Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
860 triệu đồng phát triển thủy sản Nghệ An
16 | 03 | 2009
Tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ đầu tư 860 triệu đồng để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế biển với tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nguồn vốn này dùng để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên; hỗ trợ phao cứu sinh hộ nghèo, hộ chính sách; hỗ trợ lãi suất đóng tàu và chuyển đổi nghề và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngoài hỗ trợ nguồn kinh phí, tỉnh Nghệ An định hướng chuyển đổi số lao động dôi dư do sắp xếp lại sang làm các nghề khác như chế biến, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, bao tiêu sản phẩm; xây dựng các tổ, đội khai thác, khuyến khích phục hồi các nghề truyền thống và phát triển khai thác xa bờ.

Tỉnh cũng giao cho Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản khảo sát và quy hoạch các vùng và mùa vụ cấm khai thác; phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên biển; quản lý tàu thuyền, nghề khai thác, đối tượng khai thác chặt chẽ cả trên bờ, cảng cá, bến cá và trên biển, tiến tới cấp hạn ngạch khai thác cho từng phương tiện; đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền chặt chẽ và toàn diện.

Tỉnh tổ chức và vận động ngư dân thả chà, rạo, rạn nhân tạo, thả tôm, cá giống ra biển; đồng thời bảo vệ các bãi sinh sản, chỉ đạo ngư dân khai thác đúng mùa vụ, phòng ngừa dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản; đặc biệt, tăng cường tuyên truyền trong nhân dân, phát động “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”, hàng năm tổ chức tập huấn cho ngư dân về an toàn nghề cá.

Nghệ An có bờ biển dài 82km trải dọc theo 4 huyện, thị, có 6 cửa lạch được phân bố khá đều từ Bắc vào Nam, đây chính là nguồn lợi thủy sản khá phong phú. Sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 47.000 tấn hải sản các loại.

Đến nay, tổng số tàu thuyền tham gia khai thác thủy sản lên tới 4.005 chiếc với trên 23.000 lao động tham gia. Vì lý do mưu sinh, do tập quán khai thác và nhận thức của cộng đồng ngư dân còn hạn chế nên tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thuỷ hải sản vẫn còn xảy ra.

Bên cạnh đó, kinh phí chuyển đổi các nghề khai thác có hại sang nghề khai thác xa bờ vẫn còn hạn chế; lực lượng Kiểm ngư quá mỏng, kinh phí hoạt động không thường xuyên, đối tượng vi phạm rất tinh vi nên tình trạng khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản thường xuyên tái diễn.



Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường