Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp xuất khẩu - Khó khăn chồng chất!
25 | 04 | 2008
Nhằm hạn chế nhập siêu, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành quyết định thu hẹp đối tượng cho vay vốn bằng ngoại tệ có hiệu lực thi hành vào cuối tháng 4/2008, làm cho nhiều DN nhập khẩu nguyên liệu để làm hàng XK vô cùng lo lắng.

Rất nhiều thành viên của Tập đoàn Dệt may VN cho rằng, việc hạn chế đối tượng cũng như mức vay ngoại tệ của NHNN sẽ làm khó cho nhà sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu sang thị trường Mỹ. Một phần, do lãi suất tiền đồng đã tăng quá cao, kéo theo lãi suất cho vay từ đó tăng gấp đôi so với huy động. Lãi suất cho vay phổ biến tại các ngân hàng thương mại Nhà nước ngắn hạn hiện khoảng 14,6%/năm, trung và dài hạn khoảng 16,2%/năm; tại các ngân hàng cổ phần, lãi suất ngắn hạn khoảng 18,42%/năm, trung và dài hạn khoảng 21,85%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ tương đối ổn định và ít biến động, chỉ ở khoảng 7 - 8%/năm. Chính lý do này buộc các DN, đặc biệt DN xuất- nhập khẩu phải chọn vay ngoại tệ để giảm chi phí đầu vào. Theo ông Hà Duy Hưng- Giám đốc Công ty Giày Duy Hưng (Bình Chánh-TPHCM)- nếu được vay ngoại tệ DN tự chủ và giảm được chi phí trong sản xuất. Hiện nay, việc vay ngoại tệ rất khó, lãi suất tăng từ 8%/năm lên 12%/ năm, hạn mức cho vay bị khống chế (trước được vay trên 500.000 USD, nay cao nhất 300.000 USD). Với qui định này, DN bị  giảm doanh thu nghiêm trọng, và mất lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu hàng.  Ông Đỗ Long- Giám đốc Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân Bita cho biết, qui định không cho vay ngoại tệ sẽ dẫn đến các công ty xuất khẩu phải vay tiền đồng, chi phí xuất khẩu tăng, lợi nhuận của DN giảm. Để duy trì sản xuất, buộc lòng phải tăng giá thành sản phẩm.


Theo số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm đã đạt mức 2 chữ số, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đặt ra. DN đang chịu sức ép lớn từ những đợt tăng giá liên tục. Giá hàng loạt mặt hàng rất quan trọng như xăng dầu, sắt thép, phân bón, chất dẻo, giấy, sợi, bông... cho đến giá nguyên liệu nông sản đua nhau tăng, dẫn đến nguyên vật liệu đầu vào tăng đến 30 - 40%, phí vận tải cũng tăng, giá nhà đất bị đẩy lên đến mức phi lý... Thêm nữa, việc ngân hàng tăng lãi suất khiến DN khó vay vốn, nếu vay được, lãi suất cũng cao, đầu tư có nhiều rủi ro. Riêng với nhập khẩu, tình trạng nhập siêu tăng cao do tỷ trọng nhập nguyên - nhiên - phụ liệu đầu vào cho sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, và máy móc thiết bị rất lớn, trong khi giá thế giới tăng rất mạnh trong thời gian qua như xăng dầu tăng 57%, sắt thép 70%, hóa chất 62%...

Trong cơ cấu XK năm 2008 của Bộ Công thương, châu Á vẫn là thị trường lớn nhất với tỷ trọng 41,8% trong tổng kim ngạch XK (đạt khoảng 25 tỷ USD), trong đó đáng chú ý là các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Kế đến là thị trường châu Mỹ với kim ngạch khoảng 14,6 tỷ USD (riêng XK vào Hoa Kỳ dự kiến đạt khoảng 13,1 tỷ USD) và thị trường châu Âu với kim ngạch 11,7 tỷ USD…

Nhiều DN có thế mạnh XK vào những thị trường chủ lực nêu trên cho rằng, việc mở thị trường mới trong bối cảnh hiện nay chưa thích hợp đối với thực lực các DNVN. Vấn đề trước mắt là làm thế nào để khai thác sâu hơn thị trường có sẵn. Đối với Nhật Bản, thị trường XK lớn thứ hai của VN sau Hoa Kỳ, năm 2008 có khả năng đạt 7,1 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2007. Tham tán thương mại tại Nhật Bản cho biết, đây là một thị trường rộng lớn và chưa có dấu hiệu bão hòa đối với nhiều mặt hàng. Vì vậy, các DN cần giữ vững những mặt hàng chủ lực như thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, may mặc; đồng thời phát triển mặt hàng mới như đồ gỗ và thực phẩm chế biến… Theo đó, các DN cũng cần chú trọng đến việc xây dựng mạng lưới nhập khẩu tại nước sở tại và tiêu thụ bền vững.

Khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay không phải giá đầu vào mà là lãi suất ngân hàng, vì 90% vốn hoạt động của DN Việt Nam là vay ngân hàng. Hiện nay, không chỉ có lạm phát trong nước mà nếu kinh tế Mỹ suy thoái sẽ đình trệ kinh tế toàn cầu, làm lung lay hệ thống tài chính quốc tế, trong đó có hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Thị trường đang rất khắc nghiệt, DN phải vượt qua khó khăn này bằng cách nào? Các chuyên gia cho rằng, DN phải tự định liệu cho mình về mọi mặt, có chiến lược lâu dài để đối phó với những tình huống mang tính gây "sốc". Từng DN phải tiến hành tái cấu trúc, rà soát tất cả chi phí trong sản xuất kinh doanh, tăng hiệu quả đầu vào trong cung ứng, sản xuất và lưu thông. Bên cạnh đó cần  chọn lọc, xác định những sản phẩm tối ưu là sở trường, lợi thế cạnh tranh và phân khúc thị trường thích hợp... DN cũng phải tổ chức lại sản xuất, tinh giản lao động nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, đồng thời đẩy mạnh tiếp thị. Với tình hình hiện nay, để hỗ trợ DN, Nhà nước cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho DN, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ có chất lượng với giá rẻ. Tuy nhiên, biện pháp giúp DN lâu dài, hữu ích nhất là Nhà nước nhanh chóng chặn đứng lạm phát. Chính phủ cần phải dự báo chính xác, chống lạm phát phải chống đến cùng và toàn diện. Cần triển khai hành lang pháp lý, chính sách, công cụ phòng ngừa rủi ro đối với tiền tệ, hàng hoá, xăng, dầu…



Theo Báo Kinh Tế HT
Báo cáo phân tích thị trường