Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Trả lại tên em” cá da trơn Việt Nam
24 | 12 | 2009
Người nuôi cá da trơn ở Mỹ đang yêu cầu áp các quy định an toàn khắt khe hơn đối với loại cá nhập từ Việt Nam. Từ đó nảy sinh hàng loạt trớ trêu với tên gọi, gợi nhớ những vụ kiện để tôm được gọi là… cua.

Để làm được điều đó người nuôi cá da trơn ở Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ của bộ Nông nghiệp Mỹ trong việc xác định loại cá có nguồn gốc từ Việt Nam là cá da trơn. Nhưng bảy năm trước, chính những người này yêu cầu quốc hội ban hành luật cấm sản phẩm cá nhập từ Việt Nam được gắn nhãn “cá da trơn”, cho dù da loại cá này trơn nhẫy.

Đâu chỉ có người nuôi cá da trơn ở Mỹ mới oái oăm thế. Ba năm trước, người nuôi tôm hùm ở bang Maine, Đông Bắc nước Mỹ, cũng từng kiên quyết ngăn không cho các nhà hàng dùng chữ “tôm hùm langostino” (hay tôm hùm nhỏ) để gọi một loại tôm từ Chile. Thế là con vật hình dáng như tôm, và thịt có vị, có sớ như tôm hùm lại được dân nuôi tôm hùm Mỹ gọi là… “cua”! Toà án Los Angeles không thể ra phán quyết cuối cùng cho vụ kiện con tôm langostino. Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) cuối cùng duyệt cái tên “tôm hùm langostino” cho ba loại tôm được nuôi ở bang Maine.

Vài năm trước, Liên minh châu Âu – EU cũng từng cố ngăn không cho các sản phẩm cá mòi có xuất xứ từ Peru được dùng chữ cá mòi (sardine) trên bao bì. Phán quyết của EU vào năm 2002 tuyên bố chỉ có một loài cá sinh sống ở vùng Địa Trung Hải, Biển Đen và các khu vực Đại Tây Dương thuộc châu Âu mới được gọi là cá mòi. Các loại cá nước mặn nhỏ thân ở các vùng khác chỉ có thể được gọi là cá mòi cơm (pilchard), cá trích cơm (sprat), hay “thứ giống cá mòi” (sardine poseur) mà thôi!

Trong trường hợp cá xuất xứ từ Việt Nam, các nhà khoa học đã nhận xét rằng loại cá được gọi là cá tra, cá basa… của Việt Nam, cùng với loại cá da trơn nuôi trong các vùng nước ở miền Nam nước Mỹ là hai trong số 3.000 loài cá da trơn đã được khoa học ghi nhận. John Friel, một chuyên gia cá da trơn của bảo tàng động vật có xương sống thuộc đại học Cornell, New York, nhận xét ở góc độ khoa học, gọi cá da trơn xuất xứ từ Việt Nam bằng bất cứ cái tên nào khác là một “trò ngớ ngẩn”.

Năm 2002, mặc dù thành công trong việc ngăn cản cá da trơn Việt Nam được đóng nhãn cá da trơn, người nuôi cá ở Mỹ đã không thể ngăn cản loại cá từ Việt Nam này xuất hiện trong bữa ăn của người Mỹ. Thế nên, một năm sau, họ lại tìm đến biện pháp áp thuế cao lên con cá da trơn nhập từ Việt Nam. Điều này cũng chẳng giúp cá da trơn Mỹ thắng thế hơn. Theo thông tin của hãng nghiên cứu thị trường Informa Economics (trụ sở tại Memphis, bang Tennessee), năm ngoái Mỹ nhập khẩu đến 77 triệu USD cá này, trong khi năm 2000 chỉ nhập 10,7 triệu USD. Và người nuôi cá da trơn Mỹ cho rằng loại cá thịt trắng nhập từ châu Á đang đe doạ ngành công nghiệp nuôi cá da trơn trị giá 400 triệu USD của Mỹ.

Bây giờ người nuôi cá ở Mỹ lại tổ chức một cuộc vận động hành lang khác để con cá không vảy của Việt Nam và các nước châu Á khác được gọi là cá da trơn. “Về mặt khoa học, pangasius (basa, tra, hay swai) thực ra là cá da trơn châu Á, cho dù các quy định về nhãn mác và marketing có thế nào đi nữa”, ông Jeff McCord, cố vấn thương mại của viện Nghiên cứu cá da trơn, cơ quan ủng hộ người nuôi cá da trơn nuôi tại Mỹ, nhận xét như vậy. Trả lại tên cho một loại cá, rồi sẽ đặt ra những rào cản khác để làm giảm thị phần của loại cá này, đó là điều người ta đang muốn làm ở Mỹ.



Theo www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường