng người nuôi “bẻ kèo” mặc cho doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo kiếm nguyên liệu. Sự xuất hiện ồ ạt của các doanh nghiệp chế biến thủy sản chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả đấu đá để giành giựt nguyên liệu như chuyện đã từng xảy ra với ngành mía đường. Và cuộc truy đuổi lẫn nhau giữa doanh nghiệp – chủ ao đã và sẽ còn kéo dài khiến cả hai cùng mất sức.

Những điều còn lại

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp và những nhà quản lý thì giải pháp hiện nay để tháo gỡ những rối rắm của ngành cá tra, cá ba sa là liên kết dọc. Mô hình liên kết dọc này bao gồm: nhà máy chế biến xuất khẩu, trại nuôi, cơ sở dịch vụ (thức ăn, con giống, thuốc thú y thủy sản...), ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức chứng nhận...

Tuy nhiên, hiện nay cũng có không ít vấn đề phát sinh trong mô hình liên kết dọc, cần được giải quyết. Đó là vấn đề bảo hiểm trong trường hợp có các rủi ro trong sản xuất; ngân hàng chưa mạnh dạn tham gia. Các mô hình hiện có vẫn chưa đi sâu vào giải quyết yếu tố giá cả; nhiều mô hình chưa nhấn mạnh khâu xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh. Giải pháp bảo vệ môi trường cho công đoạn nuôi chưa thật sự được cải thiện. Trong khi đó, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người sản xuất chưa nhận thức đầy đủ về cơ hội, thách thức của quá trình phát triển bền vững có liên quan đến môi trường và thị trường.

Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre, cho biết: “Năng lực quản lý, đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường của các thành viên còn hạn chế. Hệ thống thể chế pháp lý chưa đủ hiệu lực để ràng buộc trách nhiệm giữa các thành viên. Các doanh nghiệp, nhà quản lý và người sản xuất chưa am hiểu cơ chế đồng quản lý; sự chia sẻ về quyền lợi và trách nhiệm giữa các thành viên cũng chưa thỏa đáng. Những vấn đề này cần phải được xem xét, giải quyết trong tương lai”.

Theo quan điểm của VASEP, trong mô hình liên kết dọc cần lấy nhà máy làm trung tâm để ổn định và hài hòa các mối quan hệ kinh tế trong chuỗi sản xuất thủy sản, giảm thiểu các thách thức khó khăn, đảm bảo một cam kết mạnh có thương hiệu với khách hàng trong và ngoài nước. Vì thế, từng tỉnh - thành, từng địa phương trong cả nước phải có chính sách chuyển từ sản xuất tiểu nông - quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Chuyện cá tra, cá ba sa sẽ vẫn là những chuyện dài cần bàn bởi số hộ nuôi cá ở khu vực An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ đang ngày càng nhiều và cho đến hiện nay, ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra, cá ba sa với tên gọi Pangasius của Việt Nam gần như chưa có đối thủ. Điều còn lại cần làm, để tiềm năng xuất khẩu cá ba sa, cá tra của Việt Nam trở thành hiện thực rất cần một “nhạc trưởng” đủ lực, đủ uy và đủ mạnh để thực hiện mô hình liên kết dọc.



Nguồn: Báo Thanh niên
Báo cáo phân tích thị trường