Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phú Thọ: Cẩm Khê có 1.757ha nuôi thủy sản
06 | 12 | 2008
Sau 6 năm thực hiện chương trình phát triển thủy sản, huyện Cẩm Khê đã chuyển đổi được gần 1.100ha diện tích sâu trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện từ 600ha (năm 2002) lên 1.757ha (năm 2008). Năng suất thủy sản bình quân năm 2007 đạt 2 tấn/ha, tăng 0,84 tấn so với năm 2002.
Sản lượng cá, tôm (năm 2007) đạt trên 3.400 tấn, tăng 2.700 tấn so với năm 2002. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng thủy sản trọng điểm phát triển mạnh và bền vững, tập trung ở đồng Láng Chương, đồng Mèn, đồng Đung và một số địa phương có nhiều diện tích mặt nước. Đạt được kết quả trên là do huyện đã thực hiện tốt các giải pháp về đất đai, giống, kỹ thuật, vốn đầu tư chăn nuôi và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình phát triển thủy sản. Huyện đã chú trọng chỉ đạo dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, quy hoạch diện tích sâu trũng trồng lúa kém hiêu quả sang chuyên nuôi cá hoặc 1 lúa 1 cá. Chủ động chuyển giao khoa học kỹ thuật (đặc biệt về giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh). Xây dựng, mở rộng mô hình thâm canh thủy sản hiệu quả. Tăng cường đào tạo nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển thủy sản một cách bền vững. Hiện nay diện tích sản xuất cá giống của huyện đạt gần 34ha, hàng năm sản xuất 21 triệu cá giống, tôm giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài huyện. Từ năm 2002 đến nay, huyện đã mở được gần 30 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thủy sản và đào tạo công nhân kỹ thuật thủy sản cho gần 2.000 lượt nông dân. Đầu tư hàng trăm tỷ đồng chăn nuôi thủy sản và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình chăn nuôi. Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào phát triển thủy sản của huyện phần lớn mới quan tâm tới việc mở rộng diện tích, chưa chú trọng tới đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc quy hoạch vùng thủy sản còn hạn chế. Hiệu quả sản xuất chưa cao, nguồn lực đầu tư trong nhân dân hạn hẹp... Phương hướng và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2010 của huyện là: Tăng cường hơn nữa công tác khuyến ngư; thực hiện tốt các giải pháp về giống, vốn, môi trường, thức ăn, thông tin thị trường sản phẩm. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt nguồn lực đầu tư phát triển thủy sản. Củng cố quan hệ sản xuất, thúc đẩy phong trào chăn nuôi thủy sản phát triển, phấn đầu đến năm 2010 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.000ha. Sản lượng cá, tôm 4.000 tấn.

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường